Đã thành thông lệ hàng năm, cứ vào tháng 8, tháng 9, Nhà hát Tuổi Trẻ lại chuẩn bị công diễn chuỗi tác phẩm sân khấu của cố tác giả Lưu Quang Vũ. Sự kiện năm nay có tên Sức sống kịch Lưu Quang Vũ nhằm để tri ân và tưởng nhớ nghệ sĩ tài hoa này.
Mở màn cho sự kiện Sức sống kịch Lưu Quang Vũ, là vở kịch Ai là thủ phạm được Lưu Quang Vũ thai nghén năm 1983 do NSƯT Chí Trung dựng lại. Vở diễn quy tụ nhiều nghệ sĩ tên tuổi như NSƯT Đức Khuê, NSƯT Nguyệt Hằng, NSƯT Hoa Thúy… và cả những nghệ sĩ trẻ đang khẳng định được tài năng và thường xuyên xuất hiện trên sóng truyền hình như Thanh Sơn, Bảo Thanh…
Ai là thủ phạm khắc họa sinh động, chân thực cuộc sống của một khu tập thể ở Hà Nội trong những năm 80 của thế kỉ trước. Một cuộc sống khó khăn phải chung đụng nhiều thứ: nhà vệ sinh, máy nước… làm nảy sinh những vấn đề nhức nhối với những mâu thuẫn giữa các nhân vật. Những con người mà ta vẫn bắt gặp đâu đây được Lưu Quang Vũ góp nhặt và xây dựng nên thành những nhân vật điển hình có nét riêng biệt mà quen thuộc: đó là ông Tỷ chỉ biết đi kiện cáo, săm soi và đi lo những chuyện bao đồng, một là Loan như cái loa của khu tập thể chuyên đi ăn vạ, ca thán… Và cả những hoạt động, tình tiết khôi hài, đậm chất đời cứ ngồn ngộn trong vở diễn…
Ai là thủ phạm là một trong những vở kịch đặc trưng nhất về phong cách sáng tác của Lưu Quang Vũ. Sinh thời tác giả luôn đau đáu, trăn trở những câu hỏi: thế nào là người tốt? Làm gì để trở thành người tốt? Làm người tốt có khó không? Đây là những câu hỏi thế sự, mà có lẽ đến vài trăm năm nữa thì con người ta vẫn luôn chiêm nghiệm và suy ngẫm về nó. Những con người sống trong vỏ bọc, che đậy về đạo đức, nhưng thực chất thẳm sâu lại biến chất: đó là ông Đời, chỉ biết cơ hội, nịnh nọt cấp trên, luôn rao giảng với mọi người về đạo đức, về lối sống đẹp, về cách dạy con cái sao cho phải… nhưng thực chất bên trong suy nghĩ lại cơ hội, ti tiện. Đó là vợ chồng Huy, có cách sống quan liêu, khinh thường người khác, chỉ biết dùng chức quyền để giải quyết mọi sự. Và cả vị cán bộ Toản, một người quản lí an ninh cho khu tập thể, nhưng lại có cách làm việc hời hợt, tắc trách, làm cho xong mà không hề nghĩ đến hậu quả…
Bằng mẫn cảm nghệ sĩ, từ cái nhìn đầy phát hiện và tỉnh táo, Lưu Quang Vũ đã gửi gắm cho người xem sự đa chiều, cặn kẽ về con người. Vinh, một cậu thanh niên từ trại cải tạo về bị cả khu tập thể xa lánh và có cái nhìn định kiến, ác cảm. Điều đó đã đẩy một con người đang cố gắng hoàn lương trở nên cục cằn, có phần ngỗ ngược, bất cần. Nhưng đằng sau cái ngỗ ngược, bất cần ấy lại là một trái tim lương thiện, biết nghĩ và hi sinh cho người khác… Còn Thịnh và Ngọc, hai cậu ấm của gia đình ông Huy, ông Đời, luôn tỏ ra lễ phép ngoan ngoãn với người lớn, luôn cố gắng giữ thể diện cho bố mẹ nhưng thực chất lại có nhiều hành động đốn mạt, sa ngã và không có trách nhiệm với những việc mình đã làm. Ranh giới giữa người xấu và người tốt luôn rất mong manh, thế nào là người tốt, thế nào là người xấu… khi con người ta cứ chỉ biết lợi lộc, chức quyền rồi dần tha hóa biến chất: Ông Đời dần dần không còn là chính mình của ngày trước, ông dần dần xa cách, dần dần chẳng hiểu gì về người vợ và thằng con trai mình. Ông Huy cũng vậy, con hư thì cho vài cái tát, đánh vài cái roi… khi đứa con rơi vào vòng lao lí thì lấp liếm, che đậy qua loa. Từ đó, tác giả còn gửi gắm cho người xem về cái nhìn, trước tiên, bố mẹ phải tử tế, trung thực thì mới làm gương được cho con cái…
Vở kịch gửi gắm cho chúng ta về niềm tin, về lẽ phải, về tính lương thiện luôn ngự trị trong cuộc sống. Đó là những người tốt như cán bộ Nguyễn Chiến, một người luôn hướng tới sự công bằng trong xã hội: Luật pháp áp dụng cho tất cả mọi người, luật pháp không từ một ai, từ ông Chủ tịch nước đến người quét đường. Đó là cô bé Diệp, cô Nhân, những người luôn trao gửi niềm tin vào những điều tốt lành trong xã hội. Và cả bi kịch của người tốt, như Cậu Vinh luôn đau đáu, mong đợi những điều tốt đẹp dù chính bản thân cậu không được mọi người xung quanh chấp nhận: Công lí có không? Sự công bằng thực sự, kẻ xấu phải được vạch mặt, những người ngay thẳng phải được quý trọng, kẻ tham tàn thì phải trừng trị, còn người tốt phải được sung sướng, thật sự sung sướng. Điều đó có không?... Vở kịch khép lại có hậu để lại sự dư ba, ám ảnh trong lòng người xem. Đó là bà Đời, bằng tình cảm lớn lao của một người mẹ, sẵn sàng chấp nhận, đối diện sự thật khủng khiếp từ đứa con mình và chỉ có cách cứu con duy nhất là phải ngay thẳng, trung thực…
Với Ai là thủ phạm, NSƯT Chí Trung và ê kíp sản xuất của nhà hát Tuổi Trẻ đã mang lại những cảm xúc mới cho người xem… Đạo diễn đã đan xen, chắt lọc những chất thời bao cấp và chất của hôm nay. Dù kịch bản được thai nghén gần 40 năm, nhưng người xem vẫn cảm thấy những câu chuyện, những con người mà ta vẫn bắt gặp đâu đây, ngay trong cuộc sống này. Lời thoại, chất kịch vẫn vậy, nhưng qua cách dàn dựng và diễn xuất tài tình của dàn diễn viên nhà hát Tuổi Trẻ, vở diễn mang đến chất đại chúng, rất gần với xã hội hôm nay. Bài thơ Chuyện cổ tích về loài người của Xuân Quỳnh đã được đạo diễn xử lí thành một bài hát, có đoạn ráp và được diễn tả rất sáng tạo, mới mẻ và gần với thế hệ trẻ. Cùng với đó, bài thơ Anh chỉ sợ rằng trời sẽ mưa của Lưu Quang Vũ cũng được đưa vào vở diễn một cách tài tình đã tạo ra chất thơ, chất lãng mạn cho vở diễn.
Sự kiện Sức sống kịch Lưu Quang Vũ, sẽ tiếp tục với ba đêm diễn Hoa cúc xanh trên đầm lầy vào tối 26/9, Tin vào hoa hồng vào tối 4/10, và sẽ diễn lại Ai là thủ phạm vào tối 3-10… Những vở diễn hứa hẹn sẽ mang khán giả về những năm 80 của thế kỉ trước, những năm tháng mà các vở kịch của Lưu Quang Vũ ra đời phản chiếu nhiều vấn đề xã hội nóng bỏng mà đến nay vẫn còn chưa xa.
Nguyễn Đức Cầm/VNQĐ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên