Hôm 16-9, bộ ngoại giao Anh, Pháp và Đức (nhóm E3) đã gửi công hàm chung lên Liên Hiệp Quốc, nhấn mạnh các yêu sách đường cơ sở thẳng, “quyền lịch sử” ở Biển Đông mà Trung Quốc đưa ra là vô lý chiếu theo UNCLOS 1982.
Động thái của nhóm E3 diễn ra cùng ngày với Thông điệp châu Âu đầu tiên của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, trong đó nhấn mạnh đã tới lúc EU (Liên minh châu Âu) cần phải quay lại việc bảo vệ các giá trị mà mình theo đuổi và lên tiếng khi chúng bị xâm phạm.
Ngay từ đầu tôi đã nói Trung Quốc là một đối tác đàm phán, một đối thủ kinh tế và một đối thủ hệ thống.
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen trong Thông điệp châu Âu đầu tiên ngày 16-9
EU muốn chơi sòng phẳng
"Chúng ta đáng lẽ phải lên tiếng về các vụ vi phạm nhân quyền ở bất cứ nơi nào và khi nào, ở Hong Kong hay Tân Cương. Nhưng điều gì cản trở chúng ta? Tại sao ngay cả những tuyên bố đơn giản về các giá trị của EU cũng bị trì hoãn, làm dịu xuống hoặc trở thành con tin vì những động cơ khác? Châu Âu cần phải có lập trường rõ ràng và hành động nhanh chóng trong các vấn đề toàn cầu" - bà Ursula von der Leyen nêu rõ.
Việc bà Ursula von der Leyen ám chỉ các nước EU đang vì quá trông chờ đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc mà ngó lơ các giá trị khác khối này đã từng theo đuổi từng được cảnh báo khi Ý và Hi Lạp hân hoan với sáng kiến "Vành đai - Con đường" của Trung Quốc.
"Chúng ta nghiêm túc với việc tiếp cận thị trường Trung Quốc, nhưng họ phải thuyết phục được chúng ta tại sao họ xứng đáng có được một thỏa thuận đầu tư với EU" - chủ tịch EC nhấn mạnh.
Cũng trong tháng 9, Đức đã công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ngay sau khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị rời đi, chính thức cùng với Pháp gia nhập ý tưởng chiến lược địa chính trị do Mỹ khởi xướng.
Một loạt hành động liên tiếp của châu Âu cho thấy sự kiên nhẫn của EU với Trung Quốc dường như đã cạn. Dàn lãnh đạo mới của EU không muốn khối này trở thành "con tin" của Hiệp định đầu tư toàn diện EU - Trung Quốc (CAI) vốn vẫn chưa biết khi nào mới đạt được.
Hội nghị thượng đỉnh EU - Trung Quốc, vốn được kỳ vọng sẽ trở thành bệ phóng cho quan hệ hai bên, đã kết thúc ngày 14-9 mà không đạt được tiến bộ lớn nào.
"Sự chậm chạp của Trung Quốc", ngôn ngữ mà nhiều tờ báo châu Âu trước đây thường sử dụng để nói về việc Bắc Kinh thực hiện lời hứa mở cửa thị trường, giờ cũng bắt đầu phát ra từ miệng dàn lãnh đạo mới của EU.
Cuộc họp báo chung của Thủ tướng Đức Angela Merkel, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel thẳng thắn nói "đã tới lúc Trung Quốc biến lời nói và cam kết thành hành động".
EU đã nhiều lần phàn nàn về tình trạng các công ty của họ tại Trung Quốc không được hưởng mức độ minh bạch và sự cạnh tranh công bằng như EU đã tạo ra cho các công ty Trung Quốc tại thị trường này.
Trung Quốc gặp khó với kế hoạch "Tây du"
Sự thất vọng của người châu Âu đối với các chính sách của Trung Quốc ngày càng gia tăng và bùng phát mạnh hơn sau đại dịch COVID-19, theo New York Times. "Ngoại giao khẩu trang" không làm tăng hình ảnh của Trung Quốc ở châu Âu mà trái lại còn khiến cảm tình bị mất đi ở một số quốc gia, đặc biệt là Hà Lan và Tây Ban Nha - nơi các thiết bị bảo hộ y tế bị lỗi được mua bằng tiền chứ không phải tặng.
Mặc dù EU hiện tại chưa tiến xa như chính quyền Donald Trump, thái độ cứng rắn với Trung Quốc đang lớn dần tại châu Âu và có thể khiến Bắc Kinh gặp khó khăn trong kế hoạch "Tây du" tìm kiếm một đối tác mới ngoài Mỹ.
Ông Janka Oertel, giám đốc Chương trình nghiên cứu châu Á thuộc Hội đồng đối ngoại châu Âu, nhận định "thông điệp hợp tác, hòa bình và xã hội hài hòa mà ông Tập cố gắng truyền tải đang rất khó được tiếp nhận" với những gì đã xảy ra tại Hong Kong và Biển Đông.
Sự thay đổi quan điểm của EU đặt ra thách thức lớn cho Trung Quốc, theo New York Times. Trong ngắn hạn, nó có nguy cơ làm suy yếu sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc sau đại dịch khi Mỹ tăng cường siết chặt các khoản đầu tư vào đại lục, đặc biệt về công nghệ.
Về lâu dài, điều đó có thể làm thui chột tham vọng biến Trung Quốc thành một giải pháp thay thế Mỹ ở châu Âu, từ đó trở thành một nhà lãnh đạo toàn cầu đưa ra các quy tắc quản trị và thương mại.
Tờ Politico bản châu Âu nhận định với những khác biệt rõ ràng về cách tiếp cận thị trường, nhân quyền và thượng tôn luật pháp quốc tế, hiệp định thương mại đầy tham vọng giữa EU và Trung Quốc sẽ còn lâu mới tới hồi kết.
62%
Theo một cuộc khảo sát do Hội đồng Đối ngoại châu Âu công bố vào tuần trước, chỉ 7% người châu Âu tin rằng Trung Quốc là một đối tác hữu ích trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19, 62% nhìn Bắc Kinh bằng ánh mắt tiêu cực.
Lucrezia Poggetti, một nhà phân tích của Viện Nghiên cứu Trung Quốc tại Mercator (Đức), tỏ ra ngạc nhiên khi chứng kiến Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đe dọa một chính trị gia Czech khi ông này thăm Đài Loan. "Trung Quốc không muốn lùi bước, nếu có thì tỉ lệ tiêu cực kia đã giảm xuống một nửa" - ông Lucrezia Poggetti nói.