Tội phạm “tín dụng đen”: Phải triệt từ gốc!

Thứ năm - 17/09/2020 12:17
Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 14/9 về kết quả thẩm tra sơ bộ các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tội phạm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh: Phòng ngừa tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” chưa thực sự hiệu quả!

1. Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết, năm 2020, các lực lượng chức năng đã triệt phá 2.485 băng, nhóm tội phạm hình sự các loại, trong đó đã trấn áp mạnh tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” tạo được chuyển biến tích cực…

Thứ trưởng Lê Quý Vương cũng đánh giá: Tình hình tội phạm về trật tự xã hội còn diễn biến phức tạp. Tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” tiếp tục được kiềm chế và kiểm soát… Tuy nhiên, tại một số địa phương, công tác chỉ đạo, đấu tranh triệt phá chưa quyết liệt; hoạt động “tín dụng đen” truyền thống vẫn rải rác ở một số địa phương và đang chuyển dịch theo phương thức, thủ đoạn cho vay trực tuyến…

111
Tín dụng đen đã và đang 'siết cổ' những người dân ít hiểu biết và hủy hoại sự an toàn xã hội.

Tại cuộc họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đã báo động về sự xuất hiện một số hình thức cho vay qua ứng dụng công nghệ cao (vay tiền online, qua app) thủ tục đơn giản nhưng lãi suất rất cao, đồng thời người cho vay có hành vi “khủng bố” tinh thần khách vay, người thân của họ để thu hồi nợ đang gây nhiều hệ lụy trong xã hội. Tuy nhiên, việc quản lý và phòng ngừa còn hạn chế, điển hình như vụ 7 người Việt Nam và Trung Quốc cho vay lãi nặng bằng hình thức thông qua app điện thoại tại TP.HCM (công ty này sử dụng 2 app là ABLOAN và VNCARD), nhưng chúng ta vẫn chưa có quy định để quản lý loại hình giao dịch này.

Cũng theo bà Nga, công tác phòng ngừa tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” còn có mặt hạn chế và chưa thực sự hiệu quả, người dân còn khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.

Nhận định trên của bà Nga là một thực tế dễ thấy, khi những khó khăn trong đời sống, sinh hoạt, học tập, làm ăn, càng khốc nghiệt trong mùa dịch Covid-19 của người dân đã và đang giúp tội phạm “tín dụng đen” rộng đất sống, ngày càng bành trướng, nhất là trên inetnet.

2. Trong đợt cao điểm tấn công tội phạm 2020, công an các địa phương đang ra sức truy quét các đối tượng cho vay nặng lãi. Lợi dụng mùa dịch Covid-19, tội phạm thậm chí đã cho người dân vay với lãi suất “cắt cổ”, từ 100 - 600%/năm, thậm chí 720%.

Như tại một tỉnh nghèo như Hậu Giang, năm bắt tình hình dịch Covid-19, một số khu công nghiệp đóng cửa, công nhân thất nghiệp trở về quê, các đối tượng cho vay lãi nặng đã thành lập công ty để qua mặt cơ quan chức năng, nhưng thực chất núp bóng để cho vay nặng lãi.

Khi bị bắt, các đối tượng khai để được vay tiền, người vay phải mang môtô chính chủ kèm giấy tờ gốc Giấy đăng ký, CMND hoặc hộ khẩu. Số tiền được vay phụ thuộc vào giá trị tài sản mà người vay thế chấp. Mức lãi suất dao động từ 4 nghìn đồng/1 triệu/ngày (tương đương 144%/năm), cao gấp 7,2 lần mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật dân sự.

Ở hầu khắp các khu dân cư, từ phố thị tới làng quê, các đối tượng cho vay lãi nặng thường nhắn tin, phát, dán tờ rơi, quảng cáo với nội dung rất hấp dẫn như “Cho vay không cần thế chấp, nhận tiền ngay”“Alo là có tiền”,... kèm số điện thoại. Ở phía Nam, phần lớn các đối tượng cho vay nặng lãi từ các tỉnh phía Bắc vào tạm trú hoặc kết hợp với người địa phương để hoạt động. Chúng có thể cho vay trực tiếp hoặc núp bóng các cơ sở cầm đồ, cho thuê xe, công ty tài chính... Để trốn tránh việc xử lý của pháp luật, chúng thường yêu cầu người vay ghi giấy nợ, hay giấy tờ bán, thế chấp tài sản. với lãi suất rất cao, có thể lên tới 40%/tháng.

Và như đã nói ở trên, vì khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, rất nhiều người dân khi cần tiền tiêu dùng, buôn bán, nhà có việc quan trọng, đảo nợ,… đã lựa chọn “tín dụng đen”, không mấy người tìm được lối thoát.

3. Theo một thống kê của Tổ chức Ngân hàng Thế giới, 46,8% người Việt có các giao dịch vay mượn, nhưng chỉ có 18% số đó là vay từ các tổ chức chính thống, nhiều giao dịch vay mượn diễn ra trên thị trường “tín dụng đen”.

Mới đây, tại Đà Nẵng, bà Đào Thị Như Lệ - một doanh nhân nổi tiếng trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, bất động sản đã bị Công an TP. Đà Nẵng mở rộng điều tra về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và các nguyên nhân khác, nhiều công ty của bà Lệ thua lỗ, giá bất động sản tụt dốc,… đã khiến bà “vỡ nợ”. Để cứu vãn, bà Lệ vay tiền của khoảng 16 người, tổng số tiền gần 500 tỷ đồng. Trong số những người cho bà Lệ vay, có ông Phạm Thanh (vay có thế chấp bằng 7 sổ đỏ của dân do bà Lệ mượn từ một chuyên viên Văn phòng đăng ký đất đai quận Sơn Trà). Bà Lệ sau đó tố cáo ông Thanh hành hung, ép viết giấy vay nợ,… nên ông này cũng bị khởi tố hình sự.

Vụ việc trên đang gây xôn xao dư luận, bởi những tưởng “tín dụng đen” chỉ xảy tới với người nghèo. Nay, các đại gia địa ốc, việc không thể vay ngân hàng (điều kiện cho vay cực kỳ chặt chẽ) khiến họ phải tìm tới các nơi cho vay ngoài xã hội, dẫn tới nguy cơ phải chịu trách nhiệm hình sự cho bản thân (bị tố giác tội lừa đảo) lẫn bên cho vay (bị tố giác tội cho vay nặng lãi).

Thực tế cho thấy, sự ra đời của Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, sự vào cuộc rốt ráo của các cơ quan chức năng đã phần nào hạn chế “tín dụng đen” siết cổ những người lầm lỡ, nhất là người gặp hoàn cảnh bí bách, dù vẫn nặng về “chữa cháy” hơn là “phòng cháy”.

Từ những hạn chế nói trên, nhiều ý kiến cho rằng để “tín dụng đen” không còn là đe dọa an toàn xã hội, không là vấn nạn quốc gia, cần có chương trình quốc gia để xử lý như chương trình xóa đói giảm nghèo, cần nghiên cứu mở rộng các đối tượng và hình thức tín dụng chính thống cho người dân, kể cả người nghèo và những doanh nghiệp có tài sản thế chấp giá trị cao, nhưng đang gặp khó khăn trong làm ăn, kinh doanh, nhất là lúc thiên tai, địch họa.

Đó, mới là phòng ngừa và triệt phá các loại hình “tín dụng đen” từ gốc!

Theo Kiên Giang/NB&CL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây