Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa đã ban hành công văn triển khai thực hiện các khoản thu, chi ngoài ngân sách trong các trường học năm học 2020-2021.
Đây không phải là năm học đầu tiên Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Thanh Hóa ban hành công văn chấn chỉnh lạm thu trong các nhà trường. Tuy nhiên, năm nay, dường như mọi chuyện được siết chặt hơn. Hàng chục khoản thu kiểu “tự nguyện” đã chính thức bị cấm như: tiền bảo vệ cơ sở vật chất và an ninh trường học; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường. Không được thu tiền vệ sinh trường, lớp và các công trình vệ sinh, các trường phải tổ chức cho học sinh lao động để rèn luyện kỹ năng sống, giáo dục ý thức giữ gìn vệ sinh và bảo vệ cơ sở vật chất trường, lớp…
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa cũng cảnh báo và nghiêm cấm tình trạng “núp bóng” hội cha mẹ học sinh để thu những khoản bất hợp lý.
Sự việc trên diễn ra vào đầu năm học mới khiến dư luận và phụ huynh học sinh rất phấn khởi.
Thế nhưng câu chuyện ở Thanh Hóa lại gợi lên một suy nghĩ khác.
Rằng tại sao sự “phấn khởi” ấy không diễn ra từ nhiều năm trước?
Rằng, hàng chục năm qua, vì sao, dù báo chí năm học mới nào cũng phản ánh nhưng hàng chục khoản thu chi ngoài ngân sách không đúng quy định vẫn cứ tồn tại như một thứ quy định bất thành văn trong nhà trường, khiến giờ đây, mùa tựu trường của con trẻ đã trở thành nỗi âu lo của hầu hết phụ huynh, thậm chí là nỗi ám ảnh với nhiều gia đình có gia cảnh không lấy gì làm dư dả?
Rằng, biết là gánh nặng, là bất hợp lý nhưng phụ huynh bất lực chịu đựng, cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực giáo dục đào tạo hoặc làm ngơ, hoặc “đồng lõa” khiến cho lạm thu trở thành một vấn nạn xã hội nhức nhối. Sự phản ứng nếu có cũng ở mức độ dè dặt, chừng mực, xen lẫn ấm ức.
Dẫu biết, nạn lạm thu đã khiến không ít vị hiệu trưởng bị kỷ luật, thậm chí bị xử lý hình sự. Nhưng dường như nó chưa đủ sức răn đe như một liều kháng sinh phòng vệ và điều trị dứt điểm căn nguyên của “căn bệnh” này.
Và vì thế, tháng 9, mùa khai trường từ lâu đã trở thành “điểm hẹn… mùa thu” theo cách ví von có phần mỉa mai và cay đắng của dân gian hiện đại.
Thực tế, pháp luật có khá đầy đủ các quy định để chống lạm thu trong trường học. Nhưng thực thi pháp luật, khe hở pháp lý và cả “khe hở” nhận thức, tâm lý xã hội đã vô tình tiếp tay cho tình trạng lạm thu tồn tại dai dẳng như hiện tượng giáo dục… xấu xí trong suốt nhiều năm qua.
Hằng năm, Bộ Giáo dục & Đào tạo, Sở Giáo dục & Đào tạo các địa phương đều ban hành các văn bản hướng dẫn các khoản thu trong trường học căn cứ trên rất nhiều Thông tư, Chỉ thị, Quyết định… Văn bản nào cũng thể hiện sự quyết liệt trong chỉ đạo, quản lý, giám sát việc thu chi trong trường học, nhất là các khoản ngoài ngân sách bằng các cụm từ như: “dứt điểm”, “chấm dứt”, “xử lý nghiêm”…nhưng sự chuyển biến lại rất chậm.
Trường học vẫn trưng lên những khẩu hiệu học lễ, học văn, trồng người, nhân văn, nhân sinh… nhưng có nơi, có chỗ bị biến thành… thị trường. Đến cả sách vở, nơi chuyển tải tri thức và khát vọng cũng bị biến thành hàng hóa. Từ đồng phục, điều hòa, máy chiếu đến ghế ngồi, thậm chí học sinh phải nộp tiền để mua ... tất cả đều “núp bóng” dưới danh nghĩa xã hội hóa trên cơ sở tự nguyện của phụ huynh.
Không ít trường hiệu trưởng ngầm khoán chỉ tiêu thu xã hội hóa cho giáo viên chủ nhiệm, xem như đó là tiêu chí để đánh giá thi đua. Giáo viên chủ nhiệm trở thành cánh tay nối dài của Ban Giám hiệu đối với phụ huynh thông qua Hội cha mẹ học sinh. Chỉ cần một bản cam kết tự nguyện của hội cha mẹ học sinh, nhà trường có thể vẽ ra hàng chục khoản thu khiến phụ huynh choáng váng.
Choáng váng nhưng rất ít phụ huynh công khai lên tiếng phản đối. Người Việt có thể kỳ kèo bớt một thêm hai từng bó rau, cọng hành ngoài chợ nhưng ở một nơi tôn nghiêm như trường học, người ta không thể mặc cả cho tương lai con em mình. Không ít vị phụ huynh đã phải gồng mình đánh vật với những khoản thu đầu năm bằng những đồng lương còm cõi. Tâm lý “yêu lấy thầy” để cho “con hay chữ” theo quan niệm truyền thống là một trong những căn nguyên khiến căn bệnh lạm thu không thể điều trị dứt điểm. Cùng với đó, nhiều chỗ, nhiều nơi, việc chống lạm thu còn hô hào khẩu hiệu, chưa có sự giám sát chặt chẽ đến nơi đến chốn của cơ quan chức năng.
Trường công là vậy nhưng trường tư cũng không thiếu chiêu trò để “móc túi” phụ huynh. Mới đây, trường THCS và THPT Lô-mô-nô-xốp (Hà Nội) đã đột ngột tăng mức học phí từ 10 đến 20% trong năm học 2020-2021. Trước phản ứng mạnh mẽ từ dư luận và kiến nghị của phụ huynh, trường này đã phải giảm 10%. Theo quy định, trường tư được thu theo thỏa thuận với người học, tức là theo thị trường theo đúng nghĩa của từ này. Bởi bản chất trường tư là doanh nghiệp và hoạt động theo quy luật thị trường. Tuy nhiên, theo quy định việc đưa ra các khoản thu phải công khai từ đầu khóa học để “khách hàng” lựa chọn dịch vụ, không được tăng thu đột ngột, áp đặt các khoản thu theo theo chủ ý của nhà đầu tư.
Giữa lúc dịch bệnh hoành hành, giáo dục cũng như nhiều lĩnh vực khác cần “thắt lưng buộc bụng”, cùng nhà nước “khoan thư sức dân”, bồi đắp “vượng khí” để cùng vượt khó vươn lên. Chống được lạm thu, tạo ra một môi trường giáo dục minh bạch, trung thực và nhân văn không thể mãi chỉ là khẩu hiệu.
Đừng để mỗi năm, tháng 9 về, mùa thu lại bị dân gian nói lái thành mùa... lạm thu, thành điểm hẹn để “đánh thuế” tương lai và giấc mơ con trẻ.
Theo Quang Duy/NB&CL
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên