Trước hết nói về kinh tế. Tầm nhìn và các cải cách của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đã dọn đường cho một thời kỳ tăng trưởng kinh tế nhanh và kéo dài của Trung Quốc. Đất nước này đã trở thành một công xưởng lớn toàn cầu.
Kể từ cuối thập niên 1970, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc hiếm khi dưới 5%, trong khi tăng trưởng của Mỹ chỉ khoảng 2,5% trong cùng thời kỳ. Điều này mang lại cho Trung Quốc không chỉ sự giàu có mà còn cả các cơ hội để sở hữu được các công nghệ hiện đại.
Trên cơ sở kinh tế mạnh hơn và công nghệ mới, Trung Quốc có điều kiện nâng cấp đáng kể năng lực quân sự của mình. Trung Quốc đã chế tạo, mua sắm các chiến hạm, chiến đấu cơ, và tên lửa hiện đại cho quân đội mình.
Qua rồi giai đoạn vàng
Nửa sau của cuộc Chiến tranh Lạnh chứng kiến sự khởi đầu của kỷ nguyên vàng trong quan hệ Mỹ-Trung Quốc.
Sau Cách mạng Văn hóa, Trung Quốc lựa chọn chiến lược tìm kiếm sự thịnh vượng thông qua con đường hòa hoãn và áp dụng kinh tế thị trường. Đây là một điều kiện tiên quyết cho quan hệ mới với Mỹ. Nhưng còn có một điều quan trọng nữa quy định mối quan hệ giữa hai bên. Do Trung Quốc yếu hơn Mỹ rất nhiều nên chính sách đối ngoại của Trung Quốc khi ấy phản ánh tư tưởng của ông Đặng là Bắc Kinh nên tránh các chính sách có thể khiến Mỹ bực mình.
Có lẽ phép thử nghiêm khắc nhất với cách tiếp cận này của Trung Quốc là vụ máy bay Mỹ ném bom nhầm vào Đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade, Nam Tư, vào năm 1999, khiến 3 công dân Trung Quốc thiệt mạng.
Khi đó bất chấp áp lực phải có một phản ứng mạnh mẽ hơn, nhà lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân phải lựa chọn chính sách bày tỏ tức giận trong khi vẫn giữ cho quan hệ song phương không thay đổi.
Tương tự, về phía Mỹ, khi nước này mạnh hơn Trung Quốc nhiều, họ có thể chịu được việc phải nhân từ với đối thủ của mình, tức là dung thứ cho nhiều điều mà Trung Quốc gây ra cho Mỹ. Chính phủ Mỹ khi đó sẵn lòng “kiên nhẫn” với Trung Quốc, hy vọng vào thời điểm Trung Quốc mạnh bằng Mỹ thì thiện chí của Mỹ sẽ có thể thuyết phục được Trung Quốc làm bạn mình thay vì làm thù.
Mặc dù có khá hơn so với trước, quân đội Trung Quốc vào thời hậu Chiến tranh Lạnh không tạo ra trở ngại lớn đối với thế tự do chiến lược của Mỹ trong khu vực.
Tuy nhiên, trong các năm gần đây, Trung Quốc đã cài đặt lại các thông số của mình bằng việc thu hẹp khoảng cách với Mỹ và điều này đã xúc tác cho những thay đổi trong tư duy chính trị nội bộ của cả 2 nước về quan hệ này.
Sự tăng trưởng nhảy vọt của Trung Quốc rõ ràng đã khiến nhà lãnh đạo Tập Cận Bình từ bỏ chính sách đối ngoại của ông Đặng Tiểu Bình và chuyển sang áp đặt chính sách chiến lược của Trung Quốc lên cả khu vực, dù cho điều này gây quan ngại lớn cho cả Mỹ và các nước láng giềng của Trung Quốc.
Trước kia tỏ thái độ không rõ ràng về ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương, thì nay Trung Quốc liên tục chỉ trích ảnh hưởng đó, đồng thời theo đuổi các tham vọng lãnh thổ ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Mỹ nhận thức rằng một Trung Quốc hùng cường có thể gây hại lớn cho các lợi ích của Mỹ. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Quốc phòng Mỹ, quân đội Mỹ giờ sẽ phải chấp nhận tổn thất lớn nếu họ xung đột quân sự với các lực lượng Trung Quốc ở vành đai Tây Thái Bình Dương.
Trong khi đó, thế mạnh kinh tế của Trung Quốc giúp nước này gây dựng được ảnh hưởng chính trị lớn lao trong khu vực. Thậm chí cả các đồng minh của Mỹ như Hàn Quốc và Australia cũng phải cân nhắc kỹ trước khi đi theo Mỹ đối đầu với Trung Quốc trong một cuộc tranh chấp chính trị hoặc chiến lược.
Mỹ buộc phải "mạnh tay"
Các diễn biến trên giải thích vì sao chính phủ Mỹ đang thực hiện các bước đi lớn để giảm một số khía cạnh trong hợp tác kinh tế Mỹ-Trung Quốc và các hình thức giao lưu song phương khác.
Thậm chí trong các hoạt động mà Mỹ thu lợi tuyệt đối, họ vẫn có xu hướng cắt giảm sự hợp tác mà họ xem là sẽ mang lại thêm lợi ích cho Trung Quốc hoặc sẽ tạo ra các lỗ hổng dài hạn cho Mỹ.
Do vậy Mỹ không còn nương tay trước tình trạng thâm hụt thương mại với Trung Quốc, sự phụ thuộc vào Trung Quốc về một số nguồn cung thiết yếu, sự đối xử không công bằng với các nhà đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc, và việc Trung Quốc tiếp cận dễ dàng công nghệ của Mỹ và nền giáo dục của Mỹ.
Từ góc nhìn của Mỹ hiện nay, chính quyền của ông Tập Cận Bình là một sự thụt lùi trong cả chính sách đối nội và đối ngoại. Tuy nhiên, phản ứng của Washington đối với ông Tập có thể nhẹ tay hơn nếu các ý đồ của ông Tập không được hậu thuẫn bởi những năng lực mạnh của Trung Quốc.
Trước đây Mỹ và Trung Quốc có thể gạt sự nghi ngờ lẫn nhau sang một bên, nhưng điều đó đã thay đổi trong kỷ nguyên hai nước đã thực sự cạnh tranh ngang hàng với nhau để giành lấy ảnh hưởng trong cùng một khu vực.
Kỷ nguyên cạnh tranh này sẽ không diễn ra trong khoảng thời gian ngắn bởi lẽ nguyên nhân chính cho mối quan hệ xấu đi giữa Mỹ và Trung Quốc có gốc rễ sâu xa chứ không phải vì hai lãnh đạo hiện tại của hai nước.
Theo VOV.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên