Tuần qua, tờ Straits Times (Singapore) đã đăng bài bình luận của tác giả Bhagyashree Garekar về góc nhìn và quan điểm của một số nước Đông Nam Á đối với hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ Donald Trump và Joe Biden. Theo nguồn từ The Business Times, các quốc gia ở khu vực này có phần quen với ông Biden hơn, vì ông đã phục vụ nhiều năm dưới chính quyền Tổng thống Obama. Ông Biden có khả năng sẽ áp dụng trở lại cách tiếp cận quen thuộc hơn đối với cách thức hoạch định chính sách đối ngoại của Mỹ. Dù vậy, cả ông Trump lẫn ông Biden sẽ khó nhận được sự ủng hộ hoàn toàn của cả khu vực Đông Nam Á.
Hai cách tiếp cận khác nhau
Khu vực Đông Nam Á đã có một giai đoạn đầy khó khăn trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ngay trong ngày đầu tiên ở cương vị mới, Tổng thống Trump đã rút Mỹ khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) – Hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới nếu được hiện thực hóa. Các nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại lại chao đảo khi ông tiến hành cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của hầu hết các nền kinh tế trong khu vực Đông Nam Á. Thế nhưng, ông chỉ đứng cùng lãnh đạo các nước trong khu vực tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – ASEAN tại Thủ đô Manila của Philippines vào năm 2017 để rồi không xuất hiện trở lại trong 2 năm tiếp theo và không tham dự Hội nghị cấp cao Đông Á bất cứ lần nào.
Những động thái bắt nguồn từ chính sách “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (FOIP) của Tổng thốngTrump, với lập trường đối đầu rõ rệt với Trung Quốc, đã gây ra những xáo động mới ở Biển Đông, nơi hai siêu cường thường xuyên đối đầu trực tiếp với nhau. Khi nhiệm kỳ 4 năm sắp kết thúc, ông Trump lại có một đối thủ đáng gờm là ứng cử viên Joe Biden của đảng Dân chủ, người đang giữ một tỷ lệ đầy đe doạ trong các cuộc thăm dò dư luận. Phó Tổng thống của Barack Obama đã cam kết đàm phán lại TPP và ưu tiên việc củng cố các liên minh mà ông Trump cho là gánh nặng.
Giáo sư Joseph Liow, Trưởng khoa Nhân văn, Nghệ thuật và Khoa học Xã hội tại Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) bình luận: “Ông Trump nổi tiếng là người khó đoán định, các quan chức của ông là những nhà tư tưởng có quan điểm cứng rắn. Điều này khiến người ta khó mà hy vọng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ hạ nhiệt”. Ông cho biết thêm: “Khu vực Đông Nam Á đã quen với ông Biden vì ông đã phục vụ nhiều năm dưới chính quyền Tổng thống Obama. Ông Biden có khả năng sẽ áp dụng trở lại cách tiếp cận quen thuộc hơn đối với việc hoạch định chính sách đối ngoại của Mỹ. Nhưng việc gây áp lực với Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục. Thế giới đã thay đổi đáng kể từ thời Obama”. Cách tiếp cận theo cơ chế đa phương và liên minh truyền thống của Biden là điểm thu hút nhiều người.
Tiến sĩ Charles Morrison, chuyên gia về các vấn đề Đông Nam Á tại Trung tâm Đông Tây có trụ sở tại Honolulu, nói: “Ông Biden sẽ quay trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và củng cố Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Ông cũng cam kết sẽ hợp tác theo hình thức đa phương với các nước đồng minh và bạn bè để hóa giải những thách thức đối với chế độ pháp quyền và duy trì vai trò lãnh đạo vững chắc của Mỹ trong khu vực và trên toàn cầu”.
“Cuộc đua” sát nút
Kết quả khảo sát cho thấy cuộc đua tranh cử giữa Trump và Biden đang sát nút. Ông Biden có 49% ủng hộ so với 47% của ông Trump. Sự dẫn trước này của ông Biden đã giảm từ 4% trong cuộc khảo sát tương tự trong tháng Bảy xuống còn 2% điểm trong cuộc khảo sát tháng Tám. Cuộc chạy đua giữa Tổng thống Trump và ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden đang sát nút sau khi hai Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hoà và Đảng Dân chủ kết thúc. Theo kết quả cuộc thăm dò của Đại học Emerson được công bố hôm 31/8, ông Biden dẫn trước ông Trump 2%. Sự dẫn trước của ông Biden nằm trong biên độ sai số 2,4% của cuộc khảo sát.
Ông Biden có 49% ủng hộ so với 47% của ông Trump. Sự dẫn trước này của ông Biden đã giảm từ 4% trong cuộc khảo sát tương tự trong tháng Bảy xuống còn 2% điểm trong cuộc khảo sát tháng Tám. Giám đốc Đại học Emerson, ông Polling Spencer Kimball cho rằng Tổng thống Trump đã tạo được tác động tích cực khi trình bày bài phát biểu của ông về việc chính thức chấp nhận đề cử của Đảng Cộng hòa trong buổi họp cuối cùng của Hội nghị Quốc gia của Đảng Cộng hòa hôm 27/8. “Đại hội Đảng Cộng hòa đã mang lại cho Trump tuần đưa tin tích cực nhất của ông ấy, điều này có khả năng góp phần khiến ông ấy tăng điểm trong cuộc thăm dò của tháng này và ngày càng được ủng hộ”, ông Kimball nói. Sự ủng hộ đối với ông Trump trong cuộc đua tổng thống đã tăng lên 47% trong cuộc thăm dò của tháng này, tăng từ 46% vào tháng Bảy. Xếp hạng chấp thuận công việc của ông Trump cũng tăng 4 điểm, đạt 49% trong cuộc khảo sát tháng Tám.
Ông Trump dẫn trước ông Biden trong nhóm cử tri nam, 50% so với 45%, trong khi ông Biden dẫn đầu trong nhóm cử tri nữ, 52% so với 44%, dựa trên số liệu từ cuộc thăm dò. Ông Biden cũng đang dẫn trước Trump với tỷ lệ độc lập, 50% so với 42%, Cuộc thăm dò của Đại học Emerson được thực hiện trong 2 ngày 30/8 và 31/8, và đã khảo sát 1.567 cử tri.
Gần đây nhất, cuộc đua tranh cử Tổng thống Mỹ giữa Tổng thống Trump và ông Biden đang có xu hướng đảo ngược. Trước khi diễn ra Hội nghị Quốc gia Đảng Cộng hòa (RNC), ông Biden dẫn trước 9% (47% - 38%). Trong thời gian diễn ra Hội nghị RNC, chuyển sang ông Trump dẫn trước 2% (46% - 44%). Theo một cuộc thăm dò dữ liệu lớn của Epoch Times, phần lớn cử tri Mỹ bày tỏ sự hài lòng về kết quả thực hiện công việc của Tổng thống Donald Trump sau khi Hội nghị RNC kết thúc. Theo kết quả của một cuộc khảo sát được thực hiện từ ngày 26/8 đến ngày 30/8, dữ liệu từ ngày 26/8 đến ngày 28/8 – thời gian diễn ra RNC cho thấy, 44,3% hài lòng với hiệu quả công việc của Tổng thống Trump – sự hài lòng này đã tăng lên 50,3% dựa theo dữ liệu khảo sát từ ngày 28/8 đến ngày 30/8, sau khi RNC kết thúc. Hội nghị RNC có sự tham gia của các diễn giả nổi tiếng của Đảng Cộng hòa, những thành viên mới của Đảng Cộng hòa và các chủ doanh nghiệp nhỏ, và các đại biểu khác. Sự kiện ấn tượng nhất là vào ngày cuối cùng của RNC khi Tổng thống Trump trình bày bài phát biểu của ông để chính thức chấp nhận đề cử Tổng thống Mỹ của Đảng Cộng hòa tại Nhà Trắng; sau đó, pháo hoa đã được bắn ở khu vực National Mall.
Đông Nam Á “thích” ai hơn?
Theo Giáo sư Joseph Liow, một số quốc gia có thể cảm thấy rằng Chính quyền Trump đã chú ý tới những vấn đề then chốt mà ông Obama và những người tiền nhiệm của ông lưỡng lự trong việc đưa ra quan điểm mạnh mẽ, như vấn đề trật tự luật pháp quốc tế ở Biển Đông. Dù vậy, cả ông Trump hay ông Biden sẽ khó nhận được sự ủng hộ hoàn toàn của cả khu vực Đông Nam Á. Giáo sư Liow cũng lưu ý rằng, Singapore lúc nào cũng có thể làm việc với chính quyền của cả hai đảng. Trong khi đó, Malaysia lại lo ngại việc Nhà Trắng dưới sự lãnh đạo của đảng Dân chủ có thể tăng cường giám sát vấn đề tiêu chuẩn lao động và môi trường, vốn là những lĩnh vực bất đồng trong quan hệ của Malaysia với Mỹ, đặc biệt là trong thời kỳ liên minh Mặt trận dân tộc (BN) nắm quyền tại Malaysia. Chính quyền của Thủ tướng Muhyiddin Yassin, vốn bao gồm nhiều đảng phái và nhân vật trong Chính quyền liên minh BN tồn tại suốt 6 thập kỷ tới năm 2018, có thể nhận thấy việc ông Biden lên nắm quyền sẽ khiến Malaysia trở lại thời kỳ khó khăn trước đây.
Với Indonesia, Banyu Perwita, Giáo sư chuyên ngành Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Tổng thống ở Bekasi, tỉnh Tây Java (Indonesia) và cũng là đồng tác giả một cuốn sách về các chính sách đối ngoại của Trump, cho rằng, chiến thắng của ông Biden sẽ có ý nghĩa tích cực đối với Indonesia dựa trên lập luận rằng, Mỹ đã trở nên gần gũi hơn với Indonesia dưới thời ông Obama. “Vấn đề then chốt là Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Ông Biden sẽ xem xét sáng kiến khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mới một cách nghiêm túc hơn. Điều này đặc biệt có lợi cho châu Á và do đó là có lợi cho Indonesia”, ông Perwita nhấn mạnh.
Theo Nhà nghiên cứu chính trị Thitinan Pongsudhirak đến từ Đại học Chulalongkorn (Thái Lan), ông Biden có thể có thái độ gay gắt hơn đối với Chính quyền Prayut Chan-o-cha nên việc ông Trump giành chiến thắng sẽ có lợi cho Thái Lan. Ông cho biết quan hệ giữa Thái Lan và Hoa Kỳ đã ấm lên đáng kể dưới thời Chính quyền Trump, trong khi ông Obama có quan điểm cứng rắn đối với cuộc đảo chính quân sự năm 2014 do Tướng Prayut lãnh đạo.
Với Việt Nam, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp từ Viện nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) cho rằng, mặc dù quan hệ của Việt Nam với Mỹ đã phát triển mạnh mẽ dưới chính quyền của cả đảng Dân chủ và lẫn đảng Cộng hòa, nhưng có lẽ “nhiều người vẫn muốn ông Trump tái đắc cử”. Quan hệ Việt – Mỹ khá tiến triển dưới thời Trump bất chấp giọng điệu cứng rắn của Tổng thống đương nhiệm về vấn đề thương mại. Trong năm 2019, Bộ Thương mại Mỹ đã áp thuế nhập khẩu hơn 400% đối với mặt hàng thép của Việt Nam. Ý kiến chuyên gia cũng cho rằng, nhìn chung, Việt Nam khá thoải mái trong quan hệ với chính quyền của ông Trump. Tổng thống Mỹ cứng rắn với Trung Quốc nhưng khá mềm mỏng trong những vấn đề nhạy cảm đối với Việt Nam như vấn đề dân chủ hay quyền con người. Vấn đề cốt tử đối với Việt Nam là trong tương lai, Mỹ sẽ đối phó với Trung Quốc và giải quyết các vấn đề xung đột trên Biển Đông như thế nào. Đối với cả hai vấn đề này, cả hai ứng cử viên tổng thống sẽ không có quá nhiều khác biệt. Sự khác biệt chính sẽ là cách tiếp cận của hai ông đối với vấn đề dân chủ và nhân quyền.
Dindo Manhit, Giám đốc điều hành Tổ chức tư vấn chiến lược Stratbase, cho rằng việc ông Biden chiến thắng sẽ tốt hơn cho Philippines, vì ứng cử viên này dường như sẽ tạo dựng lại danh tiếng cho Mỹ trong mắt các đồng minh chủ chốt của nước này ở khu vực, điều đã bị xói mòn bởi cách tiếp cận mang tính giao dịch của Tổng thống Trump. “Ông Biden rất tin tưởng vào các liên minh. Tôi cho rằng châu Á sẽ thích kiểu lãnh đạo đó”, ông Dindo Manhit cho hay. Tổng thống Rodrigo Duterte có thể lo lắng hơn về Biden, bởi những chỉ trích của đảng Dân chủ đối với hồ sơ nhân quyền của Duterte. Tuy nhiên, thời gian cầm quyền của ông này chỉ còn có năm rưỡi nữa. Trong khi nếu Biden chiến thắng, ông sẽ cầm quyền trong vòng 4 năm nữa. Giám đốc Manhit hy vọng người kế nhiệm Duterte sẽ đảo ngược, hoặc ít nhất cũng sẽ xem xét lại chính sách “xoay trục” về Trung Quốc của Duterte trong thời gian gần đây, đặc biệt khi vấn đề biển đảo vẫn là vấn đề nan giải trong quan hệ giữa Manila với Bắc Kinh.
Tác giả: Chu An và Hải Đăng
Nguồn Văn nghệ số 37/2020
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên