Mấy năm trước Hải quân Việt Nam được bổ sung trang bị chiếc tàu buồm hiện đại cỡ nhất nhì thế giới. Sự kiện xưa nay hiếm thu hút sự quan tâm của giới truyền thông và nhân dân cả nước. Thật xúc động và tự hào với con tàu dài rộng, tiện nghi, mấy chục cánh buồm no gió thong dong hải trình trên biển quê hương. Tôi cũng ngắm nhìn con tàu buồn lộng lẫy ấy. Niềm tự hào gợi nên những suy nghĩ ít nhiều khác với số đông.
Thời xa xưa những hạm tàu buồn hải quân trang bị hỏa lực mạnh và đội thủy binh thiện chiến là niềm tự hào, là thế thượng phong của nhiều quốc gia. Tàu buồm hải quân đã lập nên nhiều chiến công hiển hách, đôi khi quyết định sự thắng bại của một quốc gia. Đầu thế kỷ thứ 18, những con tàu sắt chạy bằng máy hơi nước của hải quân Anh vừa hạ thủy xung trận đã “ăn gỏi” những hạm tàu buồm lừng danh của Napoleon. Đế quốc Anh đã khai sinh cho thế giới nền nghành công nghiệp đóng tàu quân sự. Thời nay nếu xảy ra chiên tranh trên biển sẽ là cuộc đối đầu của những hạm đội tàu chiến, tàu khu trục, tàu ngầm, tên lửa, ngư lôi hành trình siêu chính xác, nhiều tính năng hủy diệt. Con tầu buồm như Hải quân Việt Nam mới trang bị nếu tham chiến thì với tốc độ hạn chế, những cánh buồm phơi phới dễ dàng bị hạ chìm chỉ bằng vũ khí thông thường. Việc dùng tàu buồm vào mục đích huấn luyện cũng có nhiều bất cập. Sĩ quan, binh lính tàu chiến, tàu ngầm... phải được huấn luyện trên những con tàu phù hợp với đặc thù sắc lính, nghiệp vụ quân sự. Như thế tàu buồm chỉ để huấn luyện cho sĩ quan binh lính tàu buồm, với hải quân Việt Nam là duy nhất một chiếc. Trên thế giới tàu buồm chỉ còn là hình ảnh tư liệu, hiện vật bảo tàng, đôi khi được phục dựng lại để nghành điện ảnh làm những bộ phim lịch sử, cổ chiến.
Mới đây Lực lượng Cảnh sát cơ động Việt Nam được trang bị sáu mươi con ngựa khỏe đẹp, nhân dân gọi là cảnh mã. Đoàn cảnh mã đã có cuộc trình diễn trước nhà Quốc hội dưới sự chứng kiến của các vị lãnh đạo cao cấp. Sau đó đoàn người ngựa nhong nhong trên đường phố thủ đô làm náo nức phố phường. Trong cuộc tiếp xúc với báo chí, vị tướng chỉ huy lực lượng cơ động cho biết: Đội cảnh mã có nhiệm vụ bảo vệ trật tự an ninh, chống bạo loạn, khủng bố, cứu hộ cứu nạn... Ngẫm kỹ những lời ấy thấy có nhiều băn khoăn: Giả sử có tên cướp đi xe máy hoặc chạy thục mạng trên đường phố tấp nập người xe anh cảnh sát sẽ phi ngựa thế nào để vừa tóm được kẻ gian mà không gây va chạm cho người tham gia giao thông. Hoặc giả tên cướp chạy vào ngõ hẻm, tót lên nhà cao tầng, anh cảnh sát phải xuống ngựa đuổi theo. Con ngựa thoát cương liệu có biết đứng chờ. Việc truy đuổi trên vùng rừng núi cũng bị hạn chế. Không phải nơi nào cũng thuận lợi cho việc truy đuổi bằng ngựa. Kẻ gian luồn lách trong hẻm núi, rừng sâu, con ngựa nhong nhong dễ bề đánh động và rất nguy hiểm nếu kẻ gian có vũ khí nóng. Giữa đám đông bạo loạn, càn quấy người ngựa sẽ xoay xở thế nào? Việc cứu hộ cứu nạn cũng cũng khó được như ý. Thực tế những người đi cứu nạn thường phải bỏ ngựa, bỏ xe lần lối lội bộ vào nơi cần cứu giúp. Trên thế giới còn một số nước có lực lượng cảnh mã. Lực lượng này có lịch sử hàng trăm năm, có tính đặc thù dân tộc, cảnh mã được duy trì chủ yếu thực hiện nghi lễ, bảo tồn truyền thống. Để duy trì đàn ngựa cảnh sát phải có chuồng trại, đội ngũ bác sĩ thú y, người chăn dắt, huấn luyện, chế độ nuôi dưỡng rất tốn kém. Có tin cảnh sát cơ động Việt Nam sẽ được tăng cường nhiều đầu ngựa nữa.
Hai việc đầu tư trang bị mới cho quân đội và công an đã có độ lùi thời gian để suy ngẫm hơn thiệt. Xem ra việc trang bị nghiêng nhiều về tính đồng bộ. Hải quân có tàu nổi – tàu ngầm – tàu buồm. Cảnh sát cơ động có ô tô – mô tô – ngựa. Có đồng bộ đến đâu nhưng kém hiệu quả đều là những khoản chi phí tốn kém trong khi ngân sách quốc gia chưa mấy dư dật.
Tác giả: Trần Văn Thước
Nguồn Văn nghệ số 37/2020
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên