1. Ngày 5/9, Công an huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã khởi tố, bắt tạm giam Đào Văn Bé (24 tuổi) để điều tra hành vi giao cấu với trẻ em, hành hạ trẻ em. Đồng thời, cơ quan công an cũng khởi tố, bắt tạm giam Đào Thị Gái (38 tuổi) vì ngược đãi con ruột.
Bé và Gái là những “điển hình” về nạn chăn dắt, ngược đãi, xâm hại tình dục trẻ em, trong đó có chính con, cháu ruột mình, tình trạng diễn ra đầy đau xót suốt nhiều năm qua, ở khắp các địa phương.
Theo thông tin ban đầu, Gái lấy chồng sinh 2 con gái, sau đó ly hôn và lấy người khác rồi sinh lần lượt 5 đứa con. Chồng mất, Gái gửi con cho bà nội ở Đồng Nai một thời gian rồi đưa các con về huyện Xuyên Mộc sống trong nhà trọ cùng em trai là Bé, bắt lũ trẻ đi ăn xin. Nếu không xin đủ số tiền yêu cầu, các cháu bị mẹ, cậu đánh đập, hành hạ. Bé đã dùng vợt muỗi chế thành cây chích điện để hành hạ, thậm chí đánh 1 cháu đến gãy răng, bầm tím khắp người khi không chịu đi ăn xin, trước sự chứng kiến của Gái.
Tàn độc hơn, Đào Văn Bé trong thời gian sống cùng nhà trọ đã nhiều lần quan hệ tình dục với cháu gái tên H khiến nạn nhân 2 lần mang thai. Lần đầu cháu H sinh con, Gái cũng bế cháu đi hành nghề ăn xin, rồi đứa trẻ tử vong không lâu sau đó. Hiện cháu H đang mang thai với Bé đứa thứ 2. Ngoài ra, Bé cũng khai nhận có quan hệ với chị gái của cháu H.
Tại Bắc Ninh, công an tỉnh này ngày 7/9 vừa qua đã khởi tố vụ án hình sự, tổ chức truy bắt đối tượng Đặng Trung Kiên để làm rõ hành vi bạo hành dã man con gái ruột 6 tuổi.
Cô bé vừa lên 6 sau khi được cứu thoát khỏi người cha quỷ dữ, khắp cơ thể bị bầm tím, tay phải gãy 1/3 giữa xương. Bước đầu, cơ quan xác định cháu bé bị cha ruột hành hạ trong nhiều ngày. Còn theo người dân, trong suốt thời gian đánh đập con, Kiên thường xuyên đe doạ mẹ ruột và hàng xóm nếu can thiệp, dí dao vào cổ họ.
Cũng như 5 cháu bé ở Bà Rịa – Vũng Tàu (được báo chí phát hiện), bé gái tội nghiệp ở Bắc Ninh đã thoát khỏi “địa ngục trần gian” nhờ sự xót thương, lòng dũng cảm của người bà ở tuổi gần đất xa trời. Bà đã báo công an khi nghe thấy tiếng gào thét, cầu cứu của cháu gái mình, không phải là những người trẻ khỏe, những cá nhân, cơ quan hữu trách.
2. Theo Bộ LĐ-TB&XH, trong 6 tháng đầu năm 2020, tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 tiếp nhận 407 ca đề nghị hỗ trợ, can thiệp. Trong đó, 195 ca liên quan đến bạo lực (chiếm 47,91%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2019 là 24 ca), 109 ca xâm hại tình dục (chiếm 26,78%, giảm 38 ca so với cùng kỳ năm 2019), 27 ca bị bóc lột, 16 ca bị mua bán...
Những con số trên vẫn bị xem là phần nổi nhỏ của tảng băng, khi nhiều năm qua, báo chí, thân nhân các nạn nhân trẻ em bị xâm hại, ngược đãi còn phải kêu gào, van xin các cơ quan tiến hành tố tụng điều tra, truy tố, trừng phạt tội ác.
Hay như trong vụ án gây sợ hãi trong dư luận mới đây, vụ việc 5 đứa trẻ bị chính mẹ ruột và cậu ruột ngược đãi, xâm hại tình dục dẫn tới có thai, ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, vụ việc xảy ra trong thời gian dài và công khai nhưng không cơ quan nào xác minh, xử lý (!?).
Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) thì nhìn nhận: Pháp luật hiện hành còn khoảng trống, chưa đủ sức răn đe đối với hành vi bóc lột, bắt trẻ đi xin ăn. Theo ông Nam, những hành vi này thường không bị xử lý hình sự mà chỉ xử lý hành chính. Về hành vi xâm hại tình dục trẻ em, ông cho biết hiện nay chủ yếu chỉ giám định về thương tích trên cơ thể, còn gây tổn hại về tinh thần thì các tiêu chí giám định và các cơ sở có chức năng giám định rất ít, cũng như chưa có một hệ thống thang bảng để xử lý…
Phát biểu của ông Nam tiếp tục chỉ ra một khoảng trống mênh mông trong bảo vệ trẻ em, suốt nhiều năm qua, mà không hề được các cơ quan hữu trách vá lỗi hữu hiệu.
Về trách nhiệm, lãnh đạo Cục Trẻ em cho rằng, để tình trạng chăn dắt trẻ em xảy ra thường xuyên, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp cơ sở. “Luật Trẻ em quy định Chủ tịch UBND các cấp là người đầu tiên phải chịu trách nhiệm. Theo Chỉ thị 23 của Thủ tướng về tăng cường các giải pháp thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, người đứng đầu địa phương, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị làm công tác bảo vệ trẻ em ở địa phương phải chịu trách nhiệm”, ông Nam nói.
Việc quy trách nhiệm một cách hời hợt nói trên (cũng như chỉ phạt hành chính tội bóc lột, ngược đãi trẻ em, không có các tiêu chí giám định về tổn thương tinh thần đối với trẻ - PV) càng găm chặt vào dư luận nỗi hoang mang: Phải chăng sợ trách nhiệm, sợ ảnh hưởng tới thành tích mà báo chí và người dân còn phải đi “cầu cạnh” hữu trách địa phương vào cuộc điều tra, truy tố, trừng phạt tội phạm ngược đãi, xâm hại tình dục trẻ em?
Quay lại trường hợp 5 cháu bé ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Sở LĐ-TB&XH tỉnh này cho rằng, trước khi xảy ra vụ việc, Sở đã có văn bản đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm tra, rà soát các đối tượng là trẻ em đang hành nghề ăn xin trên địa bàn. Do gia đình đối tượng Gái di chuyển nhiều nơi nên việc kiểm soát khó khăn…
Chúng ta hãy hỏi chính quyền địa phương rằng: Tại sao một xe vật liệu đi vào khu dân cư lại rất khó qua mặt cán bộ quản lý về đô thị, xây dựng và “tai mắt” của họ?
3. Thực tế vấn nạn đã cho thấy đến thời điểm này, rõ ràng không thể chỉ trông chờ hết vào các cơ quan hữu trách. Dư luận đang rất quan tâm tới đề xuất của luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM. Khi tham gia đoàn giám sát của Quốc hội, bà đã đề xuất thí điểm mô hình “Một điểm dừng” với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Ðây là mô hình mà Hàn Quốc và nhiều quốc gia tiên tiến đã thực hiện.
Theo mô hình này, trẻ em bị bạo hành, xâm hại chỉ cần đến một địa điểm được tổ chức là đầu mối để thực hiện các khâu của quy trình hỗ trợ, can thiệp, xử lý. “Khi trẻ bị bạo hành, bị xâm hại thì trẻ đã bị tổn thương tột độ. Nhưng theo quy trình hiện nay, trẻ phải trải qua sự xác minh của nhiều cơ quan nên khi bị hỏi tới hỏi lui, trẻ lại thêm một lần tổn thương. Ở mô hình Một điểm dừng, các cơ quan chức năng chỉ cần ngồi lại với trẻ để lấy lời khai, ghi hình, ghi âm phục vụ công tác củng cố hồ sơ. Như vậy, vừa bảo đảm tính khách quan mà lại giúp trẻ đỡ bị tổn thương”, luật sư Ngọc Nữ kiến nghị.
Trước, trong và sau kiến nghị của luật sư Ngọc Nữ, thì trên khắp đất nước này, trẻ em đã, đang và sẽ tiếp tục bị ngược đãi, bị đánh đập, bị xâm hại tình dục, nhiều em phải mang thai và sinh con ngoài ý muốn,… Chúng ta - nói như nhà báo Đinh Thu Hiền, đang nợ trẻ em một môi trường sống an toàn. Và đó là món nợ xấu, nợ khó đòi.
Nhưng nhẽ nào các cán bộ, cơ quan quản lý cứ loay hoay, hay trông chờ người dân, các gia đình, báo chí hay các tổ chức dân sự điều tra, tìm hiểu, thông tin, báo cáo, phản ánh về tình trạng ngược đãi, xâm hại tình dục trẻ em, thay vì chủ động có các giải pháp tuyên truyền, tăng nặng trừng phạt, chấp nhận mất thành tích thi đua để đặt sự an toàn về thể xác, tinh thần của trẻ em lên trước nhất?
Chưa trả lời được câu hỏi trên, thì một môi trường sống không có “yêu ma, quỷ dữ” dành cho trẻ vẫn là món nợ khó đòi với người lớn, với các cơ quan hữu trách, là nỗi đau không thôi mưng mủ!
Kiên Giang/NB&CL
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên