Báo chí đẩy lùi bóng tối, lấy cái tốt để khắc phục cái xấu

Thứ năm - 10/09/2020 04:32
Báo chí chống tiêu cực không phải bôi đen chế độ, mà đẩy lùi bóng tối, làm cho ánh sáng chói chang hơn. Như người trồng lúa, phải nhổ cỏ, bắt sâu thì lúa mới xanh lên được.

LTS:Nhà báo lão thành Hà Đăng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa T.Ư, nguyên Tổng Biên tập báo Nhân Dân, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản chia sẻ rất thắng thắn và chân thành về sứ mệnh của báo chí trong phần tiếp theo của loạt bài "Báo chí chung tay làm sạch chính mình". 

Theo ông Hà Đăng, sứ mệnh của báo chí trước hết là phục vụ cho sự nghiệp cách mạng, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Nhà báo phải đặt mình trong khung cảnh đất nước để ra sức ủng hộ đường lối, chủ trương phát triển của Đảng, nhưng không nên nói cái gì cũng tốt cả, ca ngợi một chiều thì sẽ không đi vào lòng dân.

111
Nhà báo Hà Đăng. 

“Phải nói có tính thuyết phục, nói cái hay, cái đẹp, nói những cái Đảng và Nhà nước cần bổ sung, tức nói về yếu kém và khuyết điểm thì phải thật đúng mức”, ông Hà Đăng nhấn mạnh.

Ông cho rằng, báo chí cách mạng phải giữ vững được bản lĩnh chính trị của mình, nói cho được, truyền đạt cho được những tư tưởng cơ bản về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống.

Đồng thời phải đi vào thực tế cuộc sống để xem thử đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng vào trong cuộc sống cái gì tốt, cái gì không tốt thì phản ánh lại.

Báo chí không nên một chiều ca ngợi, tô hồng

Thủ tướng từng nhấn mạnh: Sứ mệnh của báo chí là phải thể hiện dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận, niềm tin xã hội và khát vọng Việt Nam hùng cường… Theo ông, làm thế nào để có thể thực hiện được điều này?

Báo chí phải phản ánh cuộc sống, nhưng cuộc sống có cả mặt tốt và không tốt. Báo chí nếu làm đúng chức năng của mình thì phải lấy cái tốt để khắc phục cái xấu, chứ không phải báo chí chỉ đưa lên mặt xấu. Đương nhiên mặt xấu phải phê phán nghiêm khắc nhưng đừng coi mặt xấu, tiêu cực là chủ đạo của cuộc sống xã hội. Nên kết hợp giữa biểu dương và phê phán.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh từng nói: Báo chí không nên một chiều ca ngợi, tô hồng, chỉ nói toàn cái hay, cái đẹp. Báo chí chống tiêu cực không phải bôi đen chế độ, mà đẩy lùi bóng tối, làm cho ánh sáng chói chang hơn. Như người trồng lúa, phải nhổ cỏ, bắt sâu thì lúa mới xanh lên được.

Vì thế, ngoài việc chống tiêu cực thì còn phải biểu dương, cổ vũ nhân tố tích cực, những gương điển hình tốt của cá nhân và tập thể xuất hiện ở nhiều nơi trên đất nước, mặt đẹp và tốt vẫn phải là chủ đạo.

Theo ông, điều cần có ở một người làm báo để thực hiện sứ mệnh đó là gì?

Tôi cho rằng nhà báo phải hội tụ đủ 3 yếu tố.

Một là nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hai là có năng lực nắm bắt thực tiễn, lăn lộn trong cuộc sống, tức là có vốn sống. Ba là phải có chính kiến cá nhân, dám nhìn thẳng sự thật, đánh giá đúng sự thật, đưa lên mặt báo những gì mà cuộc sống đang cần.

Ba yếu tố đó có mối quan hệ hài hoà, muốn có yếu tố thứ 3 thì phải có 2 yếu tố đầu, nếu không cái gọi là bản lĩnh sẽ trở thành tác phong gàn dở, cực đoan và vì chủ quan mà đưa ra những quyết định không chính xác.

Tỉnh táo, đề phòng mặt tiêu cực của mạng xã hội

Thời gian vừa qua đã nổi lên rất nhiều vụ việc tiêu cực liên quan đạo đức nhà báo như tống tiền cá nhân, doanh nghiệp. Chúng ta cần chấn chỉnh việc này như thế nào để lấy lại niềm tin của công chúng cũng như lấy lại thương hiệu cho những người làm báo?

Ngày nay, mỗi cơ quan báo chí lớn của ta đều có tới 4, 5 ấn phẩm, ngoài ra còn có sản phẩm điện tử. Nhiều cơ quan báo chí hoạt động như một tập đoàn báo chí.

Nếu không làm giỏi, sẽ không thể đứng vững. Một số tờ báo làm kinh tế khá tốt, không những tự trang trải mà còn đóng góp cho cơ quan chủ quản.

Phê phán khuynh hướng thương mại hoá báo chí hoàn toàn không có nghĩa là phê phán việc báo chí cạnh tranh để có nhiều bài tốt, hấp dẫn bạn đọc, làm cho báo bán chạy, tăng được số lượng phát hành, kích thích nhu cầu đọc của xã hội, cũng không có nghĩa là phê phán làm kinh tế báo một cách chính đáng, hợp pháp.

Điều phê phán ở đây là khuynh hướng xa rời tôn chỉ mục đích của tờ báo, lảng tránh các vấn đề chính trị, xã hội cần thiết cho cuộc sống, chạy theo thị hướng tầm thường của một bộ phận bạn đọc mà đưa ra những bài báo giật gân, vụn vặt, thậm chí sai sự thật hoặc bịa đặt vô căn cứ, vô hình trung biến tờ báo của mình thành “báo lá cải”, không có ích gì cho xã hội và cho sự nghiệp xây dựng đất nước.

111
Phóng viên VietNamNet tác nghiệp tại bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Phạm Công

Phóng viên nếu chỉ thu nhập ba đồng lương cũng rất khó. Báo chí phải thông qua chuyện làm kinh tế một cách chính đáng để có thể cải thiện, hoặc có những khuyến khích cho các bài báo viết hay, viết tốt, có những giải thưởng để kích thích; chứ đừng để anh em vì cuộc sống mà chạy theo những thị hiếu tầm thường rồi đi đến chỗ lệch lạc.

Chúng ta có Luật Báo chí, những quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí của nhà báo như nào, nó không hạn chế tài năng cá nhân của những người làm báo và đồng thời cũng đảm bảo được những nhà báo không sa vào hiện tượng tiêu cực, những mặt tiêu cực phải chống.

Muốn làm được thì người phóng viên phải nhận định được vai trò, chức trách của mình để làm cho đúng. Nói về đánh giá báo chí, thời nào cũng vậy, nhiều tờ báo, nhà báo đưa lên những mặt tiêu cực, làm giảm uy tín của tờ báo cũng có và không ít, nhưng nhìn chung thì báo chí vẫn tốt.

Còn những trường hợp uốn cong ngồi bút phải có xử lý, nếu vi phạm pháp luật thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Thưa ông, trước đây, người dân chỉ tiếp cận một kênh thông tin duy nhất là báo chí, nên báo chí có một sức mạnh gần như tuyệt đối. Nhưng khi công nghệ phát triển, mọi người có thể tiếp xúc với các mạng xã hội, với nhiều nguồn thông tin khác nhau. Với sự thay đổi đó, nhiều ý kiến cho rằng, sức mạnh của báo chí, niềm tin với báo chí của bạn đọc đã giảm bớt một phần. Ông có nghĩ như vậy?

Sự tác động của mạng xã hội đến đời sống của con người có tính hai mặt. Bên cạnh những tác động tích cực, mạng xã hội cũng gây ra không ít những tác động tiêu cực.

Cần lưu ý, trong mạng xã hội có nhiều người dùng khác nhau, tốt có, không tốt có, thậm chí có bàn tay của kẻ xấu tung lên mạng, làm nhiễu loạn thông tin. Việc này làm cho rất nhiều người không biết chuyện đó đúng hay không đúng, khiến dư luận phân tâm.

Báo chí chính thống phải giữ vững quan điểm của báo chí, đó là phải có tác động ngược vào mạng xã hội, chứ không phải bị mạng xã hội dẫn dắt. Chúng ta phải tỉnh táo, đề phòng tất cả mặt tiêu cực của mạng xã hội để có bài viết chính thống, để nắn nó đi chứ không phải chạy theo nó. Chúng ta không sợ làm cái đó mà yếu đi vai trò của mình.

Là nhà báo lão thành, ông có lời khuyên gì với các nhà báo trẻ đang công tác hiện nay?

Dẫu không có điều kiện đọc được tất cả các báo chí, song tôi cảm nhận rằng ở tờ báo nào cũng có những tác giả trẻ, có tài, nhiều bài viết có ý mới, cách thể hiện hay. Đó là điều đáng mừng.

Chúng ta phải trân trọng, ủng hộ và giúp cho các nhà báo trẻ tiến lên. Những người làm báo đàn anh cũng cần khiêm tốn học cái hay ở lớp trẻ. Hậu sinh khả uý mà.

Song nếu có một lời khuyên nào đó đối với nhà báo trẻ thì tôi xin nói như sau: “Các bạn hãy tự tin nhưng tránh cho rằng mình cái gì cũng hiểu, cũng hơn người khác. Đừng mắc “bệnh ngôi sao”. Phải học, học nữa, học mãi.

Hương Quỳnh (thực hiện)
Báo VietNamnet

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây