Thế hệ chúng tôi, thế hệ trước chúng tôi và cả những thế hệ sau chúng tôi đều rất ít quan tâm đến chuyện học đánh vần, càng không nghĩ tới những khả năng “kich thích trí tưởng tượng sáng tạo” hay “khả năng tư duy độc lập”… mà một cuốn sách dạy đánh vần có thể mang lại cho một đứa trẻ 6 tuổi học lớp Một.
Những Văn Cao, Phạm Duy, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tuân, Hàn Măc Tử, Sơn Nam, Tô Thùy Yên, Võ Phiến… chắc là cũng đã học đánh vần từ bố mẹ, từ cô giáo làng, từ người hàng xóm hay thậm chí học từ người giúp việc trong nhà. Và chắc chắn không hề có cuốn sách học vần nào từng “kích thích trí tưởng tượng sáng tạo hay khả năng tư duy độc lập” của họ. Nhưng họ là những nghệ sỹ tài hoa bậc nhất Việt Nam, có trí tưởng tượng sáng tạo và khả năng tư duy tuyệt vời, và đã có những tác phẩm để đời.
Tài năng của các nghệ sỹ kể trên là sự kết hợp giữa năng khiếu bẩm sinh và sự rèn luyện từ cuộc sống.
Cho nên việc một cuốn sách dạy đánh vần (hay cứ cho là một thứ “công nghệ giáo dục” nào đó) có khả năng này nọ… chỉ là vẽ rắn thêm chân hay nói nôm na là “nổ”.
***
Trên thực tế, bất cứ phụ huynh nào biết đọc biết viết đều có thể dạy con em mình đánh vần, đọc và viết tiếng Việt. Đó là việc rất đơn giản và rất nhỏ. Một học sinh tiểu học cũng có thể dạy cho đứa em mình đọc và viết được.
Vì thế những kẻ quan trọng hóa việc ấy, coi nó như một “học thuyết”, một “khoa học” hay một “công nghệ” gì gì đó… đều là bọn bất lương, muốn móc túi phụ huynh và ăn hiếp trẻ con.
***
Số tiền chúng muốn bòn rút từ phụ huynh học sinh là cực kỳ lớn. Tôi từng có 25 năm làm việc trong ngành xuất bản sách. Tôi biết rằng số tiền lãi do sách giáo khoa mang lại không thua gì tiền bán ma túy.
Bởi vì, khi số lượng bản in (tirage) lên tới hàng chục triệu, thì lợi nhuận thật khủng khiếp. Chính vì thế mà bọn chúng cấu kết nhau: kẻ thì viết sách, kẻ thì quảng cáo, thổi phồng giá trị cuốn sách, kẻ thì cấp phép in sách, kẻ thì duyệt đưa cuốn sách (và cả chục cuốn “ăn theo”: ví dụ như một học sinh lớp Một, 6 tuổi phải mua đến 23 đầu sách) vào giáo trình và buộc các trường phải sử dụng, kẻ thì viết bài ca ngợi lên tận mây xanh: nào là công nghệ giáo dục kích thích sáng tạo, rèn luyện tính tự quyết, khả năng suy nghĩ độc lập, khai mở trí tưởng tượng...
Những màn trình diễn rầm rộ, đã ngốn tiền thuế của dân hàng ngàn tỷ đồng ấy, chỉ để dạy cho một đứa con nít… đánh vần!
Đó chẳng phải là sự đê tiện sao? Và bọn đầu sỏ lẫn bọn theo đóm ăn tàn chẳng phải là một lũ bất lương sao?
Tác giả: Đào Hiếu