Băn khoăn việc bốc thăm chọn môn thi vào lớp 10

Thứ tư - 16/10/2024 11:07
Mới đây, Bộ Giáo dục và Ðào tạo công bố dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh trung học cơ sở (THCS) và tuyển sinh trung học phổ thông (THPT), thay thế thông tư hiện hành. Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của đông đảo học sinh, phụ huynh và nhà trường, đó là việc bốc thăm để chọn môn thi thứ ba trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.
111
Thí sinh thảo luận sau khi hoàn thành bài thi tại Hội đồng thi Trường THPT Long Châu Sa, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.
(Ảnh HẠNH THÚY)
Theo dự thảo thông tư quy định, đối với phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT, Bộ Giáo dục và Ðào tạo dự kiến có hai phương thức: Xét tuyển và thi tuyển. Ðối với phương thức xét tuyển, dựa trên căn cứ kết quả rèn luyện và học tập các năm học THCS hoặc chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS của thí sinh (nếu lưu ban lớp nào thì lấy kết quả năm học lại của lớp đó).

Ðối với phương thức thi tuyển, số lượng môn thi là ba môn, gồm: Toán, Ngữ văn và một môn thi do Sở Giáo dục và Ðào tạo tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên trong số các môn học còn lại. Thành phần tổ chức bốc thăm gồm: Lãnh đạo sở, đại diện đơn vị chuyên môn, thanh tra Sở Giáo dục và Ðào tạo… Môn thi được bốc thăm phải công bố trước ngày 31/3 hằng năm. Nội dung đề thi nằm trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, chủ yếu là chương trình lớp 9.

Ủng hộ phương án dự kiến bốc thăm môn thi thứ ba của Bộ Giáo dục và Ðào tạo, thầy giáo Nguyễn Quý Xuân, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Phúc Lợi (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết: Việc bốc thăm môn thi thứ ba là cần thiết để bảo đảm việc học sinh lĩnh hội đầy đủ kiến thức và sẽ phải học nghiêm túc tất cả các môn học.

Khi đã học đều các môn thì việc bốc thăm vào bất kể môn thi nào cũng sẽ không gây khó khăn cho các em. Ðây cũng là một trong những giải pháp để học sinh THCS không học lệch, chỉ tập trung vào môn thi vào lớp 10. Cũng theo thầy Xuân, nếu điểm mới này được thông qua sẽ chấm dứt tình trạng mỗi địa phương tổ chức tuyển sinh lớp 10 theo một kiểu.

Trong khi đó, thầy giáo Nguyễn Bá Thắng, Hiệu trưởng Trường THCS Nam Phương Tiến A (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) cho rằng, môn học nào cũng quan trọng cho nên các trường đều tổ chức dạy học đầy đủ kiến thức, kỹ năng chương trình theo yêu cầu của chương trình. Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Ðào tạo nên đưa ra số môn bốc thăm cụ thể thay vì bốc thăm trên tất cả các môn học sẽ phát sinh nhiều bất cập.

 
Đơn vị đã nghiên cứu và nhất trí một số nội dung dự kiến trong dự thảo thông tư. Tuy nhiên, Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Phú Thọ đề nghị việc lựa chọn môn thi thứ ba nên giao cho UBND các tỉnh, thành phố tùy theo tình hình thực tế địa phương quyết định và chịu trách nhiệm. Việc này nhằm bảo đảm tăng cường phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo. Nếu không giao cho địa phương, vẫn thực hiện bốc thăm, Bộ Giáo dục và Ðào tạo chỉ nên thực hiện bốc thăm ở một số môn như: Tiếng Anh; Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Ðịa lý, Giáo dục công dân là những môn học triển khai đồng đều ở các địa phương.
Phùng Quốc Lập, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Phú Thọ
 
   
Ðối với những môn còn lại không có sự đồng đều thì không nên tổ chức bốc thăm. Thí dụ, môn Tin học, nhiều trường khu vực miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, điều kiện cơ sở vật chất, máy tính, thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên chưa bảo đảm. Trong khi môn Công nghệ có nhiều mô-đun sẽ gây khó khăn trong việc tổ chức ôn tập, biên soạn đề thi, tổ chức thi… Cũng theo ông Lập, Bộ Giáo dục và Ðào tạo có thể đưa ra phương thức kết hợp thi tuyển với xét tuyển như hiện nay.

Không chỉ các thầy giáo, cô giáo hoặc các nhà quản lý giáo dục địa phương, quản lý cơ sở giáo dục mà nhiều phụ huynh cũng tỏ rõ băn khoăn nếu tổ chức bốc thăm môn thi thứ ba. Chị Nguyễn Phương Nhung (quận Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: Những năm qua, kỳ thi lớp 10 tại các thành phố lớn còn căng thẳng hơn cả thi đại học để giành suất vào học các trường công lập.

Do đó, nếu thực hiện việc bốc thăm môn thi thứ ba sẽ gây ra tâm lý hoang mang và thấp thỏm cho cả học sinh lẫn phụ huynh. Việc thay đổi phương án thi cần có lộ trình để học sinh chuẩn bị tinh thần và thay đổi cách thức học tập, có sự định hướng ngay từ đầu.

 
Thời gian qua, kỳ thi vào lớp 10 do các địa phương chủ động về số môn, thời lượng, đề thi. Qua đánh giá sơ bộ các tỉnh, thành phố chủ yếu tổ chức thi ba môn; cũng có một số địa phương tổ chức thi hai hoặc bốn môn dẫn đến việc tổ chức không đồng nhất, “trăm hoa đua nở”, tạo ra bất cập trong việc kiểm tra, đánh giá chất lượng dạy và học.
Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Giáo dục và Ðào tạo
 
   
Vì vậy, Bộ Giáo dục và Ðào tạo dự kiến ban hành quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông mới, nhằm đưa ra một số tiêu chí khung cho cả nước. Phương án thi lớp 10 được xây dựng trên ba nguyên tắc cốt lõi, đó là không gây áp lực, tốn kém, trên tinh thần gọn nhẹ, giảm áp lực cho học sinh, phụ huynh và xã hội. Hướng tới mục tiêu giáo dục toàn diện, đáp ứng yêu cầu của chương trình mới về phẩm chất, năng lực học sinh.
 
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Ðào tạo đang trong quá trình lấy ý kiến để xây dựng dự thảo thông tư với quan điểm lắng nghe ý kiến từ cấp cơ sở để đưa ra giải pháp hợp lý nhất; bảo đảm khoa học về đánh giá và thực hiện tốt theo mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
 
nguồn: https://baohungyen.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây