Hiện thực hóa khát vọng sông Hồng và hình hài thành phố tương lai

Thứ tư - 09/10/2024 15:11

Phát triển trục sông Hồng để sông Hồng thực sự là trung tâm phát triển của Thủ đô với sự phân bố hài hòa các không gian sinh thái, không gian văn hóa, lịch sử, không gian xanh, không gian đô thị hiện đại hai bên bờ sông Hồng.


Các định hướng phát triển hai bờ sông Hồng

Từ những năm cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, quá trình phát triển đô thị và đô thị hóa diễn ra dồn dập ở cả hai bên bờ sông Hồng thuộc địa bàn thành phố Hà Nội.
hien thuc hoa khat vong song hong va hinh hai thanh pho tuong lai hinh 1
Cây cầu Nhật Tân bắc qua sông Hồng. Ảnh: IT
Lúc này, bên cạnh hệ thống cầu đường được xây dựng từ trước vẫn phát huy tác dụng (như cầu Long Biên (1902), cầu Thăng Long (1985), cầu Chương Dương (1985)), đã liên tục xuất hiện các cầu Trung Hà (2002), Thanh Trì (2007), Vĩnh Tuy giai đoạn 1 (2010), cầu Vĩnh Thịnh (2014), cầu Nhật Tân (2015), cùng các đường vành đai 2, vành đai 3, vành đai 4 và hệ thống các tuyến đường giao thông hai bên bờ sông, nội đô, nội thị được nâng cấp, không chỉ kết nối hai bên bờ sông mà dần dần đã kéo sông Hồng trở lại vị trí trung tâm phát triển đô thị Hà Nội.

Năm 2000, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 15-NQ/TW khẳng định: “Sớm nghiên cứu việc chỉnh trị sông Hồng và quy hoạch khai thác hai bên sông”. Năm 2008, toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã của huyện Lương Sơn tỉnh Hòa Bình sáp nhập vào thành phố Hà Nội. Địa bàn thành phố Hà Nội trải rộng ra hai bên bờ sông Hồng với diện tích 334.470,2ha, gồm 10 quận, 1 thị xã, 18 huyện, 154 phường, 22 thị trấn, 401 xã và dân số trên 6.800.000 người.

Ngày 25/3/2022, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 1045/QĐ-UBND phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5000, tập trung nguồn lực xây dựng các công viên, công trình văn hóa, giải trí lớn, các công trình công cộng hiện đại tầm vóc quốc tế và phát huy giá trị các công trình di sản hai bên sông, góp phần khẳng định tầm thế mới của Thủ đô.

Để thực hiện được mục tiêu này, một điều kiện tiên quyết là phải phát triển hiện đại và đồng bộ cả hệ thống giao thông bộ và hệ thống giao thông thủy trên sông và hai bên bờ sông Hồng. Hệ thống đường bộ ven sông kết nối với các tuyến vành đai 2, vành đai 3, vành đai 3,5 và vành đai 4 của đô thị trung tâm. Hà Nội đang triển khai xây dựng 3 cầu Tứ Liên, Trần Hưng Đạo, Vân Phúc và trong quy hoạch giao thông đến năm 2030, tầm nhìn 2050 sẽ xây dựng thêm 7 cầu nữa là Hồng Hà, Mễ Sở (vành đai 4), Thăng Long mới (vành đai 3), Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), Thượng Cát, Ngọc Hồi (vành đai 3,5) và cầu Phú Xuyên.
hien thuc hoa khat vong song hong va hinh hai thanh pho tuong lai hinh 2
Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5000.
Hệ thống giao thông thủy dọc theo sông Hồng và các chi lưu cũng đang được khôi phục và từng bước hiện đại hóa, vừa khai thác tối đa lợi thế của các tuyến giao thông đường thủy, vừa góp phần giảm áp lực giao thông nội đô và tạo động lực phát triển bền vững toàn vùng Thủ đô.

Ngày 3/3/2023, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 68/KH-UBND triển khai thực hiện đề án đầu tư xây dựng 5 huyện Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng đến năm 2025 thành các quận nội thành. Cả 5 huyện kể trên đều nằm ở hai bên bờ sông Hồng, trong đó 2 huyện đi đầu là Đông Anh và Gia Lâm đều nằm ở tả ngạn. Quận Đông Anh sẽ gồm 24 phường, được định hướng phát triển thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ, tài chính, thương mại và giao dịch quốc tế khu vực Bắc sông Hồng, đóng vai trò động lực phát triển ở phía Bắc Thủ đô. Trên cơ sở 22 xã, thị trấn, quận Gia Lâm sẽ xây dựng 16 phường theo định hướng trở thành trung tâm công nghiệp, thương mại dịch vụ, tài chính, du lịch, văn hóa và giải trí, y tế, giáo dục.

Trên cơ sở thành tựu phát triển đô thị và đô thị hóa trên địa bàn Hà Nội, thành phố Hà Nội đang xúc tiến nghiên cứu xây dựng 2 thành phố trực thuộc Thủ đô, trong đó thành phố phía Bắc (Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) thiên về dịch vụ, hội nhập quốc tế, đô thị thông minh và thành phố phía Tây (Xuân Mai, Hòa Lạc) thiên về khoa học, công nghệ và giáo dục, trung tâm kết nối trí tuệ toàn cầu.

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 xác định 5 trục động lực là các trục Sông Hồng, Hồ Tây - Cổ Loa, Hồ Tây - Ba Vì, Nhật Tân - Nội Bài và trục liên kết phía Nam, trong đó trục Sông Hồng là trục không gian cảnh quan chủ đạo.

Báo cáo tóm tắt quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ, trục Sông Hồng “là trục kinh tế thương mại dịch vụ, du lịch văn hóa, là trục trung tâm nằm giữa đô thị phía Nam và phía Bắc sông Hồng. Hai bên bờ sông, xây dựng con đường di sản tái hiện lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc; con đường giới thiệu cảnh quan, đất nước con người, hình ảnh đặc trưng của các vùng miền và 63 tỉnh thành, là nơi phát triển các dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng; là không gian tái hiện các lễ hội văn hóa truyền thống từ mọi miền đất nước; kết nối với khu vực Hồ Tây và phố cổ hình thành không gian phát triển các hoạt động kinh tế ban đêm”.

Chia sẻ trong bài biết về "Kết nối dòng chảy văn minh sông Hồng trong lịch sử hình thành và phát triển Thủ đô Hà Nội" TS. Nguyễn Quang Anh - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội cho biết, những định hướng phát triển hai bên bờ sông Hồng là sự tái khẳng định mạnh mẽ vị trí trục trung tâm chủ đạo của dòng sông Hồng suốt trường kỳ lịch sử, phát triển thủ đô cân đối - hài hòa, nhanh - mạnh - bền vững, vươn xa và tỏa rộng ra cả hai bên bờ sông Hồng.

"Như thế, mô hình thành phố “nhìn sông tựa núi” của vua Lý Thái Tổ nghìn năm qua đã đúng và chắc chắn hàng chục, thậm chí hàng trăm năm sau vẫn tiếp tục đúng. Mục tiêu phát triển Hà Nội thành thành phố thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại; trung tâm động lực thúc đẩy phát triển vùng châu thổ sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; thành phố kết nối toàn cầu và sánh ngang với thủ đô các nước phát triển trong khu vực chắc chắn sẽ trở thành hiện thực trọn vẹn và sinh động", TS. Nguyễn Quang Anh chia sẻ.
hien thuc hoa khat vong song hong va hinh hai thanh pho tuong lai hinh 3
Sông Hồng gắn liền với sự hình thành và phát triển của Thăng Long - Hà Nội. Ảnh: TL
Sông Hồng luôn giữ vai trò quyết định của đô thị Hà Nội

Theo GS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, địa bàn thành phố Hà Nội nằm gọn ở trung tâm châu thổ Sông Hồng, nơi con người tụ cư sớm và đông đúc, nơi chứng kiến toàn bộ quá trình hình thành cộng đồng người Việt cổ,với sự ra đời của nền văn minh Sông Hồng.

Nền văn minh Sông Hồng là nền văn minh nôngnghiệp trồng lúa nước, sử dụng công cụ sản xuất bằng kim khí (đồ đồng, đồ sắt), tạo ra bướcphát triển trọi vượt về kinh tế, xã hội và thông qua đó xác lập bản lĩnh, truyền thống và lối sống Việt Nam, đặt cơ sở vững vàng cho sự ra đời và phát triển của quốc gia dân tộc. 

Vua Lý Thái Tổ quyết định dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, trên danh nghĩa là sự trở lại kinh thành Đại La của Cao Biền, nhưng thực chất là tiếp nối truyền thống lâu đời của dân tộc từ kinh đô Cổ Loa cho đến kinh đô Vạn Xuân ở vùng đỉnh thứ hai của châu thổ Sông Hồng.

Cuộc cách mạng Tháng Tám là cuộc cách mạng vĩ đại nhất trong toàn bộ tiến trình lịch sử Việt Nam, đã đã đưa Hà Nôi lên thành Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và thủ đô nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Hà Nội trở thành trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Kỷ nguyên độc lập tự do tiến lên văn minh hiện đại.

Kể từ thời đại dựng nước đầu tiên cho đến nay các kinh đô kinh thành Cổ Loa, Mê Linh,Vạn Xuân, Ô Diên, Tống Bình, Đại La, Thăng Long, Đông Đô, Đông Kinh, Hà Nội gần như liên tục nối tiếp nhau đều được đặt trên địa bàn Hà Nội, biến Hà Nội thành trung tâm hội tụ, kết tinh, giao lưu, lan tỏa lớn nhất và mạnh nhất các giá trị lịch sử và văn hóa của cả nước.
hien thuc hoa khat vong song hong va hinh hai thanh pho tuong lai hinh 4
Hà Nội xác định sông Hồng là trục cảnh quan trung tâm thành phố trong tương lai. Ảnh: Nhật Nam/HNMO
Theo GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Hà Nội thực sự là căn cốt của toàn bộ lịch sử đất nước, là trung tâm và đỉnh cao của cả ba kỷ nguyên văn minh lớn Việt Nam là Kỷ nguyên văn minh dựng nước và giữ nước đầu tiên, Kỷ nguyên văn minh Đại Việt và Kỷ nguyên độc lập tự do tiên lên văn minh hiện đại.

"Đấy là vị thế lớn nhất và đặc biệt nhất của Hà Nội trong toàn bộ tiến trình lịch sử dân tộc mà không một đô thị nào hay một kinh thành nào khác của Việt Nam có thể sánh ngang được.

Đây cũng là trường hợp vô cùng hy hữu trên thế giới, đúng như đánh giá của UNESCO khi vinh danh khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long là Di sản văn hóa Thế giới: “Nó là minh chứng duy nhất về truyền thống văn hóa lâu đời của người Việt ở châu thổ sông Hồng và là trung tâm quyền lực chính trị trong suốt 13 thế kỷ cho đến ngày nay... Trên thế giới rất hiếm tìm thấy một di sản thể hiện được tính liên tục lâu dài như vậy của sự phát triển chính trị, văn hóa như khu vực trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội”", GS.TS Nguyễn Quang Ngọc chia sẻ.

Về vai trò của sông Hồng với đô thị Hà Nội, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc cho hay, sông Hồng là điều kiện tiên quyết là trung tâm của mọi hoạt động mưu sinh, trung tâm của mọi sáng tạo văn hóa của người Hà Nội. Từ quy hoạch đô thị cho đến kiến trúc phường phố, chợ búa, bến cảng Kẻ Chợ, các làng nghề, phố nghề, các lễ hội, tín ngưỡng, tập quán, từ các trò chơi dân gian đến các hoạt động cung đình, các kỳ công chống ngoại xâm ở Đông Bộ Đầu, ở Chương Dương, Tây Kết, Hàm Tử… tất cả đều có hình bóng hay sự hóa thân của dòng sông Mẹ - sông Hồng. Đấy là nét đặc trưng và bản sắc nhất của văn hóa đô thị Thăng Long - Hà Nội cổ truyền.

“Sông Hồng luôn giữ vai trò trung tâm quyết định toàn bộ quá trình lịch sử - văn hóa của các kinh đô - kinh thành - đô thị cổ truyền trên đất Hà Nội. Đến đầu thế kỷ XXI, sông Hồng từng bước khẳng định trở lại vị trí là trục phát triển chủ đạo của Thủ đô. Tựa núi, nhìn sông, hướng ra Biển Đông là mô hình thành tạo, là quy luật biến đổi và là định hướng phát triển của Hà Nội ngày xưa, ngày nay và mãi về sau” – GS.TS Nguyễn Quang Ngọc nhấn mạnh.

 
nguồn: https://www.congluan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây