Câu trả lời rõ ràng cho giá xăng: Không thể lần lữa mãi!

Thứ năm - 17/03/2022 14:05
Trước khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành phiên chất vấn Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên sáng 16/3 về nhóm vấn đề liên quan đến điều hành giá xăng dầu, Chủ tịch Quốc hội đã lưu ý Bộ trưởng Bộ Công thương phải có câu trả lời rõ ràng, chắc chắn hơn về vấn đề cân đối xăng dầu.

Tuy nhiên, một buổi đăng đàn của Bộ trưởng, như một lẽ đương nhiên, đã khó có thể giải đáp hết vô số những băn khoăn, thậm chí bức bối về giá xăng trong bối cảnh bão giá giữa cơn đỉnh dịch COVID-19 đang đẩy hàng triệu người lao động nghèo vào tình thế nan giải chưa từng có.

1.Tiền thuê nhà không giảm, giá rau giá thịt tăng vùn vụt, 500 ngàn trước đi chợ được vài 3 ngày, giờ có khi một bữa chợ hết veo. Tiền lương thời COVID-19, FO, F1 bữa đi làm bữa không, đã chẳng những không tăng mà còn giảm, thậm chí bấp bênh, test nhanh COVID thì “tận dụng thời cơ” lên nhanh như diều gặp gió… đó là những tâm sự, thở than bạn có thể bắt gặp tại bất cứ đâu, trong cuộc trò chuyện với bất cứ ai, nhất là những người lao động nghèo làm công ăn lương những ngày vừa đỉnh dịch, vừa chao đảo trong cơn bão giá này.

111
 

Trong tình thế “nhạy cảm” là thế, nên nỗi bức xúc khó dồn nén của hết thảy người dân trong bối cảnh xăng dầu không ngừng tăng giá, không ngừng “lập đỉnh” như thời gian vừa qua cũng là một lẽ đương nhiên. Bức bối càng chồng bức bối khi xăng dầu và các loại hàng hóa, dịch vụ khác thường xuyên lấy cớ giá xăng tăng để vịn vào đó “ăn theo”, tăng giá một cách bất hợp lý, đánh thẳng vào túi tiền người dân. Thế nên, bấy lâu nay, giá xăng tăng luôn là một trong những câu chuyện dân sinh nhạy cảm bậc nhất trong hết thảy các vấn đề mà người dân quan tâm.

2. Cũng bởi sự nhạy cảm, bức xúc ấy, mà cũng như một lẽ đương nhiên, tại Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này, phiên đăng đàn trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên được các đại biểu và cử tri quan tâm hơn cả. Đích thân Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ngay trước buổi chất vấn đã đặc biệt nhấn mạnh, Bộ trưởng phải có câu trả lời rõ ràng, chắc chắn hơn về vấn đề cân đối xăng dầu.

111
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên.

Sáng 16/3, trước hàng loạt câu hỏi về “giá xăng dầu có thể giảm không”, người đứng đầu ngành Công thương cho biết giá xăng dầu trong nước có giảm hay không sẽ phụ thuộc vào thị trường thế giới. Ông giải thích, giá thế giới và trong nước là “bình thông nhau”, nên khi giá thế giới tăng sẽ tác động tới giá trong nước. Tuy nhiên, ở khía cạnh quản lý, liên Bộ Công Thương - Tài chính sẽ sử dụng các công cụ bình ổn để kìm đà tăng giá trong nước thấp hơn thế giới và tăng ở mức “có thể chấp nhận được”.

Về vai trò của Quỹ bình ổn xăng dầu, sau khi thừa nhận sự bất hợp lý, chưa theo thị trường trong phương thức trích - lập từ mỗi lít xăng, dầu người tiêu dùng mua, Bộ trưởng Công Thương cho biết: “Tới đây, sẽ nghiên cứu kinh nghiệm các nước để nâng quy mô quỹ này và xem xét tạo nguồn quỹ này thế nào, từ đâu, từ ngân sản hay trích lập trên mỗi lít xăng dầu để có quỹ bình ổn đúng nghĩa”.

3. “Tình hình hiện nay nguồn cung không thiếu, giữa vai trò của các nhà máy lọc dầu của ta có tác dụng như thế nào để chủ động điều hành bình ổn giá? Ngoài quỹ bình ổn giá thì Bộ trưởng đề xuất vấn đề gì căn cơ, ổn định hơn, quản lý số lượng xăng dầu đưa ra thị trường trong nước?” - chất vấn của ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (An Giang) trong phần tranh luận với Bộ trưởng đã cho thấy còn quá nhiều vấn đề còn tồn tại phía sau câu chuyện “căn bệnh cố hữu” bao nhiêu lâu này: “giá xăng tăng nhanh, giảm chậm”.

Vai trò của các nhà máy lọc dầu ở đây đã được các đại biểu chỉ ra và như thừa nhận của Bộ trưởng Bộ Công thương là “một ẩn số trong phương trình giải bài toán nguồn cung trong nước”, “Việt Nam có thời điểm không có nhà máy lọc dầu nào nhưng trong nước vẫn không thiếu xăng dầu, các nước bên cạnh không có nhà máy lọc dầu cũng không thiếu. Trong khi đó, các nước có nhà máy lọc dầu thì cũng không có giá chênh lệch quá xa so với giá thế giới”.

111

Nhưng rõ ràng, với một mặt hàng ảnh hưởng quá lớn đến đời sống dân sinh như xăng dầu, rõ ràng bất kỳ ẩn số nào cũng phải được giải quyết. Và đương nhiên, vai trò của các nhà máy lọc dầu cũng chỉ là một ẩn số trong nhiều ẩn số cần phải có được câu trả lời như người đứng đầu Quốc hội đã nhấn mạnh, rõ ràng và cụ thể hơn.

Và trong bối cảnh, để đảm bảo chúng ta thực sự “không để ai lại phía sau”, nhất là trong thời điểm đại dịch COVID-19 đã là cú giáng cực mạnh cả về tâm lý và sinh kế của người dân, thì những câu hỏi ấy cần phải có ngay câu trả lời minh bạch, không thể lần lữa mãi.

Nói như Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại phiên chất vấn sáng 16/3, phải cố gắng không để mặt hàng xăng dầu ảnh hưởng sản xuất, lạm phát. “Thực ra câu chuyện này mấy ngày gần đây, tôi thường nhận được tiếng kêu trong đêm của đại biểu Quốc hội, nông dân. Tôi cũng thấu cảm được vấn đề đó”, đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan về vấn đề ùn ứ nông sản. Sự thấu cảm ấy, thiết nghĩ, cũng cần thiết chẳng khác là bao trong câu chuyện giá xăng dầu, cứ mãi “tăng nhanh, giảm chậm”.

 

Theo Hồng Hà/NB&CL

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây