Sửa thế nào để Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu hết bất cập?

Thứ sáu - 18/03/2022 16:48
Đề nghị sửa quy định về kinh doanh xăng dầu được đưa ra chỉ hai tháng sau khi Nghị định 95 có hiệu lực. Những nội dung cần phải sửa được chuyên gia chỉ ra như chu kỳ và thời gian điều hành xăng dầu, nội hàm giá cơ sở...
111

Nghị định về kinh doanh xăng dầu phải sửa sau 2 tháng có hiệu lực

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa yêu cầu Vụ Thị trường trong nước sửa đổi quy định về kinh doanh xăng dầu tại Nghị định 83/2014 và Nghị định 95/2021.

Sửa các quy định này, theo lãnh đạo Bộ Công Thương, là để "nâng cao hiệu quả công tác quản lý lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, giải quyết một số bất cập xảy ra thời gian vừa qua".

Nghị định 95 (sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/2014) về kinh doanh xăng dầu mới có hiệu lực từ ngày 1.1.2022, đến nay mới được hơn 2 tháng áp dụng vào thực tiễn. Thậm chí, trước khi được ban hành, dự thảo của Nghị định này đã 5 lần phải sửa đổi, hàm lượng sửa đổi, bổ sung rất lớn với 22/43 điều.

111
Nghị định về kinh doanh xăng dầu phải sửa sau hai tháng có hiệu lực. Ảnh: Hải Nguyễn

Chỉ ra điểm bất cập tại Nghị định 95, theo các chuyên gia, trước tiên là quy định về thời gian điều hành dịp Tết, khi "kỳ điều hành trùng vào dịp Tết Nguyên đán, thời gian điều hành được lùi sang kỳ điều hành tiếp theo".

Theo quy định này nên đợt điều hành ngày 1.2 vừa qua rơi vào mùng 1 Tết Nguyên đán, và phải lùi sang kỳ điều hành tiếp theo, trong khi giá thế giới leo thang khiến giá trong nước bị nén lại, dẫn tới hiện tượng khan hiếm hàng trên thị trường.

Ngoài ra, một số thay đổi về đảm bảo dự trữ lưu thông xăng dầu thành phẩm được rút lại còn 20 ngày, thay vì 30 ngày như tại Nghị định 83 trước đây, cũng dẫn tới rủi ro.

Đó là khi nguồn cung trong nước từ nhà máy lọc dầu thiếu hụt, như trường hợp Nghi Sơn vừa rồi, doanh nghiệp đầu mối xoay sang nhập khẩu bù cho phần thiếu sản lượng song không đủ thời gian để hàng kịp cập cảng.

Sửa quy định để minh bạch, phù hợp với thực tiễn

Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu có hiệu lực từ ngày 1.1.2022 đã bộc lộ nhiều bất cập, cần phải sửa. 

Theo đó, cần sửa đổi Nghị định 95 theo hướng phải rà soát lại tất cả điều kiện về kinh doanh xăng dầu được quy định, để giảm bớt những điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính gây khó cho doanh nghiệp, để thị trường xăng dầu được thông thoáng, minh bạch và tiệm cận thị trường.

"Nghị định 95 cần phải sửa ngay trong khái niệm, nội hàm về giá cơ sở" - ông Thoả khẳng định, đồng thời phân tích, Nghị định 95 nêu "giá cơ sở được xác định dựa trên các yếu tố hình thành giá tổng hợp từ các nguồn xăng dầu sản xuất trong nước, nhập khẩu; làm căn cứ để cơ quan nhà nước xác định giá điều hành; là căn cứ cho việc quyết định giá bán lẻ xăng dầu trong nước".

Trong khi lại quy định "thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu được quyết định giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu thực tế tại địa bàn xa cảng, xa kho đầu mối, xa cơ sở sản xuất xăng dầu (giá vùng 2) nhưng không vượt quá 2% giá cơ sở do liên Bộ Công Thương - Tài chính công bố tại cùng thời điểm".

"Điều này rất mẫu thuẫn, bởi nói cho doanh nghiệp được quyền quyết định, nhưng yêu cầu không được vượt quá cái này, cái kia, thì thực chất là giá cho Nhà nước quyết định; làm cho tính cạnh tranh trong giá không có", ông Thoả nêu quan điểm.

Cũng theo ông Thoả, bất cập về chu kỳ điều chỉnh giá được quy định trong Nghị định 95 cũng cần được sửa đổi cho phù hợp với biến động của thị trường, theo hướng bãi bỏ chu kỳ điều hành 10 ngày một lần, thay bằng hàng ngày.

"Nếu chưa làm được theo biến động hàng ngày như thế giới đang làm thì trước mắt có thể là 5 ngày phù hợp với phương thức mua bán hiện nay của các thương nhân xăng dầu.

Mặt khác, quy trình lấy giá thế giới bình quân của kỳ trước để áp dụng cho chu kỳ sau, trong khi thực tế giá chu kỳ sau đã tăng hơn... luôn làm cho giá vốn cao hơn giá bán lẻ hiện hành, gây lỗ cho doanh nghiệp và tất yếu xảy ra hiện tượng găm hàng, chờ giá tăng, thiếu hụt nguồn cung là khó tránh khỏi", ông Thoả nói.

 

Theo Cường Ngô/Lao động

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây