Lại nói về đền bù thu hồi đất…

Thứ hai - 28/03/2022 11:29

Mới đây, tại một dự án du lịch ở Hoằng Hóa của tỉnh Thanh Hóa xảy ra vụ xô xát gây thương tích giữa một nhóm công nhân với một số phụ nữ “chỉ mặc áo ngực” khiến dư luận xôn xao bàn tán. Báo Người lao động online viết bài với lời chapeau như sau: “Chính quyền nơi nhóm phụ nữ mặc áo ngực có hành vi xô xát, bị kéo lê tại công trường đã dừng thi công để giải quyết vụ việc, nếu người dân sai mà cố tình cản trở doanh nghiệp thì sẽ đề nghị công an khởi tố vụ án”.

Nhiều người đặt câu hỏi ngược lại: Vậy nếu doanh nghiệp sai thì có khởi tố không?

Theo như nội dung tường thuật trên báo chí, thì gia đình ông Trần Văn Lanh có 2 héc ta đất rừng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thuộc diện bị thu hồi để giao cho doanh nghiệp, nhưng gia đình chưa chịu nhận đền bù, đang làm đơn lên các cấp chính quyền giải quyết. Trong khi các cơ quan công quyền chưa giải quyết mà doanh nghiệp đã tự tiện đưa máy móc và nhân lực vào thi công, bất chấp quyền bảo vệ tài sản của người dân đã được qui định tại Điều 53 trong Luật Đất đai năm 2013: Việc Nhà nước quyết định giao đất, cho thuê đất đối với đất đang có người sử dụng cho người khác chỉ được thực hiện sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi đất theo quy định của Luật này và phải thực hiện xong việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật đối với trường hợp phải giải phóng mặt bằng.

Cứ cho rằng hộ gia đình ông Trần Văn Lanh đã cố tình gây cản trở việc bàn giao đất cho doanh nghiệp. Trong trường hợp này, UBND cấp huyện phải có quyết định theo tuần tự các bước như sau:

Cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc để làm cơ sở tính ra số tiền hộ gia đình được bồi thường (theo Điều 70 - Luật Đất đai 2013).

Cưỡng chế thực hiện thu hồi đất (theo Điều 71 – Luật Đất đai 2013).

Lưu ý: Việc cưỡng chế thực hiện thu hồi đất phải do các cơ quan chuyên ngành về quản lý đất đai và lực lượng bảo vệ pháp luật ở cấp huyện thực hiện chứ không phải doanh nghiệp “tự xử”.

Tình trạng nhân dân khiếu kiện chính quyền thu hồi đất giao cho các dự án đã và đang xảy ra ở nhiều địa phương. Nhiều vụ việc kéo dài không được giải quyết làm cho dân bức xúc, oán thán gửi đơn cầu cứu đi khắp nơi. Có những vụ việc nghe tưởng như chuyện khôi hài mà lại là sự thật. Chẳng hạn như ở huyện Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh, sau khi thu hồi 100 ha đất của một số hộ dân giao cho doanh nghiệp, doanh nghiệp chẳng làm gì, chỉ trong vòng 3 năm đã mua đi bán lại trao tay đến ba lần. Trong đó đặc biệt có hộ của ông Vũ Văn Thái được giao quyền sử dụng đất từ năm 1992, gia đình đã đầu tư đổ đất xây dựng nhà nghỉ và bãi tắm Bãi Triều, thành lập công ty Thái Ninh tiếp tục đầu tư mất nhiều tỷ đồng… nhưng cũng chỉ được tính đền bù hơn 500 triệu đồng, gia đình không chấp thuận đã bị cưỡng chế thu hồi mất 25.670m2 đất và tài sản gắn liền với đất (?). Tạp chí Tòa án Nhân dân online ngày 20/5/2020 có bài viết “Quảng Ninh nhập nhèm khi thu hồi đất của dân giao cho tư nhân” cũng đã đề cập đến vụ việc này. Hiện nay vẫn còn nhiều hộ dân ở đây tiếp tục khiếu kiện, trong đó hộ ông bà Tơn đã thắng kiện tại phiên xử sơ thẩm vụ án hành chính ngày 18/5/2021, Tòa án tỉnh Quảng Ninh đã tuyên hủy một phần Quyết định của UBND huyện Vân Đồn về việc thu hồi đất kể trên.

Tại xã Tân Quang huyện Văn Lâm tỉnh Hưng Yên cũng đang có một dự án xây dựng khu đô thị gọi là Homes Đại An. Phía dự án đền bù mỗi sào ruộng hộ nào nhiều thì được 220 triệu VND, trong đó riêng về đất là 125 triệu VNĐ (xấp xỉ 400.000 đồng/1m2, căn cứ vào bảng giá đất có từ năm 2013 của tỉnh Hưng Yên). Đã có một số hộ nhận tiền đền bù, một số hộ chấp nhận kiểm đếm nhưng chưa chịu nhận tiền, một số hộ khác chưa chấp nhận kiểm đếm… Việc đền bù thu hồi đất chưa xong nhưng được biết hiện tại, dự án Homes Đại An đã đưa máy ủi vào san ủi ruộng của các hộ đã nhận tiền đền bù. Trước hết họ san lấp hệ thống kênh mương nội đồng để chặn đường trồng trọt của nông dân, rồi tiếp tục san ủi “nhầm” cả vào những thửa ruộng của hộ chưa nhận tiền đền bù (?).

Dư luận rất băn khoăn là khi đã có đơn thư của người dân, tại sao các cấp chính quyền lại chậm trễ giải quyết đến nỗi để xảy ra xô xát? Có trường hợp chính quyền cố tình làm ngơ để mặc doanh nghiệp và người dân “tự xử” với nhau. Liệu có trường hợp ông chủ dự án đã được ai đó trong bộ máy công quyền “chống lưng” không? Xem ra cách hành xử này giống như cách làm của một nhà “Tư bản thân hữu” mới dám ngang nhiên đứng trên pháp luật như vậy. 

Tại sao người dân không chịu nhận tiền đền bù giao đất cho doanh nghiệp? Thiết nghĩ dân ta hết thảy đều chấp hành tốt mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nhiều nơi có những hộ dân hiến nhiều diện tích đất để làm đường, làm trường học mà không cần lấy một đồng đền bù. Nhưng đấy là những công trình phục vụ cho lợi ích chung của xã hội. Còn những dự án vừa kể trên đây thì không hẳn thế. Hãy nhìn lại suốt chặng đường kể từ ngày đổi mới, sao có lắm đại gia bất động sản giàu lên nhanh chóng thế? Họ là người trên trời rơi xuống, tài ba, lỗi lạc giỏi giang đến mức siêu phàm thế sao? Không, hoàn toàn không! Họ không giàu lên từ sản xuất ra của cải cho xã hội, mà họ giàu lên từ “kinh doanh” đất. Ai cũng có thể nhìn ra sự bất công bằng trong việc thu hồi chuyển đổi quyền sử dụng đất. Người nông dân bị thu hồi một sào ruộng được đền bù vài trăm triệu đồng, sau khi vào tay doanh nghiệp, được chuyển đổi mục đích sử dụng “theo qui hoạch” thì sào ruộng ấy được chia lô phân nền rao bán hàng chục tỉ đồng, hàng trăm tỉ đồng… Rõ ràng đây là một khoản “siêu lợi nhuận”!

Lại nói về “quy hoạch” đất đai. Để phát triển kinh tế thì đất phải quy hoạch trên tinh thần đưa đất nước trở thành một nước công nghiệp. Điều này đúng nếu thu hồi đất ruộng, đất rừng để hình thành các khu, các cụm công nghiệp tạo ra giá trị sản lượng và thu hút lao động, tạo công ăn việc làm cho người dân. Còn về các khu đô thị thì tôi nghĩ cần xem xét lại. Hiện nay, các khu đô thị ở nước ta đã quá nhiều, phần lớn sau khi xây dựng xong, nhiều căn hộ, nhà biệt thự bỏ không. Chủ yếu là giới buôn bán bất động sản mua đi, bán lại, đẩy giá lên một cách mơ hồ. Thực trạng, đại đa số người cần có nhà ở thì không đủ tiền để mua, người không cần nhà ở thì mua rất nhiều, vậy nên giờ mới có nhiều tòa nhà, căn hộ “ma” là vậy. Ngoài ra những khu du lịch, những khách sạn, resort cũng mọc lên như nấm. Ừ thì để đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí của nhân dân nhưng có cần nhiều đến thế không? Còn nữa, khi đồng ruộng, rừng núi bị thu hẹp, nhường đất cho đô thị phình lên sẽ làm cho môi trường thay đổi theo chiều hướng xấu. Phát triển như vậy là phát triển lệch, không bền vững.

Nhiều trường hợp chính quyền chậm trễ, không giải quyết, không đối thoại với dân để dân hiểu và vui vẻ chấp hành trong khi các ông chủ dự án cậy mạnh, cậy quan hệ… đã bất chấp pháp luật, chèn ép người dân; làm cho dân bức xúc, dẫn tới manh động, vi phạm pháp luật, lúc ấy chính quyền mới xuất hiện để xử lý người dân. Nên nhớ rằng doanh nghiệp và hộ dân là hai chủ thể bình đẳng trước pháp luật, không bên nào hơn bên nào, bên nào sai thì pháp luật phải xử lý công tâm theo luật pháp của một đất nước dân chủ. Ở những vụ xô xát xảy ra, tôi cho rằng do bức xúc quá, nghĩ mình thấp cổ bé họng, kêu không thấu tới trời, người dân buộc phải phản ứng và bố trí quay camera đưa lên mạng xã hôi, mục đích cũng là để làm sao cho chính quyền phải nhảy vào cuộc. Mà chính quyền phải là cấp có thẩm quyền ban hành bảng giá đất đai và phê duyệt dự án, chứ chính quyền cấp huyện và xã thì khó có thể thuyết phục được dân trong những trường hợp có tranh chấp, khiếu kiện, dẫn đến xô xát...

Trở lại vụ việc ở Hoằng Hóa, rõ ràng là chủ dự án đã có bố trí trước việc dùng công nhân đàn áp người dân chứ không phải là xô sát bột phát, bởi công cụ làm việc trong tay các công nhân là… dùi cui. Cảnh tượng được quay video phát tán trên mạng xã hội, trong chẳng khác gì địa chủ thời phong kiến cướp đất của dân nghèo. Chính vì những cảnh tượng như thế mà tầng lớp nông dân đã vùng lên đi theo cách mạng để thực hiện khẩu hiệu “Người cày có ruộng”. Bây giờ có được rồi, không nhẽ người ta lại muốn quay trở lại vạch xuất phát?

Thiết nghĩ, khi xây dựng một dự án phát triển kinh tế động chạm đến thu hồi đất đai, thì Nhà nước đứng ra lập dự án, thu hồi đất rồi đấu giá bán cho doanh nghiệp. Cần xóa bỏ hình thức phê duyệt dự án do doanh nghiệp xây dựng rồi đền bù cho người dân theo một bảng giá quá ư lạc hậu và bất hợp lý. Tất cả số tiền chênh lệch giữa phải đền bù cho người dân với bán đấu giá đất trừ đi chi phí tổ chức đấu giá sẽ được thu vào kho bạc của Ngân sách Nhà nước chứ không phải túi tiền riêng của “đại gia” nào. Theo đó, chắc chắn sẽ không còn xảy ra cảnh xô xát như ở Hoằng Hóa và có thể sẽ còn xảy ra ở nhiều nơi khác. Và như thế, cũng sẽ bớt đi những cán bộ “nhúng chàm” vì các nhóm lợi ích liên quan đến đất đai phải tra tay vào còng…

 

Tác giả: Nhà văn Cầm Sơn
Nguồn Văn nghệ số 13/2022

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây