Mỗi luật trung bình có gần 28 thông tư, đang ‘làm khó’ doanh nghiệp

Thứ ba - 29/03/2022 06:35

Thông tư chiếm 68% tổng số văn vản quy phạm pháp luật được ban hành, trung bình mỗi luật hiện có 25,8 thông tư, và 1,9 thông tư liên tịch hướng dẫn. Nhiều điều kiện kinh doanh đang được cài vào thông tư để “làm khó” doanh nghiệp.

111
Ông Đậu Anh Tuấn, trưởng ban pháp chế của VCCI, trình bày báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2021 - Ảnh: Đ.TH.

Ông Đậu Anh Tuấn, trưởng ban pháp chế, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết tại hội thảo Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2021, do VCCI tổ chức, ngày 29-3.

Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2021, ghi nhận từ 1-1-2016 đến ngày 20-7-2020, số lượng thông tư chiếm hơn 68% tổng số văn bản quy phạm pháp luật được ban hành.

Trung bình mỗi luật có 6,8 nghị định, 1,8 quyết định của Thủ tướng và có tới 25,8 thông tư thông thường, 1,9 thông tư liên tịch hướng dẫn.

Với số lượng áp đảo so với các văn bản quy phạm pháp luật khác, thông tư có vai trò vô cùng quan trọng khi hiện thực hóa các chính sách của nhà làm luật và đang tác động rất lớn đến môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.

Theo VCCI, hiện tượng thông tư ban hành điều kiện kinh doanh tuy không còn nhiều như trước nhưng vẫn còn, đặc biệt là tình trạng lạm dụng ban hành thông tư, có trường hợp không nhất thiết cần thông tư nhưng các cơ quan nhà nước vẫn ban hành.

Ở một số ngành, lĩnh vực còn có hiện tượng việc thực thi quy định pháp luật phụ thuộc quá nhiều vào thông tư. Ví dụ, có đến hơn 70 thông tư hướng dẫn Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 (được sửa đổi bổ sung năm 2017). Điều này sẽ tạo rủi ro cho môi trường kinh doanh vì các quy định tác động đến doanh nghiệp được ban hành theo quy trình có tính chất nội bộ của các cơ quan ban hành, báo cáo của VCCI nhấn mạnh.

111
Hội thảo Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2021 (chụp qua zoom) - Ảnh: Đ.T.

Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2021 cũng khẳng định nếu rà soát hệ thống pháp luật kinh doanh, không khó để tìm ra các thông tư đang "cài cắm" điều kiện kinh doanh. Ví dụ thông tư 28 năm 2018, quy định về điều kiện cấp giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng thương mại cổ phần; giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài. Thông tư 03 năm 2018, quy định về cấp giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tài chính vi mô.

Một dạng "ẩn" điều kiện kinh doanh khác là các quy định về tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp tham gia vào hoạt động cung cấp dịch vụ cho cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân khác, cũng được VCCI đề cập trong báo cáo dòng chảy kinh doanh năm nay.

Ví dụ thông tư 78 năm 2021 do Bộ Tài chính ban hành quy định các tổ chức cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế. Theo đó, tổ chức cung cấp dịch vụ nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử phải đáp ứng các tiêu chí về chủ thể pháp lý, tài chính, nhân lực, kỹ thuật.

Tổng cục Thuế sẽ lựa chọn các tổ chức đáp ứng đầy đủ các điều kiện và ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ nhận, truyền, lưu trữ dữ liệu hóa đơn điện tử với cơ quan thuế.

Cung cấp dịch vụ về hóa đơn điện tử là một ngành nghề kinh doanh, nhưng để được sự đồng ý này, các tổ chức cung cấp dịch vụ về hóa đơn điện tử phải đáp ứng các điều kiện/tiêu chí theo quy định. Như vậy, xét về bản chất, các quy định về tiêu chí lựa chọn tổ chức cung cấp dịch vụ về hóa đơn điện tử là một dạng của điều kiện kinh doanh, VCCI nhấn mạnh.

Trong khi, theo quy định của Luật đầu tư 2020, cung cấp dịch vụ về hóa đơn điện tử không phải là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

"Điều này đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả của hoạt động kiểm soát việc ban hành các điều kiện kinh doanh ở thông tư và lo ngại tình trạng ban hành điều kiện kinh doanh một cách tràn lan như trước đây quay trở lại", ông Đậu Anh Tuấn nhận định.

Để cải thiện chất lượng ban hành thông tư của các bộ, ngành thời gian tới, VCCI cho rằng cần tập trung vào các giải pháp như minh bạch quy trình xây dựng thông tư, thống nhất tiêu chí về điều kiện kinh doanh, quy định rõ thế nào là điều kiện kinh doanh, và phải quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan soạn thảo ban hành thông tư.

Với đặc thù của hệ thống văn bản pháp luật của nước ta, phần lớn quy định tại luật, pháp lệnh, nghị định sẽ không thể áp dụng ngay trên thực tế mà phải chờ thông tư hướng dẫn, thậm chí phải giải thích tại các công văn. Nên một quy định tốt ở thông tư, hướng dẫn rõ ràng, phù hợp với tinh thần của các quy định tại nghị định, pháp lệnh, luật, sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh và ngược lại.

(Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2021)

 

Theo Bảo Ngọc/Tuổi trẻ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây