Người dân lo sợ kinh tế Nga trở lại thời kỳ đen tối và cuộc khủng hoảng nợ năm 1998

Thứ hai - 28/03/2022 11:36
Dưới tác động các lệnh biện pháp trừng phạt khắc nghiệt của phương Tây do chiến sự Nga - Ukraine, người Nga lo sợ trở lại thời kỳ kinh tế đen tối, quay lại cuộc khủng hoảng nợ năm 1998.

Trong ánh nắng chói chang, một hàng dài người mua sắm tấp nập bên ngoài một cửa hàng IKEA cuối cùng chuẩn bị rút đi ở gần Moscow vào cuối tuần trước do tác động của lệnh trừng phạt bởi chiến sự Nga - Ukraine. Cảnh tượng tương tự đã lặp lại trên khắp nước Nga, khi các gia đình đổ xô chi tiêu những đồng rúp đang mất giá nhanh của họ vào những cửa hàng bán lẻ Thụy Điển cuối cùng đang chuẩn bị rời khỏi đất nước bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt.

Có thể thấy, Người Nga đang chuẩn bị cho một tương lai không chắc chắn với lạm phát gia tăng, khó khăn kinh tế và thậm chí còn bị siết chặt hơn đối với hàng hóa nhập khẩu. Hiện đồng rúp mất khoảng 1/3 giá trị vào tuần trước, sau khi các biện pháp trừng phạt chưa từng có của phương Tây được áp đặt để trừng phạt chiến sự Nga - Ukraine. Các động thái này đã đóng băng phần lớn ngoại hối dự trữ 640 tỷ USD của ngân hàng trung ương và cấm một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT, điều này đã khiến đồng rúp rơi tự do.

111
Người Nga đang chuẩn bị cho một tương lai không chắc chắn với lạm phát gia tăng, khó khăn kinh tế và sự siết chặt thậm chí còn mạnh hơn đối với hàng hóa nhập khẩu. Ảnh: @AFP.

Các thành phố trên khắp nước Nga bề ngoài tỏ ra bình tĩnh, ít có dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng đang tàn phá khu vực tài chính và thị trường. Ngoại trừ những dòng người đang tìm mua các sản phẩm - chủ yếu là các mặt hàng cao cấp và phần cứng, trước khi các kệ hàng trống hoặc giá tăng cao hơn nữa.

Người mua sắm Viktoriya Voloshina nói với hãng thông tấn Reuters ở Rostov, một thị trấn cách Moscow 217 km rằng, cô đang tìm kệ và bàn văn phòng và cũng thay mặt một người bạn từ thị trấn khác đi mua sắm dùm. Cô ấy nói: "Trái tim tôi đang tan vỡ".

Dmitry, một cư dân Moscow khác cũng than thở về việc giá cả tăng chóng mặt. "Chiếc đồng hồ mà tôi muốn mua hiện có giá khoảng 100.000 rúp, so với mức 40.000 vào khoảng một tuần trước đó", anh nói và từ chối cho biết họ của mình.

Lidia, một người làm việc tự do từ Rostov cho biết việc hạn chế chuyển tiền đang làm phức tạp việc nhận các khoản thanh toán từ nước ngoài. "Các biện pháp trừng phạt đã ảnh hưởng rất nặng nề đến tôi. Giá cả đã tăng khoảng 20% ... Thực tế là bạn đã không thể mua một số loại thuốc. Mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn nữa sắp tới", cô nói. "Hôm nay tôi và gia đình sẽ rời Nga".

Sự bùng nổ chi tiêu có thể thu hẹp lại

Việc xóa sổ tiết kiệm do đồng rúp dần mất giá trị và việc tăng gấp đôi lãi suất lên 20% sẽ bóp chết những người có thế chấp và người tiêu dùng. Các điều kiện tài chính hiện tại ở Nga đã thắt chặt một cách thô bạo trong năm nay, mà Oxford Economics dự đoán sẽ làm giảm nhu cầu chi tiêu trong nước tới 11% vào cuối năm và tăng tỷ lệ thất nghiệp lên 1,9 điểm % vào năm 2023.

Zach Witlin, một nhà phân tích tại Eurasia Group lưu ý rằng, các lệnh trừng phạt đang giáng vào người tiêu dùng thông qua việc tăng giá và gián đoạn cả hình thức thanh toán kỹ thuật số. Trong khi người tiêu dùng không bị nhắm mục tiêu trực tiếp,

nhưng "nỗi sợ hãi và thận trọng đang dần được thể hiện rõ", với sự ra đi của các thương hiệu nước ngoài như IKEA đã tạo ra "hiệu ứng quả cầu tuyết" đầu tiên, ông nói thêm.

111
Những người Nga tuyệt vọng đứng xếp hàng dài để trả tiền mua hàng lần cuối tại IKEA, trước khi thương hiệu này khăn gói rời khỏi
đất nước. Ảnh: @AFP.

Hàng nhập khẩu khan hiếm khi các chủ tàu rời khỏi Nga

Ô tô, máy móc và phụ tùng xe hơi chiếm gần một nửa trong tổng số 293 tỷ USD giá trị hàng nhập khẩu của Nga vào năm ngoái, theo Cục Hải quan Liên bang Nga. Thực tế, Chính phủ đã cố gắng cắt giảm nhập khẩu trong những năm gần đây đồng nghĩa với việc nhập khẩu năm 2021 vẫn thấp hơn 7% so với năm 2013, trước khi có lệnh trừng phạt đầu tiên sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014.

Hiện Nga cũng đã tăng cường thương mại với Trung Quốc, quốc gia duy nhất tăng cường xuất khẩu sang Nga kể từ năm 2014. Nhưng sự sụt giảm hơn nữa dường như không thể tránh khỏi khi đồng rúp đang lao dốc, các công ty bảo hiểm từ chối bảo hiểm cho các doanh nghiệp xuất khẩu sang Nga, vì thế mà các chủ tàu hàng nối đuôi nhau rời các cảng của Nga cho dù là xuất khẩu hay nhập khẩu.

Matt Townsend, đối tác tại công ty luật Allen & Overy cho biết trong khi chỉ có một số công ty Nga bị nhắm mục tiêu bởi các lệnh trừng phạt, "nhưng tất cả họ đều sẽ cảm thấy rùng mình. Đây là lý do tại sao các biện pháp trừng phạt là một biện pháp rất hiệu quả để cô lập một quốc gia".

Theo dự đoán của JPMorgan, cú sốc kinh tế trước mắt sẽ khiến GDP Nga giảm 35% riêng trong quý thứ hai và giảm trung bình 7% của cả năm 2022. Tuy nhiên, "sự cô lập về kinh tế và chính trị ngày càng tăng sẽ hạn chế tiềm năng tăng trưởng của Nga trong những năm tới", JPMorgan nói thêm. Điều đó càng có thể xảy ra nếu các hạn chế việc mua lại công nghệ cần thiết để hỗ trợ các ngành công nghiệp có giá trị cao nhất của Nga càng bị thắt chặt. Vì hiện tại, chính quyền Biden đã tung ra các quy định để hạn chế khả năng nhập khẩu điện thoại thông minh, phụ tùng máy bay và linh kiện ô tô của Moscow.

Trong khi đó, các công ty đa quốc gia, từ các công ty công nghệ Apple và Microsoft cho đến các nhà sản xuất hàng tiêu dùng Nike và Diageo đã cắt đứt liên kết với Nga, có nghĩa là người mua sắm sẽ bị hạn chế tiếp cận với các mặt hàng tiêu dùng mà họ đã quen thuộc trong hơn ba thập kỷ qua.

Các công ty Trung Quốc, cho đến nay có thể giành được một số thị phần nhưng họ cũng có thể trở thành con mồi của các lệnh trừng phạt thứ cấp do nhiều sản phẩm của họ như điện thoại thông minh sử dụng công nghệ có xuất xứ từ phương Tây.

111
Nhiều người Nga buồn bã, thất thần đi ngang qua Quảng trường Đỏ ở Moscow. ẢNH: NYTIMES.

Những người trong cuộc ở Moscow mô tả sự hoảng loạn, thất vọng và xấu hổ khi Nga bị loại khỏi nền kinh tế toàn cầu

Yuriy Shatalov (không phải tên thật), một nhà kinh doanh cổ phiếu ở Moscow thức dậy mỗi sáng với một cơn ác mộng khi phải liên tục theo sát thị trường cổ phiếu và nhanh chóng điều chỉnh kịp thời khi Nga bị cô lập khỏi nền kinh tế toàn cầu. Còn Shatalov, người sinh năm 1995 đã làm việc tại một chuỗi các công ty môi giới ở thủ đô nước Nga cho biết: "Mỗi ngày tôi thức dậy và hiểu rằng điều gì đó khủng khiếp đã xảy ra. Nó tương tự chính xác như cảm giác mà tôi đã trải qua khi cha tôi qua đời. Tôi cảm thấy xấu hổ. Tôi cảm thấy đất nước của mình sẽ bị hủy hoại, đổ nát, làm tôi nhớ lại cuộc khủng hoảng nợ năm 1998 của Nga".

Với việc đồng rúp giảm giá khoảng 30% so với đồng đô la, nhiều nhà tài chính như Shatalov đã chạy đua để làm trống tài khoản ngân hàng của họ, trước khi các biện pháp kiểm soát vốn được áp đặt bởi Điện Kremlin.

Đồng thời, nó cũng đã gây ra làn sóng mua hàng tiêu dùng và hàng điện tử ở các thành phố lớn nhất của Nga. Khi đồng tiền của họ rơi vào tình trạng tự do, nhiều người trong tầng lớp trung lưu của Nga quyết định tốt hơn là nên lưu trữ giá trị trong hàng hóa hơn là cất trong những đồng rúp đang trên bờ vực nguy hiểm.

"Tôi đã mua cho mình một chiếc iPhone 13 mới. Chiếc trước đó của tôi rất cũ và hỏng", Shatalov nói. "Tôi đã mua một chiếc máy tính bảng của Samsung. Chúng tôi cũng đã bảo dưỡng chiếc BMW và mua lốp mới". Alec Shevrin, giám đốc điều hành tại một ngân hàng đầu tư ở Moscow đã giới thiệu về một chiếc Lexus plug-in hybrid hoàn toàn mới và một chiếc máy rửa bát.

Shevrin nói với Insider: "Vợ tôi và tôi đều có những chiếc xe hơi đời mới, dù chúng tôi không thực sự cần nó. Nhưng tôi thà mua thứ gì đó ngay bây giờ hơn là nhìn các đồng tiền rúp đang dần trở nên hoàn toàn vô giá trị".

Nhiều người cũng đã dự trữ thực phẩm và các nhu yếu phẩm để đề phòng tình trạng thiếu hụt. Trong khi đó, một số siêu thị trên khắp nước Nga đã báo cáo tình trạng thâm hụt đường và "grechka" hay kiều mạch, một mặt hàng chủ lực phổ biến của Nga. 

Gần đây, Phó Thủ tướng Nga Viktoria Abramchenko đã cảnh báo chống lại tình trạng mua sắm hoang mang khi một số siêu thị báo cáo tình trạng thiếu hàng do nhu cầu tiêu dùng tăng vọt.

Hiện tại, hầu như tất cả những người dân ở Moscow đều cho rằng lạm phát tăng vọt là vấn đề nghiêm trọng nhất. Ngân hàng Trung ương Nga, vốn đã tăng gấp đôi lãi suất cơ bản lên 20% sau khi cuộc chiến sự nổ ra, và họ sẽ tiếp họp để quyết định có tăng lãi suất một lần nữa hay không.

Konstantin Gusev (không phải tên thật của anh ta), một nhà quản lý quỹ tài chính 47 tuổi cho biết: "Chúng tôi thực sự coi trọng rủi ro và chính lạm phát đang làm tổn thương mọi người". Đối với Gusev, cuộc khủng hoảng lần này như một ly cocktail chết chóc làm gợi nhớ đến vụ vỡ nợ chủ quyền năm 1998, cuộc khủng hoảng tín dụng năm 2008 và sự tan rã của Yukos, công ty dầu mỏ trước đây thuộc sở hữu của nhà tài phiệt Nga Mikhail Khodorkovsky, người nổi tiếng có quan hệ với Tổng thống Vladimir Putin.

Tuần trước, ông Putin cảnh báo rằng người Nga nên chuẩn bị cho tình trạng thất nghiệp gia tăng trong những tuần tới, đồng thời đổ lỗi cho phương Tây và những kẻ phản bội Nga đã tấn công Nga và nền kinh tế Nga. Ông Putin cũng đề cử Elvira Nabiullina phục vụ thêm nhiệm kỳ 5 năm nữa ở vị trí lãnh đạo ngân hàng trung ương, trong bối cảnh có tin đồn lan rộng rằng bà đã cố gắng từ chức hai lần vì kinh tởm cuộc chiến sự này.

111
Một chủ doanh nghiệp Nga cho biết: "Chúng tôi không biết Putin sẽ làm gì tiếp theo. Không ai trong cộng đồng kinh doanh còn hy vọng nữa". Ảnh: @Vasily Fedosenko / TASS.

Nền kinh tế Nga có thể giảm tới 20% vào năm 2022

Elina Ribakova, phó trưởng ban kinh tế tại Viện Tài chính Quốc tế cảnh báo rằng nền kinh tế Nga có thể giảm tới 20% vào năm 2022 - khác xa so với mức tăng trưởng 6% mà Putin đã đặt kỳ vọng cũng trong năm nay trước khi nổ ra chiến sự.

"Chúng ta phải suy nghĩ lại cách chúng ta nghĩ về Nga", Ribakova nói trong một podcast với ấn phẩm BNE IntelliNews: "Nước Nga đã dần đi từ một nền kinh tế mở sang một nền kinh tế sẽ giống Iran hơn".

Có thể thấy, cuộc xâm lược Ukraine có thể đẩy Moscow và thế giới trở lại cuộc khủng hoảng tài chính dường như là một phần của lịch sử. Mohamed El-Erian, nhà kinh tế trưởng tại Allianz và là chủ tịch của Queens 'College, Cambridge cho biết: "Putin đã tạo ra cơn ác mộng tồi tệ nhất của chính mình. Ông ấy đã gây hấn phương Tây theo cách mà nó đã không tồn tại trong một thời gian dài; ông đã là chất xúc tác cho việc Ukraine phải chi tiêu vũ khí trên quy mô lớn; ông đã thay đổi cách tiếp cận của Đức đối với chi tiêu quân sự; và ông ấy đã đưa nền kinh tế Nga dần sụp đổ. Thật là không thể tin được".

Trong khi đó, việc đóng băng phần lớn dự trữ của Nga có nghĩa là ngân hàng trung ương đã phải vật lộn để nâng cao giá trị của đồng rúp, vốn đã giảm mạnh 1/3 trên thị trường tiền tệ. Các biện pháp kiểm soát vốn đã được đưa ra, lãi suất tăng hơn gấp đôi và lạm phát hàng năm đang ở mức 20%. Thị trường chứng khoán đã bị đóng cửa và thị trường tài chính lo ngại Moscow có thể vỡ nợ khi phải trả một khoản nợ có chủ quyền trong tháng 4 tới đây.

John Lough, thành viên cộng sự của Chương trình Nga và Á-Âu tại Chatham House, là đại diện đầu tiên của liên minh có trụ sở tại Moscow nói: "Các tầng lớp trung lưu Nga sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi việc không được tiếp cận với các kỳ nghỉ, tiện ích và đồ ăn ngon ở nước ngoài - những thứ họ đã quen thuộc nhưng giờ sắp cạn kiệt. Tính biểu tượng trong chính trị và quan hệ quốc tế là quan trọng. Điều này báo hiệu điều gì? Nó báo hiệu 'trở lại Liên Xô cũ".

Các nhà phân tích cảnh báo về sự suy giảm mạnh nhất hàng năm đối với Nga kể từ khi Liên Xô cũ sụp đổ, khi sự di cư của dòng vốn, công nghệ và bí quyết phương Tây vẽ nên bức màn sắt của thế kỷ 21 xung quanh nền kinh tế Nga.

Bank of America dự báo tổng sản phẩm quốc nội Nga cũng sẽ sụt giảm 13% trong năm nay - mức thiệt hại lớn hơn cả đại dịch hay cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 gây ra.

Đồng thời, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã biến nước Nga của Putin trở thành một quốc gia theo kiểu Bắc Hàn, nhưng các biện pháp cứng rắn sẽ gây ra hậu quả đối với một nền kinh tế đang mong manh vẫn đang phục hồi từ đại dịch Covid-19.

111
Nhiều người ở Moscow đã coi lạm phát tăng vọt là vấn đề nghiêm trọng nhất. Ảnh: @AFP.

Đối mặt với sự cô lập về kinh tế, điều nguy hiểm là nhà lãnh đạo Nga sẽ chọn quay ngược đồng hồ sang một kỷ nguyên kinh tế đen tối hơn.

Đồng rúp đã giảm 30%, với các nhà phân tích cho rằng nó sẽ còn mất giá nữa khi chiến sự tiếp diễn. Các cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch và Moody's đã hạ xếp hạng nợ của Nga xuống mức thấp. Những người Nga được báo động đã xếp hàng dài tại các máy ATM và tập trung ở các cửa hàng để tiêu tiền mặt của họ trước khi nó trở nên vô giá trị. Trong khi đó nhiều thị trường dầu mỏ đang dần tẩy chay việc nhập khẩu dầu của Nga.

Ông Anders Åslund, nhà kinh tế học Thụy Điển và là giáo sư tại Đại học Georgetown đề cập tới khái niệm mà ông Putin từng đề ra khi ví von Nga như "một pháo đài đầu tư". "Bây giờ hóa ra không có pháo đài nào cả. Nga đã trở nên không thể đầu tư ". Câu hỏi bây giờ là liệu Moscow có thể bảo vệ nền kinh tế rộng lớn hơn của mình hay không, hay liệu kế hoạch của Putin trên thực tế có tác dụng ngược lại hay không.

Trung Quốc có phải là kế hoạch B của Putin?

Trong một chủ đề trên Twitter, Maxim Mironov, phó giáo sư tại Trường Kinh doanh IE ở Madrid khẳng định, một phần quan trọng của câu đố là liệu Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc có thể ném cho láng giềng của mình một "huyết mạch kinh tế" hay không. Nếu Bắc Kinh không làm vậy, nó có thể chứng tỏ một sự căng thẳng toàn năng đối với tình hữu nghị "vô hạn" của hai nước.

"Liệu Nga có thể nhận được một chút giúp đỡ từ Trung Quốc không?". Julia Friedlander, giám đốc quy chế kinh tế của Hội đồng Đại Tây Dương cho biết. Nhưng làm như vậy có thể sẽ khiến phương Tây phẫn nộ và bản thân Trung Quốc sẽ kinh hoàng khi mất bất kỳ quyền tiếp cận nào với các thị trường giàu có của phương Tây.

Friedlander cũng lưu ý vấn đề trước mắt: "Trung Quốc có một sự lựa chọn. Ban lãnh đạo lớn có thể quyết định. Được rồi, họ có thể sẽ ủng hộ Nga. Nếu tốt thì Nga sẽ trở thành một quốc gia khách hàng của Bắc Kinh. Nhưng Bắc Kinh có lẽ cũng sẽ mất rất nhiều khả năng tiếp cận công nghệ và các hoạt động khác đối với phần còn lại của thế giới. Ngoài ra, Trung Quốc có thể cắt đứt với Nga, và sau đó sử dụng điều đó để cố gắng thiết lập lại mối quan hệ của họ với Hoa Kỳ ở châu Âu. Họ thực sự đang ở một ngã ba trên đường".

 

Huỳnh Dũng  - Theo Reuters/ Theguardian/ Businessinsider
Nguồn Dân Việt

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây