"Trong bối cảnh hiện nay, một số cán bộ đảng viên đang có dấu hiệu "chùng xuống", không dám làm gì chứ chưa nói đến dám chịu trách nhiệm", đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) nêu như vậy khi thảo luận về dự thảo Luật thi đua, khen thưởng (sửa đổi) ngày 28-3. Nhận định bà Hoa nhằm đưa ra bức tranh với những điểm "chùng", từ đó kiến nghị phải có hình thức khen thưởng xứng đáng để khuyến khích cán bộ dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Thực trạng cán bộ "chùng xuống" mà nữ đại biểu nêu ra không mới, thậm chí được nói đi nói lại, bao gồm cả các lãnh đạo cấp cao từ trung ương đến địa phương đã nhiều lần mổ xẻ. Tuy nhiên đặt trong bối cảnh hiện nay, cả Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các địa phương đều có những động thái mạnh mẽ chấn chỉnh công tác cán bộ nhằm loại bỏ cán bộ yếu kém, thiếu trách nhiệm, cơ hội..., đồng thời bảo vệ, đề cao cán bộ dám nghĩ dám làm, thì vấn đề này lại phải nhìn nhận, mổ xẻ một cách quyết liệt hơn và có giải pháp hữu hiệu.
Không lẽ thực trạng đã thấy rõ nhưng không có "liều thuốc" đủ mạnh để chấn chỉnh? Không lẽ cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, "chùng xuống", kém phẩm chất vẫn cứ tồn tại trong bộ máy năm này tháng khác?
Lấy ví dụ tại TP.HCM sau trận "cuồng phong" đại dịch COVID-19 đi qua đã giúp lãnh đạo TP nhìn nhận được chất lượng, những ưu - khuyết của đội ngũ cán bộ, công chức hiện tại. Ngay cả giữa lúc dịch bệnh hoành hành đã có một số lãnh đạo địa phương bị "tước quyền thi đấu" do thiếu trách nhiệm. Lãnh đạo TP cũng chỉ ra từ sự nhìn nhận đó TP sẽ rà soát, xây dựng quy hoạch cán bộ, phát hiện đưa vào quy hoạch những cán bộ có năng lực, phẩm chất, tâm huyết và mạnh dạn đưa ra khỏi quy hoạch, không quy hoạch những cán bộ không đủ phẩm chất.
Thực tế những năm trở lại đây, nhiều địa phương đã đưa ra một số phương cách nhằm tạo đột phá trong kiểm tra, giám sát chất lượng cán bộ. Đây chỉ mới là việc để không xảy ra tình trạng cán bộ hư hỏng, biến chất. Điều quan trọng nữa trong công tác cán bộ, như bà Hoa nêu trên, nằm ở việc có những cán bộ "chùng xuống". Rất nhiều người lúc trà dư tửu hậu nói rằng với cơ chế làm việc "cào bằng", chưa có những quy định cũng như chính sách bảo vệ người dám nghĩ dám làm, đột phá và hẳn nhiên sẽ đụng chạm, cách tốt nhất với họ là... "sáng cắp ô đi tối cắp ô về". Đây là một thực tế khiến nhiều nơi bộ máy không "chạy", môi trường làm việc thiếu sáng tạo, đảm bảo sự "yên thân" cho nhiều cán bộ hơn là làm việc có trách nhiệm đến cùng.
Chính những cán bộ, công chức "chùng xuống", thiếu trách nhiệm, không dám quyết, không dám làm, đùn đẩy, nhũng nhiễu, quan liêu, hạch sách sẽ là họa hại, làm nản lòng, thậm chí chặn đứng tâm huyết của người dân và nhà đầu tư. Đến công việc thuộc chức năng, thẩm quyền mà không dám quyết thì nói gì đến cải thiện, chịu trách nhiệm.
Bảo vệ, khen thưởng cán bộ, công chức dám nghĩ dám làm, dám đột phá là vấn đề quan trọng. Thời gian qua tại các hội nghị, lãnh đạo từ trung ương đến các địa phương đều đã đề cập vấn đề này, đồng thời nhấn mạnh nỗ lực tạo cơ chế làm việc sáng tạo cũng như có chính sách bảo vệ, ưu ái cán bộ năng động. Nhưng trên thực tế, sự "chùng xuống" của một số cán bộ vẫn "chùng".
"Có rất nhiều biện pháp để khuyến khích cán bộ dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung nhưng biện pháp khen thưởng là biện pháp thiết thực và có nhiều yếu tố tích cực", bà Hoa nêu và đề nghị cân nhắc bổ sung nội dung nêu trên vào dự thảo Luật thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Luật hóa các hành vi tốt đẹp để bảo vệ, nhân lên sẽ có hiệu quả hơn những chỉ đạo vốn chỉ có trên các bục phát biểu.
Theo Tiến Long/Tuổi trẻ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên