Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm hơn 60 năm cầm bút, đã có được một vị trí đáng kể trong lòng công chúng. Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm không vụt sáng thời trai trẻ, không bùng nổ thời trung niên và cũng không chịu lối mòn tư duy thời xế chiều. Hành trình sáng tạo của nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm ngỡ phẳng lặng thong dong mà luôn cựa quậy thao thức: “Mong bạn hoài nghi tôi/ Cho tôi tin cậy bạn/ Những lời đang vỗ cánh/ Chưa chắc là đã bay”.
Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm sinh ra ở làng Nành – Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội. Mảnh đất chôn nhau cắt rốn ấy vốn có truyền thống buôn bán, nhưng chàng trai Nguyễn Khắc Tiềm lại theo đuổi chữ nghĩa với bút danh Nguyễn Vũ Tiềm. Bắt đầu làm thơ khi còn là giáo viên ở quê nhà, những tác phẩm khởi nghiệp của Nguyễn Vũ Tiềm chủ yếu viết về nghề dạy học và phong cảnh nông thôn.
Thuở đôi mươi, Nguyễn Vũ Tiềm giới thiệu “Thời gian của chúng tôi” như một môi trường làm việc ấm áp “Năm mới của chúng tôi/ Không bắt đầu từ tháng giêng/ Tháng chín gõ ba hồi chín tiếng/ Cổng trường mở ra, năm mới ùa vào/ Ánh mắt nào cũng trời thu xôn xao/ Tiếng nói chen nhau, sân trường thành chật hẹp/ Mỗi tiết học bốn mươi lăm phút/ Cả chiều dài thế kỷ xếp sao đây?”, đồng thời cũng giới thiệu luôn “Cây sầu đông” như một môi trường sống bình yên “Én xa mang nắng đậu vào/ Lộc bừng nứt vỏ, mùa đau sinh thành/ Khắp vườn, cây mở hội xanh/ Hoa xoan tim tím, quả xoan nõn nà/ Gỗ xoan nên cột, nên xà/ Không ai còn gọi em là sầu đông”.
Cảm quan một nhà giáo gắn bó với bục giảng giúp Nguyễn Vũ Tiềm biết cách “Hỏi lối vào ca dao” đầy quyến rũ: “Gặp đây mận mới hỏi đào/ Đường lên cổ tích, lối vào ca dao/ Hỏi đâu trúc mọc bờ ao/ Ai xinh, ai đứng ni nào cũng xinh/ Hỏi đâu táo rụng sân đình/ Sầu ai đong đấu cho mình đến vay/ Phải người hẹn đấy quên đây/ Cho đắng lòng ớt, cho cay lòng trầu/ Cửa Thiền ai biết nông sâu/ Thị Kính oan một, Thị Mầu oan hai/ Xin cho ngày ngắn đêm dài/ Trăng vàng thôi chớ múc hoài đổ đi/ Tương tư gói lại mang về/ Vàng mười, bạc nén dễ gì đổi trao”, nhưng rung động bất thường một nhà thơ lại khiến Nguyễn Vũ Tiềm nhận ra những rối bời chênh chao trong cõi đời bịn rịn: “Bỗng một sớm thu sang vàng Thủ Lệ/ Một tình cờ, một địa chỉ lãng quên/ Không xa lắm, hình như gần lắm/ Nơi tình người tạo một ngã ba riêng”.
Đất nước thống nhất, Nguyễn Vũ Tiềm là một trong những cán bộ giáo dục được cử vào miền Nam công tác. Sau 3 năm làm thanh tra ở Sở Giáo dục Đào tạo TPHCM, Nguyễn Vũ Tiềm chuyển sang làm báo Giáo Dục & Thời Đại lúc ấy còn mang tên báo Người Giáo Viên Nhân Dân. Rời xa phấn trắng bảng đen để mỗi ngày đối diện với thế sự chuyển động không ngừng, thơ Nguyễn Vũ Tiềm khơi mở một dòng chảy khác, chiêm nghiệm hơn và cũng lắt léo hơn.
Không có thói quen bia rượu, Nguyễn Vũ Tiềm đặt bàn trà cạnh bàn thơ để nuôi dưỡng những ý nghĩ vừa mong manh vừa nung nấu. Khi uống “Trà sớm” thì bần thần “Rót chén sương mờ, nhấp từng chút hừng đông/ Đầu lưỡi chạm khúc thời gian nguyên chất/ Sau khoảnh khắc vị ban mai chan chát/ Đống thời gian vô vị đợi ngoài kia”, khi uống “Trà khuya” thì bồi hồi “Vị chan chát dần tan cơn đắng miệng/ Đặc thêm vào cho đôi mắt thêm trong/ Ngày vừa cởi sau lưng đã cột vào quá khứ/ Nghiêng bình nghe năm tháng vợi nhanh dần”, còn khi uống “Trà một mình” thì thảng thốt “Bạn ở xa, nơi đài vừa báo bão/ Ly rót rồi, chưa thể đặt lên môi/ Ly lật sẵn, chờ tay ai gõ cửa/ Ly úp đây - người đã cỏ xanh rồi”.
Phẩm chất Nguyễn Vũ Tiềm điềm đạm. Phong cách chừng mực trong mọi hành vi của Nguyễn Vũ Tiềm ảnh hưởng trực tiếp đến thơ ông. Nguyễn Vũ Tiềm rất ít chữ lấp lánh, Nguyễn Vũ Tiềm rất ít câu bay bổng, Nguyễn Vũ Tiềm tập trung phát triển ý tứ. Nguyễn Vũ Tiềm mở rộng chiều kích lý tính của thi ca. Cái dằn vặt, cái ngổn ngang và cái cay đắng được trộn lẫn vào nhau, để lời tỉ tê nối tiếp lời nghẹn ngào: ““Ra khỏi chiến tranh / Nhiều người trong chúng tôi còn lành lặn/ Sao giờ đây thương tích đầy mình/ Những vết thương nhân tính, nhân văn/ Cái đã qua rồi, cái còn dang dở/ … Lấy khen thưởng báo công làm thước đo giá trị/ Lấy bình quân làm cán cân công bằng/ Giá trị ảo được tôn lên làm thật/ Làm què cụt, chết dần mòn bởi những tung hô/ Hội họp bình bầu ngợi ca chúc tụng/ Để nhạt nhẽo đời thường loang lổ cả đời văn/ Rẻ rúng nhau bằng những lời khen ngợi/ Người nói người nghe đều thấy hài lòng/ Người tự vả vào mình để thành người tin cậy/ Người được tin cậy rồi, bóc lưỡi hót cho hay/ Tự gọt đẽo thành viên bi nhẵn nhụi/ Để lăn tròn trong cái rãnh con con/ Để đạt đến đỉnh cao của sự thấp hèn/ Lấy đó làm kiêu hãnh/ Vết thương không chảy máu/ Có cách chi khâu lại cho lành?".
Sau khi nghỉ hưu từ năm 2000 đến nay, là giai đoạn Nguyễn Vũ Tiềm viết nhiều nhất và viết hay nhất. Những trăn trở và những thương yêu được Nguyễn Vũ Tiềm chắt chiu cả đời có dịp dồn vào thơ. Sự dồn nén trở thành câu lai láng, sự e dè trở thành câu mạnh mẽ, sự cẩn trọng trở thành câu mông lung. Hồn vía cố hương bật dậy theo “Cuộc lên đường đầu thế kỷ 21” nức nở: “Hành lý Sông Tô, khát vọng Sông Hồng/ Hơi bị nhập siêu các hạng mục thuộc về hy vọng/ Cuộc hành trình dài hơi/ Đang được anh lập trình ngắn lại/ Số hoá mọi nhu cầu/ Thêm chút kích cầu lãng mạn phiêu lưu/ Không quên vắt vai một mối tình trả góp/ Làm gia vị tháng ngày/ Cơn say bừng tỉnh giấc/ Chợt nhận ra/ Chả có cuộc lên đường nào cả/ Hành lý trống không, hy vọng xa mờ/ Chỉ thử thách gian nan là chất ngất”, còn nắng gió phương Nam bỗng bày ra thứ “Minh triết đất đai” rạo rực: Bài vỡ lòng từ cỏ hoa/ Khai tâm bằng chiêm mùa tách vỏ/ Uống từng lời quang hợp vô thanh/ Đọc ngôn ngữ bốn mùa, của hương thơm và màu sắc/ Quy luật, bước đi của cái rễ, cái mầm/ Học cành la cành bổng/ Biết cương nhu mà không biết uốn mình/ Học vũ thủy, thu phân triết lý vườn cây thay lá/ Ôi, cái cử chỉ vẫy tay rời cành mới đẹp làm sao, và chạm chạm đất hồn còn xao xác gió/ Mầm nhân ái nhú lên từ hủy diệt/ Thông điệp xanh đất nhắn gửi bao điều/ Tay lấm láp phù sa, chính là lúc ngộ ra điều sạch sẽ”.
Thơ Nguyễn Vũ Tiềm thay đổi đáng kể nhờ sự thay đổi cấu trúc. Khi Nguyễn Vũ Tiềm dẫn chữ nghĩa đi theo khuôn khổ, thì thơ rất khô khan. Ngược lai, khi Nguyễn Vũ Tiềm thoải mái cho chữ nghĩa chạy nhảy vô tư qua những miền phấp phổng, thì thơ định vị yếu tố thẩm mỹ. Đó không phải kết quả của may mắn tình cờ, mà là quà tặng của cặm cụi đam mê. Bóng dáng cao gầy của Nguyễn Vũ Tiềm đi từng bước chậm, mà thơ vẫn hắt một nỗi âu lo thầm kín lên khuôn mặt thanh thản của ông!
Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm rất nhẫn nại trau dồi văn chương. Ngoài công trình biên soạn “Nghìn câu thơ tài hoa Việt Nam” và tập tiểu luận “Đi tìm mật mã của thơ”, Nguyễn Vũ Tiềm viết được vài tác phẩm văn xuôi khá ấn tượng như “May quá, lòng tốt vẫn còn đây” hoặc “Bắc cung hoàng hậu”. Tuy nhiên, thành tựu của Nguyễn Vũ Tiềm vẫn nằm ở thi ca và vẫn thuộc về thi ca. Thơ Nguyễn Vũ Tiềm chia làm hai giai đoạn sáng tạo. Mà kỳ lạ thay, hai giai đoạn sáng tạo ấy lại được chia theo hành trình công chức của Nguyễn Vũ Tiềm. Giai đoạn công chức đương nhiệm của Nguyễn Vũ Tiềm, nhịp điệu thơ trầm ngâm trễ nãi với các tập “Thức đợi hoa quỳnh”, “Người thám hiểm thời gian”, “Thương nhớ tài hoa”… Giai đoạn công chức nghỉ hưu của Nguyễn Vũ Tiềm, nhịp điệu thơ sôi sục gấp gáp với các tập “Văn đàn bi tráng”, “Sương Hồ Tây mây Tháp Bút”, “Minh triết đất đai”…
Nhờ trải nghiệm cầm bút, Nguyễn Vũ Tiềm nhận diện được giá trị của mỗi cuốn sách “tuổi tên phơi phía trước/ họa phúc ẩn sau trang” và tác giả phải chấp nhận “Một tác phẩm chưa thể nói thành công/ Nếu chưa có người đòi mang ra phán xử”. Và Nguyễn Vũ Tiềm chủ động khước từ những bản thảo đong đưa và diêm dúa “Chỉ bằng một thoáng phù du/ Lại mong xao động tình thu đậm đà/ Hương phù phiếm, sắc phù hoa/ Lại mong chở được lời ca sang mùa” để tự nguyện đắm mình vào thế giới rộn ràng những bất an: “Phút thăng hoa nghệ thuật/ Cũng là phút sáng hào quang sai lầm của Thượng Đế/ Ánh lên những dại dột của con người/ Cái ác được đặt tên lần thứ nhất/ Đểu cáng ươn hèn bộc lộ hết tài năng/ Nghệ sĩ mở lòng mình đón nhận/ Như nạn nhân tự nguyện cho đỉa, vắt, anôphen trích độc tố, vi trùng vào máu/ 99, 99 phần trăm thân mình tàn tạ/ 0, 01 phần trăm thăng vinh nghệ thuật/ Tạo nên vắcxin miễn dịch cho đời”.
Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm là một trường hợp càng cao niên càng dồi dào bút lực. Ông chọn lối ứng xử mềm mỏng và rụt rè với đời, để đưa vào thơ những cồn cào và day dứt: “Trên mưa, còn có nắng/ Dưới sóng, biển bình yên/ Đá lạnh còn giữ lửa/ Tình phai còn căn duyên?”. Và ông hiện diện bằng vui buồn một tâm hồn đa cảm và đa đoan: "Phải chăng vũ trụ niềm riêng/ Có chi nhắc nhớ trăm miền nợ vay/ Hay người ngoài ấy đứt tay/ Để tôi chảy máu trong này buốt đêm"./.
Theo Lê Thiếu Nhơn/NNVN
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên