Mấy ngày hôm nay, dư luận đang xôn xao về những sai lầm trong Sách Tiếng Việt 1 (bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, Nxb Giáo dục Việt Nam) khi bỏ qua việc dạy âm [p] với vai trò là âm đầu. Dù có biện hộ thế nào thì đó cũng là sai lầm nghiêm trọng cả về phương pháp luận, tri thức và thậm chí cả nhãn quan chính trị với nghĩa đầy đủ của nó. Từ sai lầm này, chúng ta lại có dịp nhìn lại hiệu quả thực chất của Đổi mới biên soạn sách giáo khoa (SGK) nói riêng và Đổi mới giáo dục nói chung trong mấy năm qua.
Trong cuốn sách vừa xuất bản Từ Văn học Kháng chiến đến Văn học Đổi mới (Nxb Hội Nhà văn, 2021), thông qua việc khảo sát những tác phẩm văn học tiêu biểu từ thời Kháng chiến đến thời kỳ Đổi mới, cũng như việc giảng dạy tác phẩm trong nhà trường, chúng tôi đã dành một phần quan trọng để đánh giá lại việc dạy văn và biên soạn SGK trong nửa thế kỷ qua. Thật đáng tiếc là, trên các cứ liệu khách quan và khoa học, chúng tôi đành phải đưa ra nhận định rằng: Riêng môn Văn và Tiếng Việt, chúng ta đang có những bước thụt lùi và lạc hậu nghiêm trọng so với thực tế và nhu cầu của xã hội. Những bước thụt lùi đó hội tụ lại khá rõ nét trong Chương trình Đổi mới biên soạn SGK của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2018. Từ sai lầm của chương trình này dẫn đến việc ra đời các bộ SGK và làm bùng nổ những cuộc tranh luận gay gắt. Ngoài sự yếu kém về tri thức chuyên môn, về phương pháp…, người đọc dễ nhận thấy những vấn đề khá nổi cộm về công tác quản lý dẫn đến những khủng hoảng, rất cần phải khắc phục trong bối cảnh hiện nay. Đó là việc cần phải nghiêm túc nhìn lại thực chất của việc thực hiện chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK qua những kết quả của nó.
Như chúng ta đã biết, có một giai đoạn khá dài trên báo chí đã diễn ra các cuộc thảo luận sôi nổi về xã hội hóa giáo dục. Tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học, Quốc hội đã chính thức ban hành các văn bản để Bộ Giáo dục & Đào tạo thực hiện chủ trương này. Trên tinh thần một chương trình cần có nhiều cách tiếp cận, nhiều bộ SGK khác nhau, để người học được quyền lựa chọn các bộ sách ưu việt nhất.
Muốn đạt được mục đích trên đây, khâu đầu tiên là xây dựng chương trình. Năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho ra một chương trình, nhưng cách thức tiến hành không tốt nên rốt cục không tranh thủ được ý kiến của các nhà nghiên cứu có chuyên môn thực sự và có tâm huyết. Kết quả là chương trình này bộc lộ rất nhiều sai sót về chuyên môn. Tiếp theo là hệ lụy của nó được thể hiện qua một số bộ SGK. Cụ thể, chúng tôi đã từng nghe vị Bộ trưởng nhiệm kỳ trước nói rất hăng hái, nhiệt huyết về xã hội hóa giáo dục. Nhưng rốt cục, qua thực tế lại thấy, ở đây, việc nói không đi đôi với việc làm. Điều này thể hiện rất rõ trong công tác quản lý điều hành các đơn vị trực tiếp tham gia vào chương trình Đổi mới biên soạn SGK. Nếu quan sát kỹ các ý kiến phản ánh trên báo chí cũng như dư luận xã hội trên mạng, sẽ thấy: Cách thức thực hiện xã hội hóa giáo dục mà chúng ta tiến hành trong mấy năm qua có bóng dáng của những nhóm lợi ích. Những nhóm này đã cố kết chặt chẽ với nhau để chi phối toàn bộ quá trình biên soạn SGK mới. Điều này thể hiện ở kết quả cuối cùng là các sản phẩm phục vụ xã hội. Mặc dù, bị xã hội phê phán kịch liệt, một số bộ sách vẫn được o bế và gần như phớt lờ dư luận để tiếp tục tồn tại như “một phép tiên”, với lý do là nó đã được thông qua Hội đồng Thẩm định và được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ký duyệt. Thiết nghĩ, cách tư duy như vậy hoàn toàn không ổn. Chúng ta đã có quá nhiều kinh nghiệm đau đớn rồi. Gần đây nhất là vụ “test kit Việt Á”. Cũng có rất nhiều thứ được qua nhiều Hội đồng thẩm định gồm các GS.TS, ban bệ… đủ cả; lại có chữ ký đủ các cấp, cả các vị lãnh đạo cấp rất cao… Thế mà rốt cục, thiên hạ tá hỏa vì cái thứ được thẩm định, được phê duyệt chuẩn chỉnh qui trình ấy lại đầy rẫy những sai sót khó chấp nhận, như bộ sách của “Cánh Diều” từng được/bị đưa ra mổ xẻ trên nghị trường Quốc hội. Cho nên, xét cho cùng thì giá trị của sản phẩm không được quyết định bởi chữ ký của ông nọ bà kia mà ở giá trị đích thực của nó.
Với một bộ SGK, tính khoa học và tính thực tiễn phải là số một. Người sử dụng sản phẩm này là ai? Trước hết phải là các thầy cô giáo, sau đó là học sinh và phụ huynh. Một khi người sử dụng sản phẩm đã chê bai sản phẩm của anh thì nghĩa là anh đã đưa ra một sản phẩm không tốt, không đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Nhất thiết nó phải bị loại bỏ hoặc phải làm lại. Đó là nguyên tắc. Nguyên tắc này chỉ được tôn trọng khi thực hiện xã hội hóa một cách công bằng, nghiêm túc, khoa học.
Rất tiếc, trong mấy năm qua, nhiều bộ SGK mới đã bị mắc những sai sót nghiêm trọng. Dư luận lên án rất mạnh mẽ cũng chỉ vì quyền lợi của các học sinh, nhưng có nhóm biên soạn thì biết lắng nghe, tiếp thu sửa chữa. Ngược lại, cũng có nhóm lại phớt lờ dư luận tiếp tục cho tồn tại sản phẩm cuả mình. Tại sao lại có sự khác biệt ấy? Nếu không có sự o bế “chống lưng” thì tại sao một sản phẩm kém chất lượng vẫn ngang nhiên tồn tại trên thị trường?
Không phải ngẫu nhiên xã hội đặt vấn đề về “nhóm lợi ích” trong biên soạn SGK mới, cũng như các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Ở đâu có nhóm lợi ích thì sớm hay muộn nó cũng làm bung ra những bùng nhùng. Các biến cố xung quanh việc dạy âm [p] và chữ p trong Tiếng Việt 1 bộ “Kết nối trí thức” chỉ là giọt nước tràn ly của quá trình xã hội hóa về SGK mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang thực hiện. Thế nhưng, ở đâu đó nó vẫn được bảo vệ một cách nhiệt thành. Trong cái sự bùng nhùng ấy, chỉ có thanh tra vào cuộc mới có câu trả lời rõ ràng!
Tuy nhiên, chỉ quan sát bằng “mắt thường”, chúng ta cũng có thể hình dung ra cái gọi là xã hội hóa biên soạn SGK là gì? Như mọi người đều biết: Trong 5 bộ SGK được soạn theo chương trình năm 2018, chỉ có một bộ của Công ty cổ phần (tạm gọi là doanh nghiệp tư nhân), 4 bộ còn lại là của doanh nghiệp Nhà nước, đích danh là Nxb Giáo dục Việt Nam. Tính mất cân bằng trong tỷ lệ các đối tác tham gia xã hội hóa cho thấy cách thức xã hội hóa mang tính hình thức hơn là thực chất. Trong tình thế ấy, doanh nghiệp tư nhân sẽ luôn bị lép vế, chưa nói là có thể bị chèn ép. Nhưng đặc biệt, các diễn biến của nó sau đó còn làm cho các giáo viên và phụ huynh “choáng váng” hơn. Chẳng hạn như sự biến mất một cách không lý do của hai bộ sách trong nhóm các đầu sách của Nxb Giáo dục Việt Nam. Những ai quan tâm vụ việc này thực sự quá ngỡ ngàng… Kỳ quái hơn nữa, theo nhiều tờ báo phản ánh, ông Tổng chủ biên còn đứng chủ đến… 50 đầu sách các loại…
Sự trớ trêu ấy, đương nhiên sẽ tạo ra hậu quả tai hại về chất lượng. Báo chí đã phản ánh nhiều, nhưng không có ai đứng ra giải quyết. Cuối cùng, người chịu thiệt thòi nhất chính là học sinh và phụ huynh nghèo. Đó là những người trực tiếp lãnh đủ cái hậu quả ấy... Sai mà không chịu sửa! Đó là đặc quyền đặc ân đẻ ra từ cách làm xã hội hóa biên soạn SGK trong mấy năm qua. Có người nói đùa đây là kiểu “test kit SGK” mới. Nó nghiêm trọng và tai hại không kém gì vụ “test kit Việt Á”. Nó không gây chết người ngay, nhưng nó âm thầm làm hư hại đến tâm hồn một thế hệ con trẻ và còn nhiều hệ lụy xã hội khôn lường...
Nhiều người hoang mang hỏi nhau: Bộ trưởng cũ thì đi rồi, Bộ trưởng mới chưa kịp tiếp cận. Không biết con em chúng ta còn khổ sở và thiệt thòi đến đâu nữa khi đang là đối tượng thụ hưởng trực tiếp “kết quả” thực hiện xã hội hóa biên soạn SGK kiểu này? Rõ ràng, đã đến lúc Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tìm đúng người có năng lực và có tâm để thực hiện được chủ trương của Đảng và Nhà nước, đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Và các tranh cãi gần đây trên báo chí xung quanh việc dạy chữ P và thư ngỏ của một vị Hiệu trưởng Trường tiểu học gửi Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, là thêm một hồi chuông báo động về sự cần thiết phải thay đổi cách nghĩ, cách làm về xã hội hóa giáo dục nói chung và xã hội hóa biên soạn SGK mới nói riêng.
Tác giả: Nhà văn Hữu Đạt
Nguồn Văn nghệ số 11/2022
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên