Lỗ nặng vì để “người ngoài” kiểm soát khoáng sản
Người dân Congo tin rằng họ đã bị “lỗ nặng” bởi các công ty nước ngoài kiểm soát việc khai thác và chế biến khoáng sản.
Tổng thống Felix Tshisekedi vào năm ngoái đã cáo buộc những người tiền nhiệm của ông đã ký hợp đồng sai lệch với các công ty khai thác mỏ - hầu hết đều là công ty Trung Quốc - và nói rằng ông muốn đàm phán lại với họ.
Chiến dịch của Tổng thống Tshisekedi tiếp tục nhận được sự ủng hộ hiếm hoi từ chính trị gia phe đối lập Adolphe Muzito, người cho biết DRC đã không được lợi nhiều từ các hợp đồng khai thác đã ký với các công ty Trung Quốc.
Ông Muzito từng là Thủ tướng DRC dưới thời chính quyền của Tổng thống Joseph Kabila từ năm 2008 đến năm 2012, và chính trong thời gian này, đất nước đã trao các thỏa thuận lớn đổi khoáng sản lấy cơ sở hạ tầng.
Chính phủ hiện tại cho biết những thỏa thuận đó đã nghiêng về phía các công ty nước ngoài và các chính trị gia ưu tú của Congo.
“Quan hệ đối tác giữa DRC và Trung Quốc… đất nước của tôi không đạt được bất cứ điều gì ngoài thỏa thuận lập nên Sicomines - công ty liên doanh Trung Quốc - Congo để phát triển mỏ đồng và coban”, cựu Thủ tướng Muzito nói về thỏa thuận cơ sở hạ tầng đổi lấy khoáng sản trị giá 6 tỷ USD do chính quyền Kabila ký với các nhà đầu tư Trung Quốc năm 2008.
Thỏa thuận cho phép các công ty Trung Quốc được cung cấp coban và đồng để đổi lấy việc Congo được xây dựng cơ sở hạ tầng.
Việc Trung Quốc gia nhập DRC đã lấp đầy khoảng trống mà phương Tây để lại. “Mặc dù họ gần gũi hơn với chúng ta về mặt lịch sử và địa chính trị. Nhưng những mỏ khoáng sản không nên bị cạn kiệt”, ông Muzito nói với tờ Post.
Điều quan trọng nhất, ông nói, là để DRC nhận được những lợi ích mà nước này xứng đáng.
Cơ sở hạ tầng của Congo đã trở thành đống đổ nát dưới thời cựu độc tài dân tộc Mobutu Sese Seko, sau khi kết thúc chế độ thuộc địa của Bỉ vào năm 1960. Phần lớn những gì còn lại đã bị phá hủy trong cuộc chiến tranh giữa các tiểu bang châu Phi 1998-2003.
Sau nhiều năm bất ổn và dẫn dắt kinh tế sai lầm, nhiều công ty phương Tây đã không phát triển các địa điểm khai thác khoáng sản của họ trong khi những công ty khác thoái vốn khỏi đất nước. Thỏa thuận Sicomines là một yếu tố chính trong chương trình tái thiết sau chiến tranh của ông Kabila cho quốc gia thiếu thốn tiền mặt.
Trong thỏa thuận trị giá 6 tỷ USD, Trung Quốc sẽ sử dụng 3 tỷ USD để đầu tư vào ngành khai thác mỏ và phần còn lại vào cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, các công ty Trung Quốc đã bắt đầu khai thác khoáng sản ngay cả trước khi khoản tiền 3 tỷ USD dùng để xây dựng cơ sở hạ tầng ở DRC được giải ngân, theo ông Muzito.
“Chỉ có 800 triệu USD được giải ngân nhưng vẫn chưa có cơ sở hạ tầng nào xuất hiện. Đây là sự bất công”, ông Muzito nói tại Brussels tuần trước.
Bài toán khó về cân bằng lợi ích
DRC kiểm soát hơn 60% trữ lượng quặng coban của thế giới. Phần lớn trong đó được xuất khẩu sang Trung Quốc để chế biến sản xuất pin ô tô điện, vũ khí, máy móc cũng như thiết bị điện tử.
Ông Muzito nói rằng khi DRC chuyển sang xem xét các hợp đồng khai thác, điều quan trọng là phải đảm bảo đàm phán lại công bằng và minh bạch về mặt pháp lý “để tìm ra một giải pháp công bằng bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư và người dân Congo”.
Một cuộc điều tra gần đây của một tập đoàn toàn cầu về các ấn phẩm truyền thông và các tổ chức phi chính phủ đã phát hiện ra cách các chủ sở hữu người Trung Quốc của một số mỏ đồng và coban được đánh giá cao của Congo đã sử dụng một trong những ngân hàng lớn nhất của châu Phi để chuyển ít nhất 138 triệu USD quỹ công cho gia đình và các cộng sự của cựu Tổng thống Kabila, theo Bloomberg.
DRC cũng đang chịu áp lực từ IMF để “làm rõ các thỏa thuận khai thác sai lệch được cấp cho các công ty nước ngoài” như một điều kiện tiên quyết cho hạn mức tín dụng 1,5 tỷ USD mới.
Tuy nhiên, trong khi DRC khẳng định rằng họ không được hưởng lợi nhiều từ thỏa thuận Sicomines, Trung Quốc cho biết họ đã xây dựng một số dự án ở quốc gia Trung Phi này bất chấp những trở ngại, bao gồm cả việc thiếu điện để khai thác các mỏ.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc năm ngoái đã bảo vệ thỏa thuận này, nói rằng mô hình này không chỉ tăng thu thuế và tạo thêm việc làm ở DRC mà còn cung cấp đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng như đường xá, bệnh viện và trạm thủy điện.
Thoả thuận Sicomines không phải là dự án duy nhất bị nghi ngờ. Công ty khai thác mỏ khổng lồ Molybdenum của Trung Quốc tuần trước cũng đã phải chịu thất bại lớn sau khi một tòa án Congo tạm thời đình chỉ hoạt động của mỏ đồng và coban Tenke Fungurume, trong đó Molybdenum nắm giữ phần lớn cổ phần.
Các công ty Trung Quốc khác hoạt động trong DRC bao gồm Huayou Cobalt, Chengtun Mining, Wanbao và CNMC, hoặc China Nonferrous Metal Mining Corp.
Hoa Kỳ trước đây có lợi ích khai thác khoáng sản đáng kể trong DRC. Freeport-McMoRan đã điều hành dự án TFM trước khi bán 56% cổ phần của mình cho China Moly vào năm 2015, tiếp theo là thương vụ dự án đồng-coban Kisanfu vào năm ngoái. China Moly đã nâng mức nắm giữ TFM lên 80% vào năm 2019.
Tuy nhiên, sự cạnh tranh quyền lực lớn về tài sản khoáng sản của DRC có thể không mang lại lợi ích cho đất nước. “Trâu bò đánh nhau, ruồi muỗi chết. Chúng tôi không muốn DRC phải gánh chịu hậu quả”, ông Muzito nói.
Ông nói thêm rằng: “Bản thân đất nước chúng ta phải có quy trình hệ thống rõ ràng. Chúng ta cần thiết lập các nguồn lực của mình trước khi đưa chúng vào thị trường tư bản - cho dù đó là phương Tây hay phương Đông. Điều quan trọng là chúng ta nhận được những lợi ích xứng đáng của mình trong sự cân bằng quyền lực này”.
Sơn Tùng (Theo SCMP)
Nguồn NB&CL
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên