Mỗi đồng tiền tiết kiệm được do giảm chi thường xuyên, thì đất nước sẽ có thêm một đồng để đầu tư phát triển.
Báo cáo tại buổi làm việc sáng 24/2/2022 giữa Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2019-2021 theo các nghị quyết của Quốc hội cho biết: đã giảm được 3.437 cơ quan ở cấp xã, 429 cơ quan ở cấp huyện; giảm được 706 cán bộ công chức cấp huyện, 9.694 cán bộ cấp xã và 8.448 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Ngoài ra, đã tiết kiệm chi được 2.008 tỷ đồng…
Đây quả là những con số đầy ý nghĩa, tuy còn khiêm tốn. Nền hành chính của ta xưa nay rất cồng kềnh với số người hưởng lương và phụ cấp lên đến gần 11 triệu người, nhưng hiệu quả lại rất thấp. Các cơ quan nhà nước xưa nay vẫn nổi tiếng là “mái nhà yên ấm” để người ta ẩn náu rồi “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” và “chẳng ai sống được bằng lương biên chế nhưng ai cũng cố sống cố chết chạy vào biên chế”.
Nạn “tham nhũng vặt, tiêu cực vặt, hối lộ vặt” diễn ra ở khắp các cửa từ thôn trở lên. Cán bộ công chức quá đông dẫn đến tình trạng chi thường xuyên hàng năm ngốn gần hết ngân sách, thậm chí bội chi. Không biết bao nhiêu lần từ Quốc hội đến Chính phủ đã phải ra tay cắt giảm biên chế nhưng hiệu quả không được bao nhiêu.
Nay chỉ trong ba năm, chúng ta đã giảm được hàng ngàn cơ quan với cả chục ngàn cán bộ. Việc đó chắc chắn sẽ làm mất lòng rất nhiều người vì bị ảnh hưởng đến quyền lợi. Nhưng không sao, vì sự phát triển của đất nước, không thể không làm.
Hơn hai ngàn tỷ tiết kiệm được do giảm chi, con số tuy không lớn so với ngân sách, nhưng dùng nó để đầu tư vào những địa phương nghèo, thì lại rất có ý nghĩa. Nếu cứ tính mỗi cái cầu để thay thế cho cầu khỉ ở đồng bằng sông Cửu Long và để có một cây cầu thay cho sợi dây đu qua suối có giá 1 tỷ đồng, thì có lẽ với hơn hai ngàn tỷ ấy, sẽ xóa được triệt để cầu khỉ và dây đu trên toàn quốc.
Còn nếu cứ tính bình quân mỗi ngôi trường ở một xã vùng cao xây dựng hết 10 tỷ đồng, thì với số tiền đó, sẽ xây được 200 ngôi trường kiên cố cho 200 xã. Hoặc nếu dùng để làm đường, thì sẽ được hàng trăm km đường bê tông…
Tục ngữ có câu “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Đất nước còn nghèo, nguồn thu còn hạn chế, năng suất lao động chưa cao, nợ nước ngoài còn lớn. Nhưng với những gì đang có trong tay, nếu biết tính toán, chi tiêu tiết kiệm, hợp lý, thì vẫn phát triển được. Bởi vì mỗi đồng tiền tiết kiệm được do giảm chi thường xuyên, thì đất nước sẽ có thêm một đồng để đầu tư phát triển.
Theo Vũ Hữu Sự/NNVN
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên