Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay vẫn còn nhiều nơi chạy theo thành tích trong thi cử, trong đó chạy đua theo kỳ thi học sinh giỏi là minh chứng điển hình. Vì vậy, nên bỏ kỳ thi học sinh giỏi các cấp để tránh “di căn” sang chương trình giáo dục mới đang triển khai hiện nay.
Thi học sinh giỏi là tác nhân gây bệnh thành tích
Nhiều chuyên gia đã thẳng thắn chỉ ra một trong những bất cập của nền giáo dục nước nhà là học sinh bậc phổ thông vẫn còn tình trạng học nhồi nhét kiến thức, chạy theo thi cử, thành tích dẫn đến học lệch, học chuyên sâu một môn học khi còn quá sớm. Điển hình cho mặt trái đó chính là nỗ lực ôn luyện để tham gia kỳ thi học sinh giỏi các cấp.
Trao đổi với Lao Động về vấn đề này, GS.TS Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam - cho rằng, cách thi đơn môn, học lệch, học tủ sẽ không đánh giá được con người toàn diện, trong khi đó mục tiêu giáo dục phổ thông mới là phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực người học. Theo GS Dong, học sinh phổ thông học thực chất giỏi là tốt, nhưng phải gắn giỏi với thực tiễn, gắn vào lao động sản xuất chứ không dừng lại học để thi.
“Việc thi cử đã thành nếp nên khó sửa. Báo cáo hằng năm có bao nhiêu học sinh giỏi cấp tỉnh, bao nhiêu cấp huyện nhưng thực chất những giải thưởng đó không giải quyết được vấn đề gì. Thi học sinh giỏi chính là một tác nhân gây bệnh thành tích, đang "gặm nhấm" giáo dục.
Vì muốn thi giải cao thì phải luyện gà nòi, muốn có học sinh giỏi thì phải chọn học sinh, tổ chức lớp, chọn giáo viên, luyện thi tốn rất nhiều thời gian và công sức. Chưa kể, khi mang về danh hiệu học sinh giỏi các cấp, học sinh có lao động giỏi, có thành chuyên gia thực thụ ở các lĩnh vực không hay chỉ học để phục vụ một kỳ thi?" - GS Dong nêu quan điểm.
Nên bỏ ngay kỳ thi học sinh giỏi
Nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Phạm Tất Dong cho rằng, muốn duy trì danh hiệu học sinh giỏi phải có tiêu chuẩn và tiêu chuẩn đó cần gắn liền với đời sống, không chỉ giỏi trên giấy tờ.
"Học phải đi đôi với hành. Học chỉ để đi thi lấy giải thì đó là hư danh, không giải quyết được vấn đề gì"- GS Dong nói.
Trước thực trạng nhiều giáo viên, học sinh không còn mặn mà với việc thi học sinh giỏi, thậm chí xem đó là gánh nặng và chuyển hóa thành áp lực dai dẳng, thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội) cho rằng, nên bỏ kỳ thi học sinh giỏi các cấp càng sớm càng tốt để khỏi “di căn” sang chương trình giáo dục mới đang triển khai hiện nay.
Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, học sinh học trực tuyến đến 2/3 năm học, việc thi học sinh giỏi chắc chắn không đạt chất lượng cao, gây áp lực cho giáo viên, học sinh và phụ huynh.
"Thời điểm này chỉ cần các trường tập trung cho hoạt động dạy và học chính khóa, nếu tiếp tục tổ chức kỳ thi học sinh giỏi rất áp lực, vất vả cho thầy và trò" - thầy Khang nói.
Có nhiều cách để khuyến khích, động viên học sinh
Trước ý kiến cho rằng, cuộc thi học sinh giỏi là động lực để học sinh phấn đấu, GS.TS Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam - cho hay, có rất nhiều hình thức để cổ vũ, tạo động lực cho học sinh phấn đấu, gắn "học đi đôi với hành". Ví dụ, tài trợ các gói học bổng cho học sinh đạt kết quả xuất sắc, giải thưởng lớn cho học sinh có nhiều sáng kiến, đóng góp cho xã hội.
"Hội Khuyến học hiện nay cũng đang triển khai. Nếu học sinh học tập tốt, lao động tốt, được công nhận là học sinh tích cực trong các phong trào của học sinh, Hội Khuyến học sẽ có phần thưởng rất lớn. Đây có thể là hình thức thay thế cho danh hiệu giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có thể ưu tiên những học sinh có nhiều thành tích trong học tập và tu dưỡng đạo đức, sau khi tốt nghiệp lớp 12 sẽ được đưa vào đào tạo và giữ lại làm việc, đó cũng là chính sách thúc đẩy học sinh học tập và rèn luyện, gắn học với hành, xóa bỏ tư tưởng học để đi thi" - GS Dong nhấn mạnh.
Theo Thiều Trang-Tường Vân/Lao động
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên