Chúng ta phải trả giá vì băm nát quy hoạch, nhưng ai là “ chúng ta”?

Thứ tư - 18/05/2022 16:33
Thủ đô: mỗi năm thêm “cả huyện người”, tốc độ phương tiện cá nhân tăng ở mức “hai con số”, chung cư nhồi nhét, tăng gấp 4 lần sau 10 năm. Liệu có khi nào không phải chỉ ùn tắc khắp nơi - mà đến thở cũng là xa xỉ?
111
Một đôi mắt đầy biểu cảm của những nạn nhân ùn tắc trên đường Lê Văn Lương. Ảnh: Tạ Quang

Bức ảnh được Báo Lao Động ghi lại trên đường Lê Văn Lương, Hà Nội. Một khuôn mặt thẫn thờ, vô hồn, cam chịu và bất lực của một người dân - như chính chúng ta. Dường như sự bất lực có sức mạnh biểu cảm hơn nhiều so với một bức ảnh nghìn nghịt chen chúc ùn ứ.

Đường Lê Văn Lương thì... huyền thoại rồi. Đoạn từ nút giao Láng đến Hoàng Minh Giám dài có 1km, nhưng đang phải cõng đến 40 toà chung cư... biến nó trở thành con đường khổ nạn ùn tắc bậc nhất Thủ đô.

Có một thống kê từng được CBRE Việt Nam công bố rằng, chỉ sau 10 năm, số lượng căn hộ chung cư ở Thủ đô đã tăng gấp 4 lần.

Dân số Hà Nội tăng bình quân mỗi năm khoảng 200.000 người, tương đương với “một huyện lớn”.

Còn tốc độ tăng của phương tiện cá nhân là khoảng: 10,2%/năm với ô tô và khoảng 6,7% với xe máy.

Trong khi đó, diện tích đất dành cho giao thông/diện tích xây dựng đô thị tại Thủ đô tăng chỉ khoảng 0,3%.

Những con số vô lý và khập khiễng như một hàm răng vẩu. Một vị chủ tịch thành phố từng bày tỏ băn khoăn: Có những khu đất chỉ 5-7 ha nhưng bị “băm” ra cho 2-3 chủ đầu tư… làm quy hoạch theo kiểu đấy thì không bao giờ tốt được.

Kiểu đấy là kiểu gì? Chính vị chủ tịch này sau đó đã tự trả lời: Là kiểu “quy hoạch băm nát Hà Nội” mà giờ chúng ta phải trả giá.

Chúng ta/ nhân dân phải trả giá thì đúng rồi! Ở những khuôn mặt thẫn thờ, bất lực trong ùn tắc, ở khắp Thủ đô. Trong những cơn trầm uất, những nỗi ác mộng chôn chân hàng tiếng đồng hồ, hằng ngày.

Nhưng ai là chúng ta đã làm quy hoạch băm nát Thủ đô?!

Hơn 10 năm trước, khi toà nhà chọc trời Keangnam còn chưa khánh thành, một kiến trúc sư đã “tiên đoán” rằng: Keangnam sẽ biến đường vành đai 3 trở thành đường nội bộ.

Sau 10 năm, vành đai 3 giờ đây như một con đường độc đạo giữa “rừng chung cư” với cả 4 điểm giao đều ùn tắc. Và tương lai, còn khủng khiếp nữa khi đồ án thiết kế đô thị hai bên đường vành đai 3, đoạn Khuất Duy Tiến - Nguyễn Xiển thậm chí cho phép xây thêm các cao ốc 50 tầng để tạo... điểm nhấn.

Dường như đã đến lúc Thủ đô phải “siết cao ốc” rồi. Và đầu tiên cần siết bằng cách chỉ ra và ràng buộc trách nhiệm những “chúng ta” đã quy hoạch băm nát Thủ đô, những “chúng ta” vẫn cấp phép xây dựng, nhồi nhét cao ốc, kể cả trong nội thành, kể cả khi có lệnh cấm.
 

Theo Anh Đào/Lao động

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây