Giá trị của tư duy sử học

Thứ tư - 04/05/2022 11:14

Sử học là một trong những phân môn của khoa học xã hội và nhân văn đem lại những LỢI ÍCH VỀ TƯ DUY, nhưng trong nhiều thập kỷ qua môn sử học không được đưa vào trong nhà trường, thay vào đó là một biến tướng sai lạc của nó: môn lịch sử.

Sử học là gì? Có thể nói một cách ngắn gọn, sử học là khoa học về lịch sử, hay cao hơn là khoa học về nhận thức lịch sử. Lịch sử là toàn bộ những sự kiện đã xảy ra trong quá khứ, nhưng không ai dám chắc chắn và khẳng định rằng mình có thể nhận thức được đúng đắn toàn bộ về nó. Cái lịch sử mà chúng ta biết đến chỉ là những kết quả sau những chuỗi dài của hoạt động nhận thức, trong đó không tránh khỏi có sự chủ quan, phiến diện, nếu không muốn nói có khi là sai lầm. Sai lầm trong nhận thức lịch sử được tạo nên bởi nhiều nguyên nhân. Có thể là sai lầm khi ta chỉ có một số dữ liệu giả tạo, hoặc trầm trọng hơn, là sai lầm về mặt phương pháp luận và mục đích luận. Sai lầm về phương pháp luận là sai lầm về mặt tư duy, còn sai lầm do mục đích luận là sai lầm về đạo đức khoa học. Để tránh sai lầm trong nhận thức lịch sử, người làm sử học tuyệt đối không được mang trong mình một một đích nào khác ngoài mục đích thuần túy duy nhất là NHẬN THỨC LỊCH SỬ. Khi biện hộ rằng vì có lợi cho mục đích dân sinh, có lợi cho mục đích chính trị mà ta phải chứng minh một dữ kiện lịch sử nào đó, thì việc chứng minh ấy đã tiềm ẩn sẵn nguy cơ bị thiên lệch, không đúng với thực tế.

Sử học là một khoa học xử lý các nguồn sử liệu để đưa ra nhận thức trung thực về lịch sử, nằm ngoài những định kiến tô hồng hay bôi xấu, nằm ngoài những mục đích có trước, và nằm ngoài những nhiệm vụ chính trị. Người làm sử học phải là người thao tác tư duy trên cơ sở giám định và giải độc sử liệu. Vì thế, lịch sử – với tư cách là cái được tái hiện bởi nhà sử học- không phải là một cái gì bất biến, cố định, vĩnh hằng, mà chỉ là những sử thực tương đối. Ở thời điểm nhất định, với những tư liệu nhất định, chúng ta chỉ có thể nhận thức lịch sử ở mức độ nhất định. Nhưng nếu như có những phát hiện mới về sử liệu, và những sử liệu ấy được xử lý bằng phương pháp mới, góc nhìn mới, thì chúng ta sẽ có nhận thức mới.

Nhận thức là một quá trình tiệm cận đến lịch sử. Và sử học thực chất là một trò chơi trí tuệ để tăng trưởng tư duy về lịch sử (cái đã qua) và quan trọng hơn cả là để tăng trưởng sự tự tư duy về cuộc sống hiện tại với tư cách mỗi cá nhân là tác nhân hay nạn nhân của lịch sử. Như thế lịch sử như là một trang sách để ngỏ, mà nhà sử học là người tái dựng nó từ những gì còn sót lại. Cho nên, một triết gia phương Tây đã từng thốt lên rằng: sử học là cuộc chơi của những người đang sống đối với những người đã chết!

Khác với các môn khoa học tự nhiên như toán học, sinh học,…, thì sử học với tư cách là bộ môn khoa học về lịch sử đã không được đưa vào trong nhà trường trong nhiều thập kỷ qua, thay vào đó là môn lịch sử. Sở dĩ có hiện tượng như vậy là bởi chúng ta đã không coi lịch sử như là sản phẩm của quá trình tư duy, nhận thức về lịch sử. Những kiến thức lịch sử trong nhà trường được giảng dạy với tư cách nó là những chân lý tuyệt đối, những sự thực bất di bất dịch, bất khả xâm phạm. Và “môn lịch sử” không hề chỉ dẫn cho học sinh biết phải làm như thế nào để tự nhận thức về lịch sử, cũng như nhận thức về cuộc sống hiện tại, mà nó biến học sinh thành những cỗ máy học thuộc lòng với những sự kiện cụ thể, những mốc thời gian của lịch sử chính trị được hoạch định và được cố định bởi các nhà giáo dục.

Mặt khác, các sách giáo khoa được giảng dạy trong hệ thống nhà trường hiện nay chủ yếu là viết về lịch sử chính trị- kinh tế. Điều này đã dẫn đến nhiều bất cập. Nó khiến cho học sinh hiểu phiến diện về mục đích và đối tượng của sử học, đồng nhất lịch sử với lịch sử chính trị, lịch sử chiến tranh. Các kiến thức được nêu trong sách giáo khoa được giảng dạy và được mặc nhận như là những chân lý, những sự thực bất di bất dịch, không thể sửa đổi. Từ đó dẫn đến hệ quả quan trọng thứ ba, là cách giảng dạy lịch sử một chiều, khô khan, áp đặt. Nó biến lịch sử trở thành một môn học thuộc lòng các sự kiện lịch sử, khiến tư duy của học sinh bị xơ cứng, và quan trọng nhất là không có nhận thức bản thân và tư duy của bản thân, cũng như quan điểm của bản thân các em về lịch sử.

Trước tình hình trên, cần biên soạn lại hệ thống sách giáo khoa lịch sử theo một phương thức mới, để giúp học sinh cũng như xã hội hiểu thêm về khoa học lịch sử và quan trọng nhất là tư duy lịch sử. Trong đó, mỗi một bài học phải trình bày đủ cơ cấu lịch sử- văn hóa. Trong đó, chính trị (triều đại, thể chế, kinh thế, thành phần xã hội,…) chỉ là một nửa, chiếm dưới 50% dung lượng bài giảng. Còn lại trên 50% là lịch sử văn hóa (về cách lĩnh vực sâu hơn như: lịch sử ngôn ngữ- văn học, lịch sử nghệ thuật, lịch sử tôn giáo, lịch sử khoa học, lịch sử văn minh vật chất…). Sách phải đảm bảo tính đa dạng lịch sử và tính đa dạng văn hóa theo tiêu chí tộc người. Lịch sử không chỉ là lịch sử của người Việt, mà còn là lịch sử của 53 dân tộc anh em khác. Các nhận định và tri thức lịch sử đều phải dựa trên sử liệu gốc. Các tri thức về lịch sử văn hóa luôn phải đặt HIỆN VẬT KHẢO CỔ lên hàng đầu. Quan trọng nhất, lịch sử cần được trình bày như là những tri thức còn bỏ ngỏ, chưa được giải mã, cần được tìm hiểu, để kích thích tư duy phán đoán, và óc suy luận của học sinh.

Tất cả những thay đổi trên sẽ góp phần đưa môn sử học vào nhà trường, biến sử học trở thành một môn học sống động, rèn luyện về sự độc lập trong tư duy. Bởi tư duy độc lập sẽ là xung lực để tạo nên sự phát triển xã hội!

Một ví dụ về nhận thức sử học dưới tác động của mục đích chính trị là nhận thức về phong trào Tây Sơn. Với chủ ý muốn đề cao nhân dân, sức mạnh của nhân dân, chúng ta đã chứng minh rằng quân Tây Sơn với những chiến công lẫy lừng của họ là một biểu hiện sống động cho cuộc chiến tranh nhân dân, và đại diện tiêu biểu của phong trào đó là người “anh hùng áo vải cờ đào”- Quang Trung Nguyễn Huệ. Ngay hình ảnh “áo vải cờ đào” cũng đã được sử dụng như một thủ pháp ở đây? Đoạn trên vốn được trích từ bài “Ai tư vãn” tương truyền của công chúa Lê Ngọc Hân dùng để khóc chồng: “mà nay áo vải cờ đào, giúp dân dựng nước xiết bao công trình”. Những lời ai điếu theo kiểu “cái quan định luận” như vậy hẳn không phải là không có cơ sở, nhưng các chữ “áo vải” đã được đời sau đặt thành phương trình “áo vải = nông dân” thì cần phải xem xét lại khi so sánh với những sử liệu hữu quan. Mặt khác, việc Quang Trung ra Bắc với mục đích “phò Lê diệt Trịnh” cũng cần giải mã rằng đây là một thao tác chính trị. Chúng ta sẽ hiểu điều này hơn khi đọc nhiều văn bản địa phương tại miền Bắc, với danh từ “Tây tặc” để miêu tả tình trạng phá chùa, lấy chuông đồng đúc súng.
Chúng ta có xu hướng không chấp nhận những góc nhìn khác về Nguyễn Huệ, được phản ánh qua nhiều tư liệu, trong đó điển hình như “Tây Sơn hành” mới được phát hiện, là bài thơ của tiến sĩ Trần Danh Án1. Mặc dù đối với giới nghiên cứu lịch sử, và nghiên cứu văn học thì đây hẳn là một tư liệu vô cùng đặc sắc, nó gợi mở những câu hỏi mới, những góc nhìn mới về một giai đoạn quan trọng của lịch sử Việt Nam, nhưng cho đến nay chưa có một nghiên cứu nào dám đề cập về bài thơ này trên các tạp chí khoa học.
Mặt khác, chúng ta đã an nhiên bỏ qua những mâu thuẫn nội bộ trong anh em nhà Tây Sơn từ việc chia chiến lợi phẩm, cũng như ân oán cá nhân được ghi chép trong sử sách như đoạn trích dưới đây: “Nhạc đã đắc chí, ngày càng dâm ô, bạo ngược, giết Nguyễn Thung, lại thông dâm với vợ Huệ, người đều chê là xấu. Việc đi xâm lấn miền Bắc, của báu ở phủ chúa Trịnh, về cả tay Huệ, Nhạc đòi không cho. Huệ muốn lấy cả đất Quảng Nam, Nhạc cũng không cho, mới thành ra cừu thù hiềm khích nhau. Huệ bèn truyền hịch kể tội ác của Nhạc, đến nỗi bảo Nhạc là giống sài lang chó lợn”2. Chúng ta chưa biết những ghi chép trên (nhất là việc Nguyễn Nhạc thông dâm với em dâu) có phải là sự thực, hay đó là sự bôi bác, thêu dệt của sử quan triều Nguyễn sau này. Nhưng nếu như có được một sử liệu khách quan khác thì hẳn là những ghi chép trên không phải là không có cơ sở3.

 

Tác giả: Trần Trọng Dương
Báo Văn nghệ

Bài thơ được chép trong ba văn bản Tản Ông di cảo (散翁遺稿 ký hiệu A.2157), Thù thế danh thư 酬世名書 ký hiệu VHv.2239 và cuốn Danh nhân văn tập 名人文集 ký hiệu VHv.2432), kho sách Viện NC Hán Nôm. Có thể tìm kiếm một số bản dịch trên mạng.

2 Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Ðại Nam Liệt Truyện tập II (Ngô Hữu Tạo, Ðỗ Mộng Khương dịch) (1997) Nxb Thuận Hoá. Huế. tr. 531-532.

Hoàng Xuân Hãn, “Thống Nhất Thời Xưa”, trong La Sơn Yên Hồ- Hoàng Xuân Hãn tập II (1998). Nxb. Giáo dục. Hà Nội. tr. 1375

Nguồn Tia Sáng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây