Lịch sử không còn là môn học bắt buộc ở bậc phổ thông, mà trở thành một môn học được đưa ra để học sinh chọn lựa theo sở thích.
Lịch sử không còn là môn học bắt buộc ở bậc phổ thông, mà trở thành một môn học được đưa ra để học sinh chọn lựa theo sở thích. Cách phân loại và gợi ý có vẻ thờ ơ với môn Lịch sử của ngành giáo dục, thực sự khiến cộng đồng không khỏi băn khoăn.
Theo giải thích của những người biên soạn chương trình giáo dục phổ thông thì những nội dung cơ bản ở môn Lịch sử đã được hoàn thành giảng dạy từ lớp 1 đến lớp 9. Cho nên, bước vào lớp 10 thì học sinh có thể lựa chọn môn Lịch sử để học thêm. Lý do mà ngành giáo dục nhấn mạnh là cấp trung học phổ thông được thiết kế theo hướng phân hóa, và môn Lịch sử có nội dung chuyên sâu, chỉ giúp định hướng học ngành khoa học xã hội và nhân văn tiếp cận nghề nghiệp tương lai.
Từ năm học 2022 - 2023, học sinh lớp 10 trên toàn quốc có bảy môn bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh, hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, giáo dục địa phương. Môn Lịch sử, nếu không có học sinh đăng ký, thì đội ngũ giáo viên dạy sử xem như thất nghiệp. Liệu có xảy ra tình huống thật như đùa, là có huyện nào đó sẽ tập hợp học sinh chọn lựa học môn Lịch sử từ các trường trung học phổ thông trên địa bàn, để tổ chức một lớp học riêng không?
Thực tế, môn Lịch sử quan trọng không hề thua kém môn ngữ văn. Xưa nay, quan niệm “văn sử bất phân” vẫn tồn tại. Môn Lịch sử và môn Ngữ văn luôn bổ sung cho nhau trong quá trình hình thành tri thức và bồi đắp nhân cách của mỗi con người. Lẽ ra, phải xây dựng nội dung môn Lịch sử song song với môn Ngữ văn, thì ngành giáo dục lại có phương pháp “nhất bên trọng, nhất bên khinh” rất trớ trêu.
Vì sao môn Lịch sử bị đưa xuống hàng thứ yếu? Vì sao học sinh tỏ vẻ sợ sệt môn Lịch sử? Lỗi không phải do môn Lịch sử, mà do sách giáo khoa môn Lịch sử và cách giảng dạy môn Lịch sử. Môn Lịch sử toàn những thông tin khô khan, dày đặc số liệu và yêu cầu học thuộc lòng thì dĩ nhiên học sinh chán ngán. Lịch sử Việt Nam nói riêng và lịch sử nhân loại nói chung, đều có những câu chuyện cực kỳ hấp dẫn và bổ ích, nếu biết khai thác để đưa vào từng tiết học.
Trên nhiều diễn đàn, đã có không ít lời ca thán người Việt ít am tường lịch sử nước nhà. Để cải thiện thực trạng ấy cần phải cải tiến môn Lịch sử. Vậy mà, bây giờ, lại đẩy môn Lịch sử vào hoàn cảnh bi đát hơn.
Môn Lịch sử không thể dạy và học theo kiểu đọc và chép. Trong điều kiện công nghệ hiện nay, đã cho phép giáo viên có thể cung cấp những hình ảnh, những đoạn phim sống động để kích thích học sinh đam mê học lịch sử. Hơn nữa, hệ thống bảo tàng và các địa chỉ văn hóa lịch sử cũng hỗ trợ rất nhiều cho những tiết học lịch sử. Ngành giáo dục đã không cân nhắc trưng dụng những yếu tố tích cực của xã hội cho môn Lịch sử, thì làm sao đào tạo thế hệ mới theo tiêu chí “dân ta phải biết sử ta”?
Theo Lê Thiếu Nhơn/NNVN
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên