Việc tỉnh Bình Phước “khăng khăng” hết lần này đến lần khác muốn xây cầu, làm đường xuyên qua Khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Đồng Nai bất chấp sự từ chối của “chính chủ”, bất chấp những phân tích về việc không đánh đổi môi trường... khiến nhiều người cảm thấy khó hiểu.
Chỉ có thể lý giải rằng có lẽ môi trường với Bình Phước vẫn bao hàm yếu tố địa giới hành chính. Nghĩa là Khu dự trữ sinh quyển ở Đồng Nai, nên có làm gì thì môi trường của Đồng Nai bị ảnh hưởng chứ Bình Phước chẳng liên quan? Nếu thực sự như vậy thì không chỉ lầm lẫn, mà còn rất nguy hiểm khi hoạch định các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội theo xu hướng phát triển bền vững hiện nay.
Hơn 1 thập kỷ qua, thuật ngữ “thế giới phẳng” đã trở nên quen thuộc, để nói về sự phát triển toàn cầu hóa biến thế giới bị chia cắt về địa lý, lịch sử vẫn trở thành một sân chơi bình đẳng về kinh tế, thương mại cho tất cả quốc gia, thậm chí cá nhân. Nhìn từ góc độ môi trường, thế giới còn “phẳng” hơn nữa. Không chỉ tỉnh này với tỉnh khác, không chỉ gói gọn trong một quốc gia mà trên toàn cầu, môi trường không có biên giới về địa lý. Hành vi hay sự cố của quốc gia này có thể gây ảnh hưởng trực tiếp tới quốc gia khác.
Cuối tháng 9.2019, không khí TP.HCM ô nhiễm nặng và có hiện tượng mù dày đặc. Sau đó, một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do ảnh hưởng của cháy rừng tại Indonesia. Mấy năm nay, các nước vùng hạ nguồn, trong đó có VN với vùng ĐBSCL, khốn khổ do các đập thủy điện của Trung Quốc, Lào ở thượng nguồn sông Mê Kông xả nước bất thường dẫn tới thiếu phù sa gây nguy cơ sạt lở, mất nhà cửa, tài sản, đe dọa tính mạng người dân. Chưa kể việc tích nước mùa lũ làm biến mất mùa lũ, biến mất nguồn thủy sản tự nhiên, đất đai bạc màu, sinh kế của cư dân vùng hạ nguồn ngày càng khó khăn. Tương tự, ngành thủy sản của VN bị Ủy ban Châu Âu (EC) rút thẻ phạt (IUU) suốt 5 năm nay vì không tuân thủ Quy định chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo. Một trong những lý do mà EC đưa ra là vì tình trạng đánh bắt quá đà ở một vùng biển có thể ảnh hưởng hệ sinh thái của các vùng biển khác, qua đó tác động đến nguồn lợi thủy sản của khu vực...
Có thể nói, môi trường là vấn đề cấp bách và quan trọng hàng đầu với hầu hết các quốc gia. Biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng với các hiện tượng thời tiết cực đoan, tình trạng nước biển dâng cao, nhiệt độ trái đất tăng lên gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, đến sự phát triển bền vững, thậm chí đe dọa tồn vong của nhiều quốc gia.
Để giảm thiểu những tác hại của tình trạng trên, tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của LHQ (UNFCCC COP) hằng năm, hơn 100 quốc gia, trong đó có VN, đã cam kết về giảm phát thải khí metan; về rừng và sử dụng đất, về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch. Phát biểu tại UNFCCC COP 26 vào năm ngoái, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và mọi người dân.
Trong bức tranh tổng thể về môi trường trong nước và cam kết của VN với tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu như trên, rất khó để biện minh cho đề xuất hy sinh rừng đặc chủng, khu dự trữ sinh quyển lớn nhất phía nam để làm cầu, xây đường phục vụ mục đích kinh tế.
Theo Nguyên Khanh/Thanh niên
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên