Doanh nghiệp mua đất theo hình thức trả góp?

Thứ sáu - 15/04/2022 09:06

Từ sự bất thường của doanh nghiệp xin mua đất trả góp, một lần nữa phải nhìn lại thực trạng các doanh nghiệp địa ốc hoạt động theo kiểu 'mượn đầu heo nấu cháo'.

Nhiều cơ quan chuyên môn tại TP. HCM đã phải ngồi lại với nhau để bàn bạc về một câu chuyện chưa có tiền lệ, là có chấp thuận cho doanh nghiệp mua đất theo hình thức trả góp hay không?

Cụ thể, Công ty Cổ phần Dream Republic và Công ty Cổ phần Sheen Mega là hai doanh nghiệp trúng đấu giá khu đất ở Thủ Thiêm vào tháng 12/2021, có văn bản xin kéo dài thời gian nộp tiền trúng đấu giá đất và các khoản phí liên quan, bao gồm tiền phạt chậm nộp đến tháng 9/2022. Lộ trình trả góp được hai doanh nghiệp này đề nghị, tháng 4 sẽ nộp 15% tổng số tiền, các tháng 5, 6, 7, 8 mỗi tháng nộp 17% và tháng 9/2022 sẽ thanh toán toàn bộ số tiền còn lại.

Tất nhiên, hình thức trả góp không được quy định trong Luật Đấu giá cũng như Luật Đất đai, nên Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM buộc phải ban hành tối hậu thư, nếu ngày 6/7 tức là tròn 180 ngày sau khi hoàn thành thủ tục trúng đấu giá, nếu Công ty Cổ phần Dream Republic và Công ty Cổ phần Sheen Mega vẫn không nộp đủ tiền thì sẽ hủy quyết định công nhận kết quả đấu giá quyền sử dụng đất.

Hai doanh nghiệp mua đất theo hình thức trả góp cũng liên quan trong phiên đấu giá đất Thủ Thiêm mà đơn vị trả giá cao nhất lên đến 2,4 tỷ đồng/m2 nhưng rồi lại có “tâm thư” xin bỏ cọc. Rõ ràng, năng lực tài chính thực sự của doanh nghiệp và giá đất bị thao túng lên mức ngất ngưởng, đang đặt ra nhiều âu lo cho xã hội.

Một khi doanh nghiệp mạnh tay tham gia đấu giá đất rồi xin trả góp, dẫn đến không ít hệ lụy. Không đủ tiền để trả cho Nhà nước, thì doanh nghiệp lấy đâu ra tiền để triển khai dự án trên mảnh đất đã trúng đấu giá. Như vậy, tài nguyên đất sẽ không được sử dụng hợp lý và chiến lược quy hoạch phát triển đô thị cũng sẽ bị manh mún và đình trệ.

Từ sự bất thường của doanh nghiệp xin mua đất trả góp, một lần nữa phải nhìn lại thực trạng các doanh nghiệp địa ốc hoạt động theo kiểu “mượn đầu heo nấu cháo”. Họ không có năng lực tài chính lẫn năng lực thi công, nhưng vẫn tranh thủ xin dự án để “đắp chiếu” chờ thời cơ bán lại kiếm lời. Đồng thời, cũng có doanh nghiệp chỉ xin dự án để “cầm cố” cho ngân hàng hòng vay tiền sử dụng vào mục đích khác, đẩy hàng ngàn người dân mong chờ chốn an cư phải vào hoàn cảnh dở khóc dở mếu.

Thị trường bất động sản nhiều năm qua tồn tại trong sự bất ổn của hành động “thổi giá” và chi phối bởi những doanh nghiệp địa ốc. Nguồn quỹ đất xây dựng ngày càng thu hẹp và cán cân cung - cầu càng trở nên bấp bênh. Vì vậy, đã đến lúc cần có biện pháp chấn chỉnh hữu hiệu hơn. Thứ nhất, nên có cơ chế thẩm định kỹ lưỡng, doanh nghiệp không đủ năng lực thì nhất định không được phép tham gia đấu giá để “thổi giá” rồi xin bỏ cọc hoặc xin trả góp làm xáo trộn thị trường. Thứ hai, nên thường xuyên kiểm tra và giám sát, để kịp thời thu hồi những dự án không có khả năng thực hiện, tránh đất đai bị hoang phí.

 

Theo Lê Thiếu Nhơn/NNVN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây