Lê nin căn dặn báo chí: "Hãy nói chính trị ít hơn..."

Thứ năm - 21/04/2022 17:30
Nhân kỉ niệm 152 năm ngày sinh của Lê nin vĩ đại (22/4/1870-22/4/2022), hãy cùng nhau ôn lại những lời dạy của Người về báo chí. Đó là vào năm 1918, tức là một năm sau Cách mạng tháng Mười Nga thành công, Lê nin đã có bài “BÀN VỀ TÍNH CHẤT BÁO CHÍ CỦA CHÚNG TA”. Bài viết được đăng trên báo Sự thật ngày 20/9/1918 và được đăng trong Lê nin toàn tập tập 37, từ trang 106 đến 109.
111
Ảnh minh họa: internet
Trong bài viết này, Lê nin đã 3 lần nhắc nhở báo chí Xô Viết lúc đó hãy “bớt nói về chính trị” mà “hãy nói về kinh tế nhiều hơn”. Mở đầu bài báo, người viết: “Chúng ta dành quá nhiều chỗ để cổ động chính trị về những chủ đề cũ, tức là nói huyên thuyên về chính trị. Còn về việc xây dựng đời sống mới, về những sự việc luôn xảy ra trong lĩnh vực đó, thì lại nói đến quá ít”. Tiếp đó, Lê nin phê bình các báo viết dài “không viết  20-10 dòng thôi, mà lại viết 200-400 dòng” về những hành vi phản bội của bọn men sê vich, về những hành vi xâm lược của đế quốc Anh, Nhật khi đó cùng những mâu thuẫn nội bộ giữa Đức - Mĩ... Lê nin cho rằng những vấn đề gọi là chính trị như trên, thì “không cần phải viết những bài báo, cũng không cần lập lại những luận điệu cũ; chỉ cần viết một vài dòng, bằng một thể văn điện tín để đả kích những biểu hiện mới của một chính sách cũ, đã từng biết, đã từng được đánh giá rồi”. Lê nin chỉ ra rằng: Báo chí tư sản không nói về tình hình nội bộ các nhà máy công xưởng, nơi có người làm chủ và có người làm thuê và báo chí Xô viết cần phải thay đổi thói quen này.

Trước khi nêu những nội dung mà báo chí Xô viết cần phản ánh, Lê nin một lần nữa nhắc nhở: “ Hãy nói chính trị ít hơn. Chính trị đã hoàn toàn sáng tỏ rồi, và quy thành đấu tranh giữa hai phe: giai cấp vô sản đã nổi dậy và một nhúm tên tư bản chủ nô. Tôi nhắc lại rằng, về cái chính trị đó, ta có thể và cần phải nói rất ngắn gọn.”  Và Người dặn: “hãy nói về kinh tế nhiều hơn. Nhưng không nên nói về kinh tế theo cái kiểu những nghị luận chung chung, những bài nghiên cứu uyên bác, những kế hoạch của trí thức và những chuyện nhảm nhí khác- tiếc rằng tất cả những thứ đó cũng thường chỉ là những chuyện nhảm nhí mà thôi. Không. Kinh tế cần cho chúng ta, trên cái nghĩa là chúng ta cần thu thập, kiểm tra tỉ mỉ và nghiên cứu những sự kiện trong xây dựng thật sự đời sống mới... Những thành tựu đó là gì? Những thành tựu đó đã được xác nhận chưa? Hay những thành tựu đó lại là những chuyện bịa đặt, khoác lác, hứa hẹn kiểu trí thức: tình hình đang được ổn định, chúng ta đã bắt tay vào việc, rõ ràng đã có những cải thiện và những lời lừa bịp khác kiểu đó, mà chúng ta rất thiện nghệ”. Tiếp đó, Lê nin chỉ ra cho báo chí sự cần thiết của tính chân thực, nhất là tính phê bình phản biện của báo chí: “Đâu rồi cái bảng đen ghi những công xưởng lạc hậu, sau khi quốc hữu hóa vẫn còn là những kiểu mẫu về sự hỗn loạn, bẩn thỉu, du đãng, ăn hại, những bảng đen đó đâu? Không có. Chừng nào chúng ta còn dung thứ không đả động đến những công xưởng đó thì chúng ta không phải là người cộng sản mà chúng ta chỉ là đồ vứt đi... Trong số các công nhân xếp chữ của các nhà in Xô viết, trong số công nhân công xưởng Xooc- mô- va và Pu-ti-lốp, v.v., những kẻ đê mạt như thế có phải là ít đâu? Chúng ta đã tóm được, vạch mặt được bao nhiêu tên? Báo chí không hề nói đến điều đó, và nếu có nói đến thì lại nói bằng một giọng hành chính quan liêu, không phải giọng của một tờ báo cách mạng...” Theo Lê nin: những tướng lĩnh kém cỏi cũng phải được công khai phê bình trên báo chí Xô viết. Người viết: “Đối với chiến tranh cũng vậy. Chúng ta có công kích bọn chỉ huy hèn nhát và bọn ngu ngốc không? Chúng ta có cho nước Nga thấy những đội quân vô dụng không? Chúng ta đã tóm được những phần tử xấu xa, đáng phải lớn tiếng đuổi ra khỏi quân đội vì bất lực, lơ là, chậm trễ, v. v., chưa? Và Người nhắc nhở các nhà báo:“Chúng ta rất ít dùng những điển hình, những tấm gương cụ thể, sinh động, lấy trong mọi lĩnh vực của đời sống để giáo dục quần chúng, mà đấy lại là nhiệm vụ chính của báo chí... Chúng ta ít chú ý đến đời sồng thường ngày trong công xưởng, trong nông thôn và bộ đội, là những nơi mà đời sống được xây dựng mạnh hơn những nơi khác, mà chúng ta phải chú ý hơn mọi nơi khác, phải tuyên dương, phải phê bình công khai, công kích những tật xấu, hô hào học tập cái tốt”.

Kết thúc bài báo, Người một lần nữa căn dặn: “Hãy bớt làm rùm beng về chính trị đi. Hãy bớt những nghị luận kiểu trí thức đi, hãy gần gũi đời sống hơn nữa. Hãy chú ý nhiều hơn nữa xem trong công việc thường ngày của họ, quần chúng công nông đang thực tế sáng tạo ra cái mới như thế nào”.

Những lời dạy của Lê nin về báo chí thật là những lời vàng ngọc đối với những người làm báo vô sản. Và lời dạy đó rất cần được đội ngũ báo chí cách mạng Việt Nam nghiên cứu, vận dụng, làm theo.

 
                               
Công Đán

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây