Đẩy người dân ra khỏi nhà cửa, đất đai rồi xua họ vào ở trong những ngôi nhà không có cả nguồn nước lẫn nguồn sống, thì khác gì bắt cá ra khỏi nước?
Nhìn từ xa, khu tái định cư thủy điện Đăk Đrinh (có vị trí tại xã Đắc Nên, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) chẳng khác gì một khu phố giữa rừng với cả trăm ngôi nhà được thiết kế cùng một kiểu: tường xây, lợp ngói. Nhưng đến gần, mới thấy đó thực sự là một khu nhà hoang, bởi 10 năm nay không một bóng người.
Do không có người ở, bị phơi giữa gió mưa, nên hầu hết các ngôi nhà đều xuống cấp trầm trọng: mất cửa, trốc mái, tường lở loét, cỏ mọc đầy cả sân lẫn đường…
Những người dân thuộc vùng ngập nước của lòng hồ thủy điện Đắc Đrinh cho biết: 10 năm trước, họ đã vui vẻ rời khỏi nơi chôn rau cắt rốn, nơi đã sinh sống ngàn đời, bỏ lại từ ruộng rẫy, nhà cửa cho đến mồ mả tổ tiên… để nhường đất cho chủ đầu tư nhà máy thủy điện, với lời hứa là đến nơi tái định cư sẽ có cuộc sống khá hơn cuộc sống hiện tại.
Thế nhưng kết quả hoàn toàn ngược lại, khi trước họ là những ngôi nhà kém chất lượng, được làm trên những ngọn đồi rất cao, gió thổi lộng óc, lại cách rất xa với đất canh tác, phải đi cả ngày mới tới, mà đường đi lại không có, và đặc biệt là không có nước sinh hoạt. Do vậy mà chẳng ai dám vào đó ở. Không những thế, ngay cả khoản tiền đền bù ít ỏi, đến nay một số hộ vẫn còn chưa được nhận đủ.
Thật kỳ lạ. Để làm nên một ngôi nhà có thể sống được trong đó, thì bắt buộc phải có hai điều kiện: thứ nhất là nguồn nước (dùng để uống, để nấu ăn, để tắm giặt…) và thứ hai là nguồn sống (đất đai để canh tác hoặc công việc làm để kiếm sống). Không có nước, con người sẽ chết khát. Không có nguồn sống, con người sẽ chết đói.
Lẽ nào những người quy hoạch, bố trí những ngôi nhà tái định cư nói trên lại “quên” cả hai điều kiện đó?
Đẩy người dân ra khỏi nhà cửa, đất đai khi người ta đang sống yên lành rồi xua họ vào ở trong những ngôi nhà không có cả nguồn nước lẫn nguồn sống, thì khác gì bắt cá ra khỏi nước rồi vứt lên đường?
Do cả chục năm nay bị bỏ hoang, nên số tiền bỏ ra làm khu tái định cư thủy điện Đắc Đrinh lên đến hàng chục tỷ đồng, đang tan và sẽ tan thành mây khói. Đối với một tỉnh nghèo như Kon Tum, thì một tỷ cũng là lớn chứ đừng nói đến hàng chục tỷ. Đó là một sự lãng phí vô cùng lớn. Trong khi hàng trăm hộ dân, do không dám vào khu tái định cư để sống, nên từ chục năm nay vẫn phải sống trong những túp lều tạm bợ được dựng gần nơi có đất canh tác, bởi chỉ ở đó họ mới có cái ăn.
Những ai phải chịu trách nhiệm về việc “gánh vàng đi đổ sông Ngô” này? Lãnh đạo tỉnh Kon Tum có biết đến khu tái định cư này không? Và nếu biết, thì có xử lý trách nhiệm một cách nghiêm khắc, có làm “cho ra ngô ra khoai” hay không? Hay là sợi dây kinh nghiệm vẫn rất dài?
Theo Vũ Hữu Sự/NNVN
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên