Khai thác cát vô tội vạ và vấn nạn cát lậu bao năm nay vẫn vin vào cớ “không có vật liệu thay thế” và “xung đột giữa lợi ích và phát triển” để tồn tại, thậm chí ngày càng bành trướng.
Thế nhưng, “lợi ích” cho ai, phục vụ sự phát triển nào thì lại chưa được làm rõ. Vậy hãy thử mổ xẻ xem lợi ích và sự phát triển đó lớn đến chừng nào, quan trọng bao nhiêu, có xứng đáng để đánh đổi với sự an nguy của ĐBSCL, “vựa nông sản” lớn nhất cả nước hay không?
Đầu tiên là lợi ích. Cát sử dụng nhiều nhất cho các công trình, đặc biệt là các công trình san lấp vì giá rẻ. Giá rẻ thì chỉ có nhà thầu, chủ đầu tư hưởng lợi. Ngay cả với dự án công, đặt trường hợp được giá rẻ đi chăng nữa thì chi phí Nhà nước phải bỏ ra để xử lý hệ quả từ việc khai thác cát còn lớn hơn. Đơn cử chỉ với riêng 5 tỉnh ở ĐBSCL, để di dời 20.000 hộ sống trong vùng có nguy cơ sạt lở (mà một trong những nguyên nhân quan trọng là do khai thác cát), ngân sách đã phải bỏ ra tới 5.000 tỉ đồng.
Cũng xin nói rõ thêm rằng nếu tính đúng, tính đủ thì giá cát không hề rẻ. Nó chỉ rẻ nhờ trốn thuế và khai thác lậu. Đây chính là mấu chốt hình thành lên những nhóm lợi ích từ khai thác đến sử dụng cát, bất chấp những hệ lụy về sạt lở, biến dạng bờ sông, bờ biển, ô nhiễm môi trường, đe dọa an toàn và sinh kế của hàng ngàn, hàng vạn hộ dân sinh sống ở các khu vực này.
Nói vậy để thấy, “lợi ích” ở đây chỉ có doanh nghiệp hưởng, còn thiệt hại thì người dân, Nhà nước chịu. Tương tự, “sự phát triển” mà chính quyền nhiều địa phương vẫn vin vào để biện minh cho việc quản lý lỏng lẻo cũng như dung túng cho cát lậu là không thể so sánh với việc vùng đồng bằng lớn nhất cả nước đối diện với nguy cơ hết cát.
Về khoa học, ĐBSCL vốn được coi là vùng đất yếu vì trong cấu tạo các tầng đất thiếu các thành phần tạo hạt thô, cát, sỏi mà chủ yếu là các thành phần hạt mịn như sét, bột, bùn nên không có độ ổn định. Một vùng đất yếu mà khai thác cát vô tội vạ sẽ làm thay đổi dòng chảy, sạt lở ven sông, ô nhiễm môi trường. Thực tế hiện nay mỗi năm ĐBSCL đang mất
600 ha đất bờ sông, bờ biển vì sạt lở. Thế nên, không có “sự phát triển” nào có thể đánh đổi với sự sống còn của vựa nông sản lớn nhất cả nước.
Khai thác cát vô tội vạ, cát lậu và hệ lụy của nó không phải vấn đề mới. Hàng chục năm trước, các chuyên gia môi trường đã đề xuất cấm hẳn khai thác cát để cứu ĐBSCL. Nhà nước cũng đưa ra nhiều quy định về tăng cường quản lý, khai thác cát nói riêng và khoáng sản nói chung. Nhưng qua các con số thống kê thì rõ ràng càng quản thì khai thác càng nhiều, cát lậu càng hoành hành. Thế nên, không thể cứ đổ lỗi “quản lý yếu kém” chung chung, mà phải có địa chỉ chịu trách nhiệm cụ thể. Đó là lãnh đạo đứng đầu các địa phương để xảy ra tình trạng cát tặc, cát lậu. Bên cạnh đó, cần xem xét một cách nghiêm túc đề xuất cấm hẳn khai thác cát mà trước đây nhiều ý kiến cho rằng phải có lộ trình. Trong khi chúng ta vẫn dùng dằng không quyết thì vấn nạn cát lậu, cát tặc, khai thác cát vô tội vạ ngày càng tăng.
Hãy cứu ĐBSCL trước nguy cơ hết cát với một loạt hệ lụy không thể đo đếm trước khi quá muộn.
Theo Nguyên Khanh/Thanh niên
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên