Để chuyển đổi số lĩnh vực phát thanh được thực chất, toàn diện và bền vững
Thứ hai - 15/07/2024 09:52
Nhắc đến phát thanh, trước đây thính giả chỉ nghe tiếng, không thấy hình. Tuy nhiên để phát huy những thể mạnh có được, các nhà đài đã mở rộng đầu tư, đưa lên các nền tảng hạ tầng số, tạo ra cả hình ảnh sống động và luôn có sự tương tác trực tiếp với khán thính giả.
Đưa phát thanh trực tiếp lên đa nền tảng
Tại Đài Phát thanh - Truyền hình (PT-TH) Hải Phòng, trong suốt những năm qua, không chỉ đổi mới nội dung, làm mới chuyên mục, Đài còn chú trọng phát trực tuyến và trực tiếp trên cả 3 nền tảng: radio, truyền hình, livestream trên fanpage với các chủ để gây hiệu ứng xã hội lớn. Các trang mạng, group mạng xã hội đã lấy các chủ đề này ra để thảo luận, với hàng trăm nghìn lượt tương tác và rất nhiều ý kiến khác nhau.
Nhà báo Lê Phương Thuý, Đài PT-TH Hải Phòng chia sẻ, đài đã kết hợp cùng lúc nhiều yếu tố: hình thức phát thanh trực tiếp, tương tác livestream, phóng sự chèn có hình, bố trí điểm cầu Hải Phòng… Thực sự tự hào khi tác phẩm được phát sóng đã nhận về hàng trăm nghìn lượt xem, like, chia sẻ cũng như bình luận. Nhanh chóng viral (phổ biến) trên các nền tảng như Facebook, Tiktok và Youtube…
“Đây là câu trả lời rõ nhất cho tính tương tác được cộng hưởng và mở rộng phạm vi tới công chúng khi Đài PT-TH Hải Phòng lựa chọn hình thức phát thanh đa nền tảng”, nhà báo Lê Phương Thúy khẳng định.
Chia sẻ quan điểm về chuyển đổi số trong lĩnh vực phát thanh, nhà báo Nguyễn Hoàng Phát, Đài PT-TH tỉnh Ninh Thuận cho rằng: “Chúng tôi luôn nỗ lực trong khả năng của mình về việc chuyển đổi số bằng cách gần đây cũng đã thực hiện livestream phát thanh, trong đó chương trình thu hút được nhiều sự quan tâm của người dân là “Bác sĩ của bạn”. Tại chương trình, thính giả có thể đặt câu hỏi trực tiếp vấn đề liên quan đến sức khỏe. Trong đó, chủ đề của các chương trình được chính khán giả lựa chọn, đặt ra trên fanpage”, nhà báo Phát chia sẻ.
Thực tế cho thấy, ở nhiều đài địa phương hiện nay, khi đưa phát thanh trực tiếp lên đa nền tảng không chỉ thu hút lượng lớn công chúng mà từ đó cũng nhận được quảng cáo từ các nhãn hàng, nhà tài trợ thông qua nền tảng số này.
Đầu tư trở lại cho phát thanh
Là một trong những người trực tiếp thực hiện đề án chuyển đổi số phát thanh của đơn vị, nhà báo Lê Minh Tuấn, Phó Giám đốc Đài PT-TH tỉnh Hậu Giang cho biết, Đài PT-TH tỉnh Hậu Giang là một trong những đài ra đời muộn với khoảng 20 năm, cơ sở về phát thanh chưa được đầu tư tương xứng với thời đại bùng nổ thông tin. Chúng tôi xác định những khó khăn và cũng quyết tâm đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền để ngày càng thu hút sự quan tâm của khán thính giả.
Với khẩu hiệu “Làm giàu tri thức, kết nối cộng đồng”, chương trình phát thanh của Đài PT-TH Hậu Giang luôn xác định hành động với 6 chữ T gồm “trực tiếp – tương tác – thực tế”. Từ cơ sở đó, thời gian qua, ngoài việc đầu tư trang thiết bị, nội dung các chương trình đều được đổi mới. Trong đó, có một số chương trình ghi nhận tương tác rất cao như chương trình thời sự Hậu Giang, Nhịp sống 896, talk show Chuyện đời – Chuyện nghề, Tài tử miệt vườn, Tài tử phương nam… Ngoài ra, do đặc thù Hậu Giang là tỉnh nông nghiệp nên các chương trình về nông nghiệp được ưu tiên nhiều, nhận được sự quan tâm rất lớn của bà con nông dân.
Nhà báo Lê Minh Tuấn cho biết, “Không chỉ làm phát thanh theo lối truyền thống, chúng tôi còn xây dựng các chương trình thành dạng podcast để tuyên truyền trên các hạ tầng số của đài. Nhờ đó, lượng khán thính giả tương tác và nghe đài của Hậu Giang rất cao. Theo hệ thống chỉ số đánh giá lượng khán thính giả, Đài PT-TH tỉnh Hậu Giang là một trong 2 đài có số lượng khán thính giả xem và nghe nhiều nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”.
Phó Giám đốc Đài PT-TH tỉnh Hậu Giang khẳng định: “Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, mọi thứ của cuộc sống đều online. Nếu phát thanh không đổi mới, không đáp ứng nhu cầu thì khán thính giả dễ “quay lưng”, vì thế ngoài việc phát trên sóng phát thanh, chúng tôi phải ưu tiên tập trung phát trên các hạ tầng số”.
Thực tế cho thấy, nhiều nhà đài đã triển khai hai mảng quan trọng, gồm nội dung số và hạ tầng kỹ thuật. Họ thành lập các bộ phận chuyên về nội dung số trên các nền tảng số và mạng xã hội. Tập trung xây dựng các tuyến nội dung sao cho phù hợp với việc làm nội dung số và phát sóng đăng tải trên các nền tảng số mạng xã hội.
Nhà báo Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) cho rằng: Khi chuyển đổi số, một ekip làm phát thanh không chỉ là 1 kỹ thuật viên bình thường, phát thanh viên mà còn cần nhiều nhân tố khác để làm được 1 sản phẩm. Cần đầu tư trở lại cho phát thanh, trong đó tập trung vào yếu tố con người, thiết bị phát thanh, nguồn lực cho phát thanh. Đặc biệt, điều quan trọng nhất là nhận thức của lãnh đạo trong vấn đề này.
Có thể nói, kỷ nguyên số mở ra những cơ hội lớn cho báo chí truyền thông nói chung và phát thanh nói riêng. Việc tận dụng nền tảng số để đưa thông tin đến với công chúng mở ra cơ hội rất lớn. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số cũng đặt ra cho mỗi người làm báo yêu cầu thay đổi, làm mới chính mình và không ngừng học hỏi và trang bị nhiều kỹ năng mới, mỗi phóng viên, phát thanh viên phải trở nên năng động hơn.