Chú trọng kiến thức, năng lực thực hiện nhiệm vụ của cán bộ
Thứ năm - 11/07/2024 08:20
Cấp ủy các cấp đang triển khai các công việc chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng, bảo đảm yêu cầu tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với Đảng.
Việc chuẩn bị nhân sự có vị trí, ý nghĩa rất quan trọng, là nhân tố bảo đảm cho thành công của đại hội đảng bộ các cấp, Đại hội XIV của Đảng và triển khai thực hiện thắng lợi các nghị quyết. Tại các địa phương, thực tế là bản lĩnh chính trị, năng lực thực hiện nhiệm vụ, kiến thức và kỹ năng của đội ngũ cấp ủy viên có vai trò quyết định trong việc tuyên truyền, phổ biến, tổ chức triển khai nghị quyết của cấp ủy các cấp. Khi đội ngũ cấp ủy viên có chất lượng cao; nội bộ cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng đoàn kết, thống nhất; năng lực lãnh đạo và khả năng hoàn thành nhiệm vụ tốt thì uy tín, vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng được khẳng định và phát huy.
Đọc lại bài viết “Cái làm nên uy tín đảng viên” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuốn sách Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, tác giả đã nêu một trong những yêu cầu để thể hiện vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên, làm nên uy tín đảng viên là phải có kiến thức, năng lực thực hiện công cuộc đổi mới.
Tại phiên họp đầu tiên Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá: Đội ngũ cán bộ của ta hiện nay đông nhưng chưa thật mạnh; tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ vẫn xảy ra ở nhiều nơi; sự liên thông giữa các cấp, các ngành còn hạn chế... Thiếu những cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành trên nhiều lĩnh vực. Năng lực của đội ngũ cán bộ chưa toàn diện, có mặt còn hạn chế, yếu kém; không ít cán bộ, trong đó có cả cán bộ cấp cao thiếu tính chuyên nghiệp, làm việc không đúng chuyên môn, sở trường; trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế còn nhiều hạn chế.
Năng lực thực hiện nhiệm vụ của cán bộ có ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng lãnh đạo, uy tín của cán bộ đối với nhân dân. Năng lực thực hiện nhiệm vụ là khả năng giúp cán bộ hoạt động thực tiễn có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu. Đó là khả năng xác định mục đích, phương pháp, cách thức trong triển khai thực hiện nhiệm vụ; đồng thời là việc phát hiện, giải quyết mâu thuẫn nảy sinh trong hoạt động thực tiễn.
Trong thời đại ngày nay, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với công nghệ số hóa, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật và dữ liệu lớn,... đã và đang làm thay đổi sâu sắc nền sản xuất và kinh tế toàn cầu theo hướng thông minh hơn, hiệu quả hơn với tốc độ phát triển nhanh chưa từng có, hình thành và phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số, xã hội số, chính phủ số... Trong điều kiện đó, “nếu cán bộ, đảng viên không có kiến thức, không có trình độ nhất định về các mặt văn hóa, khoa học-kỹ thuật, quản lý kinh tế, pháp luật... thì không thể có đủ năng lực để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, thậm chí còn phạm những sai lầm không thể tha thứ.
Vừa qua, không ít trường hợp đảng viên không phát huy được tác dụng, rơi vào tình trạng “trung bình”, mất uy tín trước quần chúng, là do thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức. Đã qua rồi cái thời hễ cứ là đảng viên, là cán bộ thì dường như có thể làm được mọi việc”. Trong thực tiễn, năng lực thực hiện nhiệm vụ của cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của địa phương, đơn vị; bởi đó là khả năng tư duy và phương pháp làm việc khoa học, có năng lực tổng hợp, phân tích, dự báo tình hình đưa ra quyết định hoặc đề xuất để tập thể lãnh đạo quyết định kịp thời, sáng suốt, đúng đắn, nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương mình.
Trong xu thế phát triển hiện nay, càng cần những cán bộ, người đứng đầu chủ động, sáng tạo, kịp thời nhận diện chính xác những vấn đề mới, từ đó hạn chế được những bất cập trong thực tiễn; mạnh dạn đề xuất những giải pháp phù hợp, khả thi, hiệu quả để phát huy, thúc đẩy hoặc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Cán bộ chủ chốt, người đứng đầu cần có kiến thức lý luận, nắm chắc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, hiểu biết rõ tình hình thực tế để cụ thể hóa, tổ chức thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Đảng.
Năng lực thực hiện nhiệm vụ của cán bộ lãnh đạo, quản lý còn được thể hiện trong quá trình công tác với kinh nghiệm thực tiễn, những thành tích, kết quả công tác nổi trội ở lĩnh vực, địa bàn công tác được phân công, được tổ chức và nhân dân ghi nhận.
Những cán bộ thật sự năng động, có tư duy đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung chắc chắn là những người có năng lực thực hiện tốt nhiệm vụ; đồng thời phát huy vai trò của người tiên phong, gương mẫu, có khả năng truyền cảm hứng, quy tụ và phát huy sức mạnh tập thể.