Việc xử lý cán bộ vi phạm chưa bao giờ quyết liệt như thời gian gần đây, kể cả ở cấp chiến lược. Có tỉnh, cả bí thư, chủ tịch và hàng loạt cán bộ chủ chốt khác vướng vào lao lý, hoặc buộc phải rời “ghế” lãnh đạo. Vậy mà không ít người dường như không biết sợ, hay chủ quan, cố tình làm trái các nguyên tắc hoạt động của Đảng, Nhà nước, gây bức xúc dư luận, không chỉ làm thất thoát tài sản chung mà còn làm giảm niềm tin của nhân dân. Đây thật sự là điều lo ngại nhất.
Vì thế, Quy định số 148, ngày 23/5/2024 của Bộ Chính trị, giao cho người đứng đầu thẩm quyền “tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước”, ra đời nhằm thúc đẩy việc xử lý cán bộ vi phạm quyết liệt hơn, đồng bộ hơn, kịp thời hơn ngay từ khi mới phát hiện có dấu hiệu vi phạm. Trọng tâm là các vi phạm về phẩm chất đạo đức, lối sống; đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; đang bị xem xét, xử lý kỷ luật mà cố ý trì hoãn, trốn tránh trách nhiệm; bị khởi tố, điều tra, v.v. Khi có đủ căn cứ, thì chậm nhất sau hai ngày làm việc, cơ quan tham mưu phải hoàn thành việc tham mưu và tiếp đó, chậm nhất sau hai ngày làm việc, người đứng đầu phải ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ. Điều đó cho thấy sự khẩn trương, quyết liệt cao độ của Bộ Chính trị trong xử lý cán bộ vi phạm.
Tin rằng, Quy định này sẽ sớm được thực hiện một cách nghiêm minh để không còn “cửa” cho những ai quen thói, khi bị phát hiện vi phạm là tìm mọi cách, lợi dụng mọi mối quan hệ để chạy chọt, như lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình, của người khác để can thiệp, gây khó cho việc xem xét, xử lý; làm sai lệch hồ sơ, tẩu tán tài sản, cáo ốm đau để đi chữa bệnh, hoặc trốn ra nước ngoài hòng thoái thác trách nhiệm và tội lỗi họ gây ra. Thực tế đã có không ít vụ như vậy, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong quá trình điều tra, kết luận; có đối tượng phạm tội vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
Tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ trong trường hợp cần thiết theo Quy định số 148 nêu trên không phải là hình thức kỷ luật, nhưng có tác dụng răn đe mạnh mẽ trước thực trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, né tránh trách nhiệm, tham nhũng, tiêu cực ở một bộ phận cán bộ, đảng viên. Thực tiễn cuộc sống, nhất là trước những khó khăn, thách thức đang đặt ra nhiều yêu cầu đối với đội ngũ cán bộ các cấp. Việc thực hiện Quy định số 148 của Bộ Chính trị phải đặt trong tổng thể công tác cán bộ theo phương châm kết hợp hài hòa giữa “xây” và “chống”, xây dựng môi trường làm việc làm sao để khích lệ được cán bộ cống hiến tài năng cho đất nước, đồng thời có chế tài xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm, hoặc né tránh đùn đẩy, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các nghị quyết của Đảng. Trên dưới đồng lòng, cùng đem tài năng trí tuệ phục vụ sự nghiệp chung, đó mới là cái đích của công tác cán bộ.
Để thực hiện tốt thẩm quyền được giao, người đứng đầu phải thật sự là tấm gương sáng về đạo đức, lối sống và tinh thần làm việc; đặc biệt là tuyệt đối không được lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trong đó có quyền tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ vì ý đồ cá nhân. Có như thế mới tạo động lực cho cấp dưới làm việc hết mình vì lợi ích chung của đất nước, dân tộc.