Yếu tố làm đội chi phí cho việc mua sắm sách giáo khoa một phần cũng do chính những quyết sách của Bộ GD-ĐT. Điều này góp phần khiến người dân phải thêm nặng gánh về tiền sách mỗi năm học mới.
Giá sách giáo khoa (SGK) mới tăng tới 3 lần so với sách hiện hành. Lý giải về điều này, Bộ GD-ĐT cho rằng các bộ SGK mới được thực hiện theo phương thức xã hội hóa, không được trợ cấp một phần chi phí như SGK lớp cũ.
Theo quy định của luật Giá, SGK thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện kê khai giá, không thuộc danh mục mặt hàng do nhà nước định giá, bình ổn giá...
Nói một cách công bằng thì kinh doanh bất cứ mặt hàng nào, doanh nghiệp cũng phải có lợi nhuận, dù đó là mặt hàng đặc biệt như SGK. Về cảm quan, SGK mới đẹp hơn sách cũ khi in 4 màu thay vì chỉ in đen trắng như sách cũ; kênh hình bắt mắt hơn… Tuy nhiên, yếu tố làm đội chi phí của mỗi gia đình cho việc mua sắm SGK không chỉ có nguyên nhân khách quan như Bộ GD-ĐT giải thích ở trên. Thực tế, chính những quyết sách của Bộ GD-ĐT cũng là nguyên nhân góp phần khiến người dân phải thêm nặng gánh về tiền sách mỗi năm học mới.
Điều đầu tiên phải kể đến là việc Bộ GD-ĐT cho phép tăng số đầu SGK bắt buộc so với chương trình cũ, trong đó có những cuốn SGK thực sự không cần thiết. Nếu như bộ SGK lớp 2 hiện hành chỉ có 6 cuốn với giá bán 53.000 đồng/bộ thì SGK mới lên tới 10 cuốn có giá 186.000 đồng/bộ. Lần đầu tiên trong “lịch sử giáo dục nước nhà” có SGK môn thể dục (còn gọi là giáo dục thể chất) mặc dù môn này đã được đưa vào trường phổ thông giảng dạy chính khóa hàng chục năm nay. Cái mà dư luận “kêu gào” đã lâu để nâng thể chất cho học sinh chính là việc phải đầu tư sân chơi, bãi tập trong nhà trường, tuyệt nhiên chưa thấy ý kiến nào đề xuất phải có SGK mới có thể học tốt môn học này.
Không chỉ sách thể dục, Bộ GD-ĐT còn quy định phải có SGK của môn học “hoạt động trải nghiệm”, đây là môn học lần đầu xuất hiện trong chương trình giáo dục phổ thông. Bản thân tên gọi của môn học này đã cho thấy không biết tại sao phải có SGK vì đều là những hoạt động giáo dục đòi hỏi sự vận động, trải nghiệm thực tế.
Ông Đặng Tự Ân, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục, cho rằng với lớp 1, lớp 2, chỉ cần 4 môn có SGK. Các môn đạo đức, nghệ thuật và đặc biệt là giáo dục thể chất và hoạt động trải nghiệm chỉ nên có sách hướng dẫn cho giáo viên là đủ, không cần SGK cho học sinh. Bên cạnh đó, Bộ cần quy định về số trang trên mỗi đầu sách để đảm bảo vừa giảm chi phí làm sách, vừa giúp nội dung sách cô đọng hơn.
Nguyên nhân nữa khiến tổng số tiền bộ SGK đội lên là sách tiếng Anh, có giá cao nhất trong các cuốn SGK. Trong khi đây cũng là môn học duy nhất có “đề án quốc gia” với tổng kinh phí hàng nghìn tỉ đồng được cấp từ ngân sách. Trong đề án này có nêu rõ nhiệm vụ chủ trì biên soạn đầy đủ SGK tiếng Anh từ lớp 3 đến lớp 12. Vậy, năm nay khi chuẩn bị phát hành SGK lớp 6, Bộ GD-ĐT phải minh bạch thông tin: tại sao được cấp ngân sách mà SGK này cũng nằm trong bộ SGK được thực hiện theo phương thức xã hội hóa với giá cao như vậy?
Theo Tuệ Nguyên/Thanh niên