Đó chắc chắn không phải hành động kiểu “gạt tay trúng má” mà phải gọi đúng bản chất là “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân”. Hình ảnh diễn ra ngay trên bục giảng nhưng không khác gì một thước phim với mô típ: “chạm mặt giang hồ” hay “Bụi đời hè phố”…
1.Chỉ cần một thao tác đơn giản, đó là gõ cụm từ: “thầy giáo tát học sinh” trên công cụ tìm kiếm của Google, sau 41 giây cho 1,55 triệu kết quả.
Con số đó nói lên điều gì? Hỏi mà đã như có câu trả lời. Rằng đó là con số…kinh hoàng, đáng báo động về một hiện tượng mà lẽ ra phải rất hiếm khi xảy ra ở nơi thuộc về những khẩu hiệu: “Tiên học lễ, hậu học văn”, hay “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.
Xin đừng tiếp tục đổ lỗi cho giáo dục. Không có một nền giáo dục nào trong thế giới văn minh làm ngơ trước vấn nạn bạo lực. Và cũng xin đừng tiếp tục biện minh bằng câu châm ngôn mang đậm màu sắc Nho giáo, ấy là: “Thương cho roi cho vọt”. Đòn roi, đe nẹt là phương pháp giáo dục áp đặt có nguồn gốc từ “cửa Khổng, sân Trình” để tạo ra những “sản phẩm” chỉ biết thuộc lòng, minh họa, làm theo, vâng lời vốn đã không còn phù hợp với xã hội văn minh, nơi tôn vinh cá tính sáng tạo trong phổ giá trị tiến bộ của nhân loại.
2. Hãy một lần xem video clip thầy giáo Khúc Xuân H. – Chủ nhiệm lớp 10A3 tại Trung tâm Giáo dục Nghệ nghiệp – Giáo dục Thường xuyên huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang tát học sinh để thấy vì sao khái niệm “bạo lực học đường” ngày càng được… mở rộng biên độ. Nó không còn là chuyện học sinh đánh nhau, học sinh đánh giáo viên mà còn là chuyện thầy giáo thượng cẳng tay, hạ cẳng chân với học trò.
Chúng tôi, khi xem clip trên cứ mong rằng, ấy là một kịch bản được dàn dựng nhằm câu like của đám học trò “nhất quỷ nhì ma”. Nhưng rồi cuối cùng đã phải chấp nhận sự thật. Không chỉ văng những cái tát “trời giáng” vào mặt, thầy H còn tung cước vào bụng học trò đi kèm những lời quát tháo, chửi mắng, văng tục thậm tệ. Lần này, chắc chắn không phải hành động kiểu “gạt tay trúng má”, không phải cho roi, cho vọt mà phải gọi đúng bản chất là thầy giáo tra tấn học trò, là “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” theo đúng nghĩa đen của nó. Hình ảnh diễn ra ngay trên bục giảng, nhưng không khác gì một thước phim với mô típ: “chạm mặt giang hồ” hay “Bụi đời hè phố”…
Thông tin từ Báo Tuổi trẻ TP.HCM cho hay: trong bản tường trình về sự việc, thầy H. đã bày tỏ hối hận. "Thực ra, bản thân tôi cũng muốn tốt cho học sinh và coi các em như con em trong nhà. Trong lúc không kiềm chế được mới xảy ra sự việc".
Phải chăng cứ coi như… con em trong nhà thì có quyền được đánh? Mà ở đây là đánh kiểu tra tấn, bạo lực chứ hoàn toàn không phải răn đe. Xin nhắc lại đó là những cái tát… nảy lửa chứ không phải cái… bạt tai nhắc nhở; là cú “lên gối” kiểu con nhà võ chứ không phải cú… đá đít thông thường.
Thầy H quên rằng, trong xã hội văn minh, bạo lực học đường, bạo lực gia đình dù diễn ra dưới bất cứ hình thức nào, vì bất cứ lý do gì đều là hành vi đáng xấu hổ, đáng bị lên án và có thể đối diện với trách nhiệm hình sự.
3.Nhưng không chỉ có thầy H tạo ra một “cú sốc học đường” trong những ngày vừa qua mà ngay cả thầy Nguyễn Minh Vỹ, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên Lục Ngạn cũng đã tạo nên một “cú sốc văn hóa” khác nghiêm trọng không kém.
Theo thầy Vỹ trả lời trên Báo Tuổi trẻ thì: "Một số đối tượng xấu lợi dụng video này để làm phức tạp tình hình giai đoạn này. Nhà trường có văn bản đề nghị cơ quan công an vào cuộc điều tra".
Chúng tôi cứ hình dung, nếu như không có video clip ấy, không có mạng xã hội, hành vi đáng xấu hổ của thầy H liệu có bị phanh phui? Trong số các em học sinh bị thầy chủ nhiệm của mình tra tấn, liệu có em nào dám đứng ra tố cáo? Ai sẽ tin và đứng về phía các em?
Và vì thế, “đối tượng xấu” như lời thầy Giám đốc lẽ ra phải được… khen vì dám dũng cảm công khai một sự thật đáng xấu hổ đang núp bóng giáo dục. Trung thực chẳng phải là đích đến của mọi nền giáo dục từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây?
Và, thưa thầy Vỹ, đoạn video clip ấy hoàn toàn không làm phức tạp tình hình giai đoạn này mà trái lại, đến… giai đoạn này, nếu không minh bạch hóa những khoảng tối giáo dục như thế thì tình hình mới thực sự phức tạp. Nhà trường, vì thế nên báo cáo công an vào cuộc điều tra hành vi đánh người quá rõ ràng của thầy giáo chứ không phải điều tra hành động dũng cảm của người đã quay và đưa đoạn video lên mạng xã hội.
4. Học sinh cá biệt là thuật ngữ mà nhà trường hay sử dụng đối với các em học sinh quậy phá, nghịch ngợm, hay đánh nhau, gây mất trật tự trong lớp và trường học... Nếu không có cách khắc phục, các em học sinh này dễ dàng bị người xấu lôi kéo, dẫn đến các tệ nạn xã hội.
Trong các trường sư phạm, có hẳn cả học trình cho sinh viên về phương pháp giáo dục học sinh cá biệt. Nghĩa là những giáo viên như thầy H ở Lục Ngạn, Bắc Giang, dù mới ra trường cũng đã được trang bị kiến thức về giáo dục học sinh cá biệt.
Đến thời điểm này, vẫn chưa có kết luận của cơ quan chức năng xem những học sinh bị thầy H tát, đá, chửi bới có thuộc diện học sinh cá biệt hay không. Nhưng giả sử đó là những học sinh cá biệt thì biện pháp mà thầy H dùng để giáo dục ấy là… phi giáo dục. Không thể lấy một cái sai này để xử lý một cái sai khác. Người thầy đi truyền lửa chứ không phải đi đổ dầu vào lửa. Trong trường hợp này, thầy H đã "mang xăng đi dập một đám cháy".
Sự việc đáng tiếc này sẽ là bài học thấm thía, cay đắng đối với không chỉ mình thầy H. Bởi lẽ thời gian qua đã có quá nhiều bài học tương tự nhưng chính những người được xem là thầy lại không chịu học. Nó không chỉ là bài học của người thầy mà còn là bài học cuộc sống đối với một con người.
Giáo viên cũng là một con người bình thường nhưng nghề giáo lại là một nghề đặc biệt. Lựa chọn nó, nghĩa là phải chấp nhận sự đặc biệt ấy. Đừng để khoa học giáo dục lại có thêm một thuật ngữ mới, vốn chẳng hay ho gì, ấy là “giáo viên cá biệt”./.
Theo Quang Duy/NB&CL
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên