“Hang Dơi, Thanh Thủy vùng biên Máu Đồng đội nằm đây xin chớ quên…!”
Hai câu thơ này được khắc lên vách đá núi Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang trước Nhà tưởng niệm các liệt sĩ ở Hang Dơi bên suối Thanh Thủy, khánh thành ngày 5/10/2019. Đó là thơ của người lính, nhà văn Trần Hữu Tòng, phóng viên báo Quân đội nhân dân đã có mặt ở đây những ngày quân ta chiến đấu giữ đất biên cương. Các chiến sĩ quyết sống bám núi đá, chết hóa thành đá, một tấc không rời” (Tạp chí Hồn Việt, tháng 4/2020). Hai câu thơ ngời sáng tinh thần Việt Nam, thấm đẫm đạo lí Việt Nam, nhắc nhở những người còn sống đối với các liệt sĩ đã hi sinh vì Tổ quốc – đã gọi dậy trong ta biết bao câu thơ đau xé lòng khi nói về các liệt sĩ…
Nhiều người còn nhớ, thậm chí thuộc lòng bốn câu thơ của người lính, nhà báo kiêm nhiếp ảnh gia Lê Bá Dương cách đây hơn ba thập kỷ: Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm… (Lời gọi bên sông hay Đò lên Thạch Hãn)
Đó là ngày 27/7/1987, trong buổi thả hoa tưởng niệm những đồng đội bị mất tích dưới sông trong 72 ngày đêm khốc liệt nơi thành cổ Quảng Trị mùa hè 1972, anh đã ứng khẩu đọc bài thơ này. Đến năm 2007, bài thơ được người giảng viên Học viện Quân y Trần Bắc Hải phổ nhạc, chắp thêm cánh cho thi phẩm đến với mọi người. Bài thơ không chỉ chạm đến nỗi đau của người liệt sĩ “đáy sông còn đó bạn tôi nằm”, mà còn nói lên thấm thía cái tình đồng đội đối với những người đã hy sinh, đúng như đạo lí của nhân dân ta: nghĩa tử là nghĩa tận. Cái tình đó là để nhắc với người đang sống: hãy “chèo nhẹ” thôi, kẻo đau người nằm dưới đáy sông, bởi cái chết của các anh là cái chết đẹp nhất, một sự ra đi hồn nhiên, thanh thản đến lạ kì: “Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm…”. Biết bao thương tiếc và trân trọng đối với đồng đội đã hi sinh vì Tổ quốc…
Cũng nỗi đau và cái tình đó, Phạm Xuân Trường nhắc “em” mà như nói lên nỗi xót đau của chính lòng mình đối với các liệt sĩ: Nào em hãy nhẹ bước thôi/ Đừng giẫm lên cỏ cho người dưới đau…
Còn Vương Trọng, khi đến nghĩa trang Đồng Lộc đã có một “lời thỉnh cầu” chứa chan yêu thương mà cũng đầy xót xa đối với mười cô gái Thanh niên xung phong liệt sĩ: Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang/ Cho mọc dậy vài cây bồ kết/ Hương chia đều trong hư ảo khói nhang!, chỉ bởi một lí do rất nhân văn về giới tính “người con gái”: Ngày bom vùi tóc tai bết đất/ Nằm xuống mộ rồi, mái đầu chưa gội được (Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc). Ước nguyện đó đã được thực hiện và hai cây bồ kết đã được trồng ở nghĩa trang mười cô gái, gợi nhiều tứ thơ cho các thi nhân về thăm nghĩa trang: … Mỗi chiếc gương con soi thấu muôn đời/ Hàng răng lược trinh nguyên chưa một lần được chải/ Hoa bồ kết hiện lên lung linh trong huyền thoại/ Thơm nghẹn ngào từng mái tóc xanh!... (Đỗ Văn Luyến – Ngã ba Đồng Lộc). Hoa bồ kết “thơm nghẹn ngào” mà lòng ta đau quặn thắt trước hương hồn mười cô gái Thanh niên xung phong hi sinh khi “tất cả chưa có chồng và chưa ngỏ lời yêu”…
Phạm Phát viết khá nhiều thơ về các liệt sĩ. Thơ ba câu: nén chặt, lắng đọng, dư vang. Đây là nơi các anh yên nghỉ: Mấy mươi năm nằm lại giữa rừng/ Súng gỉ và sương trắng/ Đưa võng trên cao. (Mộ trên cao). Đây là nỗi lòng day dứt một đời người chiến sĩ nuôi quân: Một đời anh nuôi/ Về hưu cứ nhớ/ Những nắm cơm thừa sau trận đánh (Những nắm cơm thừa). Đọc mấy câu thơ mà chết lặng người trước tình đồng đội mà như tình anh em ruột thịt một nhà, cái tình ấy cứ vang ngân mãi và lắng đọng sâu sắc trong lòng ta.
Còn đây là mái đầu người cha cúi xuống trên mộ đứa con liệt sĩ: Cỏ xanh như tóc con dưới mộ/ Cha cúi đầu trên mộ/ Tóc bay trong ngàn lau (Tóc lau). Hai màu cỏ, hai màu tóc, một nỗi đau chung cho cả người trên mộ và người dưới mộ. Và đây nữa, nỗi đợi chờ khắc khoải đêm đêm của người mẹ mong ngóng đứa con trở về: Dâm bụt vẫn chong đèn trước ngõ/ Tận khuya mẹ mới đi nằm/ Anh đang ở đâu? (Đèn dâm bụt). Bài thơ đã đóng lại đột ngột bằng một câu hỏi rơi vào thinh không dường như không có câu trả lời cho nỗi đau xé lòng của mẹ.
Là phụ nữ, Đoàn Thị Lam Luyến càng thấu hiểu lòng người mẹ hai mươi năm vẫn chờ đứa con trở về cho dù đã có giấy báo tử. Nỗi đau của mẹ càng lớn thì tình thương con lại càng thiết tha, sâu nặng. Nhà thơ viết về một người mẹ nhưng cũng là cho tất cả những người mẹ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc: Hai mươi năm mẹ vẫn trông chờ…/ Đêm đêm chỉ gió về gọi cửa/ Chiêm bao có cả màu khói lửa/ Sao không về báo mộng ở đâu con?/ Giá có cửa nhà để mẹ được thăm nom/ Ngày báo tử, đâu phải ngày giỗ mất!/ Mẹ vẫn thắp hương trên bàn thờ Tổ quốc/ Cầu tổ tiên mình che chở đứa con xa! (Mẹ vẫn chờ). Ai có thể đo đếm được lòng người mẹ xót thương con, những đứa con đã hi sinh vì Tổ quốc? Không chỉ thương đứa con ruột của mình, mẹ còn xót thương bao đứa con liệt sĩ như cháu con mẹ, một tình thương thấm đẫm đạo lí Việt Nam, lại ngời sáng tinh thần thời đại. Nguyễn Quang Thiều đã ghi lại được một bức tranh chân thực và xúc động về một người mẹ như thế: Mẹ run run đốt những nén hương/ Cắm trước từng bia mộ/ Kìa khói lên, khói lên lặng lẽ/ Những con đường đất trắng của làng quê/ Hồn những chàng trai chiều nay ở đâu xa/ Nhìn thấy khói mà về với mẹ/ (……)/ Chiều phủ kín rồi mẹ ngồi thở từng cơn/ Những mắt hương như mắt người bỏng đỏ/ Trong hoàng hôn hàng trăm bia mộ/ Cũng đang hương lặng lẽ đến bên người. (Trong chiều nghĩa trang)
Mẹ vẫn luôn nhớ và yêu thương các anh, cả quê hương vẫn mở lòng đón những đứa con về - bức tranh “chiều nghĩa trang” day dứt lòng ta về một nỗi đau lớn nhưng lại được xoa dịu bởi một ân tình sâu thẳm Việt Nam, khi các liệt sĩ vẫn luôn được ủ ấp trong tình thương của mọi người.
Và có phải vì thế mà Võ Ngột đã có một giấc mơ đẹp: giấc mơ thúc giục tìm đến nơi này/ nấm mồ bạn tôi cô đơn bên bờ suối/ tọa độ B52 cày xới/ bây giờ đã hóa cỏ hoa/ rễ cây bám sâu vào vách đá/ nơi bạn ngã xuống mọc lên cây lá đỏ/ lá rụng tím chiều/ phủ kín giấc mơ/ giấc mơ thúc giục tôi tìm đến nơi này/ chỉ thấy suối và cây ngập tràn màu đỏ…/ tôi hỏi gió – gió lặng lẽ bay đi/ hỏi mây – mây chẳng nói gì/ mà sao tháng tư trời Quảng Trị/ trong xanh đến thế. (Giấc mơ tháng tư)
Mồ bạn không còn nhưng cái màu đỏ của suối và cây, màu trong xanh của trời Quảng Trị đã nói lên tất cả. Ta hiểu trong cái màu xanh vời vợi của quê hương ấy có sự góp phần của các anh, và bầu trời trong xanh ấy luôn ôm trùm, làm dịu mát hương hồn những đứa con liệt sĩ đã chết vì quê hương, xứ sở.