Dâu tây Trung Quốc có hoạt chất độc: phá hoại cả sức khỏe lẫn kinh tế

Thứ bảy - 01/08/2020 21:13
Đưa những quả dâu tây Trung Quốc ngâm tẩm hoá chất, trong đó có những hoạt chất độc hại để 20 ngày không hỏng - vào Đà Lạt - không chỉ là đầu độc đồng bào mà còn phá hoại rất lớn đến kinh tế.
111
Đà Lạt từng điêu đứng với khoai tây Trung Quốc đội lốt khoai Đà Lạt, và giờ đến lượt dâu tây chứa hoạt chất bảo vệ thực vật gấp 3 lần tiêu chuẩn, để 22 ngày không hỏng. Ảnh Phú Sơn/LĐO
Kết quả xét nghiệm lô dâu tây Trung Quốc bị công an Lâm Đồng bắt giữ quả thật rất đỗi kinh hoàng: Qua phân tích 60 chỉ tiêu theo thông tư 50/2016/TT-BYT quy định giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm thì có 1 hoạt chất là Abamectin có kết quả 0,063 mg/kg vượt gấp 3 lần giới hạn cho phép.

Báo Thanh Niên, dẫn lời ông Lại Thế Hưng, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt BVTV Lâm Đồng phân tích: Abamectin được xếp vào nhóm độc 2. Tại Việt Nam, Abamectin không được sử dụng cho các loại rau củ quả. “Vì là độc nên nếu như sử dụng quá liều lượng và tùy theo người sử dụng ăn nhiều hay ít, tích lũy ra sao sẽ gây ngộ độc cấp tính hoặc mãn tính. Nếu cơ thể tích lũy nhiều sẽ gây ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa, hệ thần kinh và tùy tiếp xúc có thể gây kích thích da và mắt”.

Nói những quả dâu tây ngậm độc là không mảy may sai!

Nó độc đến mức cho đến khi bị bắt giữ, lô dâu tây qua 22 ngày vẫn tươi rói, trong khi dâu tây bình thường chỉ có thể để được vài ngày.

Và từ những quả dâu tây Trung Quốc, không ít người đã nhắc đến những quả táo tàu để nửa năm không hỏng.
Một quả dâu tây từ Trung Quốc vào Đà Lạt đang chứa trong nó không chỉ chất độc.

Hãy nhìn cái giá. Dâu tây Đà Lạt, tuỳ loại, có giá từ 120-400 ngàn/kg. Trong khi đó, dâu tây được đưa từ Trung Quốc sang để đội lốt Đà Lạt chỉ có giá 5.000 đồng/kg, một mức giá mà không một nhà vườn nào có thể làm nổi.
Lợi nhuận quá lớn từ mỗi kg ấy có thể là động cơ để những gian thương nhẫn tâm vì đồng tiền mà vừa đầu độc đồng bào, vừa phá hoại kinh tế. 

Không chỉ dâu tây, khoai tây Trung Quốc đã từng được trộn đất để giả khoai Đà Lạt.

Nhưng tại sao hết khoai tây lại đến dâu?

Lợi nhuận quá lớn, sự tham lam của gian thương là một lý do. Lý do quan trọng hơn là không có hành vi buôn lậu nào bị xử lý hình sự dù cái hại là rất rõ ràng.

Đà Lạt từng rất kiên quyết trong việc bảo vệ thương hiệu nông sản, bảo vệ sản xuất nhưng nếu việc xử lý chỉ là thu giữ, xử phạt thì làm sao mà ngăn chặn nổi.

Hãy kiên quyết bằng chính việc xử lý vụ việc này đi. Có địa chỉ người gửi, người nhận, mà tới cả chục tấn dâu độc- không ít.

Với lòng tham và sự táng tận lương tâm thì có gì phải lăn tăn trong việc xử lý.
 
Theo Báo Lao động

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây