Mỹ đang thể hiện một sự cứng rắn hơn trong chính sách của mình một cách toàn diện tại một khu vực rất quan trọng nhưng đầy bất trắc của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đó là Biển Đông, nhằm ngăn chặn các hành động thái quá của Trung Quốc. Trên một số lĩnh vực cụ thể, những động thái này của Mỹ sẽ khiến cho các quốc gia thuộc không gian FOIP, đặc biệt là các nước ASEAN thấy rõ quyết tâm “tạo ra sự thay đổi” như tuyên bố hôm 24/7/2020 của ngoại trưởng Pompeo từ tiểu bang California…
Ngày 22/7/2020, đại sứ Mỹ ở Việt Nam, ông Daniel J. Kritenbrink tuyên bố sẽ hỗ trợ ngư dân Việt Nam trước các đe dọa bất hợp pháp trên biển. Cục Phòng chống ma túy và thực thi pháp luật quốc tế (INL) thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, và Tổng cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam dịp này đã ký kết Biên bản ghi nhớ (MoU) nhằm tăng cường năng lực thực thi pháp luật thủy sản và quản lý nghề cá. Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân và Đại sứ Mỹ Kritenbrink đã ký MoU này.
Thỏa thuận tăng cường hợp tác nhằm nâng cao năng lực thực thi pháp luật thủy sản và quản lý nghề cá thông qua các khóa đào tạo kỹ thuật, các chuyến đi học tập, trao đổi kinh nghiệm thực ra đã có từ năm 2015. Biên bản lần này sẽ thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật quốc tế giữa hai nước nhằm duy trì bền vững nguồn lợi sinh vật biển và đấu tranh phòng chống đánh bắt cá bất hợp pháp. Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam cho biết những hỗ trợ kỹ thuật trong khuôn khổ MoU này sẽ giúp tăng cường năng lực cho Tổng cục Thủy sản và Cục Kiểm ngư thông qua trao đổi, chia sẻ thông tin, cũng như thực hiện các dự án và chương trình hỗ trợ kỹ thuật phù hợp.
“Mỹ có bề dày kinh nghiệm trong việc quản lý và thực thi pháp luật thủy sản và sẵn sàng chia sẻ. Chúng tôi mong muốn hợp tác cùng Việt Nam nhằm phát triển nghề cá một cách bền vững và hỗ trợ ngư dân Việt Nam trước những đe dọa bất hợp pháp trên biển”. Đấy là phát biểu tại buổi lễ hôm 22/7 của Đại sứ Daniel J. Kritenbrink được báo chí trong nước trích dẫn. Bước sang tháng 2 năm sau (năm 2021), INL dự kiến sẽ bàn giao cho Cục Kiểm ngư một trung tâm huấn luyện tại Chi cục Kiểm ngư vùng 5, Phú Quốc. Trung tâm này sẽ giúp nâng cao đáng kể năng lực cho Cục Kiểm ngư cũng như lực lượng kiểm ngư địa phương tại 28 tỉnh duyên hải của Việt Nam.
Trong một diễn biến liên quan, trước đó ngày 21/7/2020, báo Japan Times đã dẫn thông báo của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cho biết lực lượng này đang tiến hành cuộc tập trận chung với Hải quân Hoàng gia Australia và nhóm tác chiến Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan của Hoa Kỳ. Đợt diễn tập giữa hải quân ba nước như vừa nêu tại khu vực Biển Philippines diễn ra từ ngày 19/7 và kết thúc vào ngày 23/7. Mục tiêu được nói nhằm tỏ rõ cam kết trong chiến lược tự do và rộng mở ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Tham gia đợt diễn tập phía Nhật Bản có tàu khu trục JS Teruzuki thuộc lớp Akizuki; phía Australia có các tàu HMAS Canberra, Hobart, Stuart, Arunta và Sirius. Phía Hải quân Hoa Kỳ ngoài hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan còn có tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Antietam, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Mustin.
Trước khi xẩy ra sự kiện nói trên, ngày 17/7/2020, hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan và USS Nimitz của Hải quân Hoa Kỳ cũng đã tiến vào khu vực Biển Đông. Đây là cuộc tập trận lần thứ hai chỉ trong vòng nửa tháng. Hai nhóm tàu sân bay này của Mỹ cùng hơn 12 ngàn nhân viên quân sự, các tàu khu trục, tàu tuần dương hộ tống cùng hoạt động tại Biển Đông. Ngoài ra có hơn 120 máy bay đã được triển khai, tiến hành tập trận phòng không chiến thuật với mục đích để duy trì tính chuyên nghiệp và khả năng sẵn sàng tác chiến, bảo đảm phản ứng nhanh trước bất cứ sự cố bất ngờ nào. Tin được Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ loan đi, dẫn phát biểu của chuẩn đô đốc Jim Kirk, Chỉ huy Nhóm tác chiến USS Nimitz, rằng: “Nhóm tác chiến tàu sân bay Nimitz và Ronald Reagan hoạt động trên Biển Đông, nơi được luật pháp quốc tế cho phép, nhằm củng cố cam kết của Hoa Kỳ về một vùng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP)”.
Ngay đến cả Viện Sáng kiến Điều tra Nam Hải thuộc Đại học Bắc Kinh cũng từng công bố ghi nhận trong hai ngày 15 và 16/7 vừa qua, Hải quân Hoa Kỳ đã cho máy bay bay qua Biển Đông để đến Đài Loan. Cụ thể, vào trưa ngày 15/7, máy bay không người lái trinh sát tầm cao MQ-4C Triton bay qua Biển Đông đến phía đông nam Đài Loan. Sáng ngày 16/7, một máy bay chống ngầm P-8A và máy bay tiếp liệu trên không KC-135R tiếp tục bay qua Biển Đông để đến phía tây nam Đài Loan. Trong khi đó mạng Nikkei Asian Review của Nhật vào ngày 17/7 loan tin quân đội Mỹ có kế hoạch triển khai một đơn vị tác chiến điện tử đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tin cho hay hoạt động này sẽ được triển khai vào năm tới để thực hiện nhiều sứ mệnh khác nhau, trong đó có tác chiến điện tử và tác chiến mạng.
Điều cần nhấn mạnh ở đây là tất cả mọi động thái can dự nói trên của chính quyền Trump diễn ra ngay sau tuyên bố mạnh mẽ ngày 13/7 của ngoại trưởng Pompeo. Phải chăng điều này phản ánh sự cứng rắn hơn trong chính sách của Mỹ tại một khu vực rất quan trọng nhưng đầy bất trắc của Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đó là Biển Đông, hay đây là động thái nhằm phục vụ cuộc vận động bầu cử của tổng thống Trump? Có thể là cả hai, nhưng rõ ràng tuyên bố của Mỹ đánh dấu bước tiến quan trọng trong khẳng định lập trường của Washington về vấn đề chủ quyền lãnh thổ ở khu vực này. Tuy nhiên, thách thức lớn mà Mỹ cần phải vượt qua là, các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương từng coi các chính sách trước nay của Mỹ đối với khu vực này chủ yếu mang tính đối phó. Tuy Mỹ tuyên bố sẽ đáp trả các hành động bành trướng của Trung Quốc nhưng trên thực tế Mỹ cần công khai một lộ trình can dự dài hạn và cụ thể.
Tổng hợp ý kiến từ giới chuyên gia, ít nhất có 3 lĩnh vực Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa, đó là tăng cường viện trợ, hợp tác, đào tạo dành cho các nước trong khu vực và kịp thời ngăn chặn các hành động của Trung Quốc lăm le chiếm đóng lãnh hải và lãnh thổ các nước. Có như thế, các quốc gia thuộc không gian FOIP, đặc biệt là các nước ASEAN mới tin tưởng vào lộ trình bao quát của Washington, bất kể ai sẽ là chủ nhân Nhà Trắng trong tương lai. Viện trợ ở đây được hiểu là Mỹ sẵn sàng gia tăng các khoản cho vay, cũng như các hoạt động đầu tư và thương mại, đặc biệt là đối với các nước Đông Nam Á. Nhất là đối với các dự án phát triển có sở hạ tầng quốc gia và liên quốc gia. Khi cung cấp tín dụng cho các nước này, liệu Hoa Kỳ có đưa ra mức lãi suất thực dự mang tính cạnh tranh so với Trung Quốc hay không?
Liên quan đến một số thành viên trong ASEAN thường xuyên bị Trung Quốc đe doạ, đặc biệt là sau tuyên bố mới đây nhất ngày 24/7 của ngoại trưởng Pompeo, mối quan tâm hàng đầu hiện nay là Mỹ sẽ có một lộ trình dài hơi nào về những can dự cụ thể để có thể xây dựng được “vành đai chiến lược” của FOIP nhằm ngăn chặn những hành động bành trướng của Trung Quốc ngoài biển đảo cũng như trên đất liền. Riêng đối với Việt Nam, sau khi “Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng năm 2011”, “Tuyên bố về tầm nhìn chung năm 2015 và bản kế hoạch hợp tác quốc phòng 2018-2020” hết hạn, thì chương trình hợp tác và đào tạo Việt – Mỹ sau 2020 sẽ là gì? Cả Hoa Kỳ lẫn Việt Nam từng cam kết tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương, trong đó nhấn mạnh nội dung nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển. Tuy nhiên, sự đón đợi của bộ phận quyền lực về sự nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ từ “đối tác toàn diện” lên “đối tác chiến lược” xem ra vẫn còn là câu chuyện của tương lai.
Một hiện tượng nổi bật khác: hàng loạt các thành viên trong nội các Trump lần lượt lên án các chính sách đối nội và đối ngoại của Trung Quốc. Hôm 24/6/2020, cố vấn An ninh Quốc gia Robert C. O’Brien tấn công thẳng vào hệ tư tưởng của ĐCS Trung Quốc. Ngày 7/7/2020, Giám đốc FBI Christopher Wray nêu bật các đe doạ của Trung Quốc đối với an ninh kinh tế và an ninh quốc gia của nước Mỹ. Ngày 17/7/2020, bộ trưởng Tư pháp William Barr phân tích các phản ứng của Hoa Kỳ đối với các tham vọng toàn cầu của Bắc Kinh. Đến lượt ngoại trưởng Pompeo, ngày 24/7 mới đây, đã tổng kết toàn bộ chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc. Có thể nói chính phủ Hoa Kỳ lần này tung tất cả các bí thuật của cả quyền lẫn cước, ra đòn một cách toàn diện, khá dữ dội để tấn công Trung Quốc. Vì vậy, nhiều nước trong khu vực kỳ vọng rồi đây Mỹ sẽ tăng cường hơn nữa các công cụ ngoại giao hoặc kinh tế. Chẳng hạn như ra tuyên bố trừng phạt tại Liên hợp quốc, nhằm vào các công ty Trung Quốc, đặc biệt là những công ty trá hình của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), hoặc các quan chức chính phủ tại Bắc Kinh có dính líu đến quá trình quân sự hoá trên Biển Đông.
Chính sách của Mỹ, ít nhất qua những tuyên bố từ các nhân vật cộm cán trong hành pháp, có vẻ như đang thay đổi. Mỹ sẽ chủ động hơn trong việc định hình trật tự mới theo những nguyên tắc đã được “Bộ tứ” hay “Bộ tứ Mở rộng” bàn thảo. Với sự cam kết của “Bộ tứ” cốt cán (ngoài Mỹ ra là Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, nay lại thêm cả Anh quốc, Cananda cùng “kề vai sát cánh”), hy vọng hệ thống các đối tác và đồng minh của Hoa Kỳ trên thế giới sẽ cảm nhận được hình hài của “vành đai chiến lược mới” sau những can dự cụ thể như hỗ trợ Việt Nam và một số nước ASEAN tiền tuyến. Sau tuyên bố 13/7, đặc biệt là sau tuyên bố 24/7 của ngoại tưởng Pompeo, thế giới kỳ vọng nhiều hơn vào Hoa Kỳ. Cho đến nay, Mỹ đã thể hiện quan điểm của mình bằng các hoạt động tự do hàng hải (FONOP) hay các cuộc tập trận quân sự như vừa điểm ở trên. Sau các tuyên bố “sát ván” vừa nêu, hy vọng cục diện Đông Nam Á và trật tự thế giới rồi đây sẽ khác. Các nền dân chủ đang đón đợi để được chia sẻ với khẳng định của ngoại trưởng Pompeo tại tuyên bố 24/7/2020: “Cách duy nhất để thực sự thay đổi Trung Quốc là hành động không dựa trên những gì các nhà lãnh đạo Trung Quốc nói, mà dựa theo lối họ hành xử”.