Chúng ta luôn đồng thuận khi đánh giá cái hay, cái đẹp bằng các từ biểu hiện chung: sự “hài hòa”, hợp “quy luật”…
Bạn thấy biển đẹp bất kỳ thời khắc nào, mùa nào, bởi lúc ấy biển và những “chất liệu”, “phụ vật” chung quanh hài hòa với nó. Biển sáng, trưa, chiều tối; biển xanh cát trắng, biển mùa động sóng dữ dội hay gầm gừ từ xa, mây xám hay rả rích mưa, biển đen huyền bí hay huyền hoặc trăng lên… Và nắng và gió và mơn man mát rượi hay giá buốt, náo nức thỏa thuê người hay hoang vắng trầm tư. Tất cả có vẻ đẹp riêng không thể so sánh. Những cung bậc hài hòa này đều sinh ra từ điều bí ẩn của tự nhiên ta gọi là quy luật.
Bạn thích dòng sông quê yên bình soi bóng hàng tre ríu rít tiếng chim, nước trong cá lội; bạn thích cánh đồng mênh mông vàng lúa điểm xanh làng mạc và khói lam chiều; bạn ngỡ ngàng trước vẻ đẹp rợn ngợp của rừng và suối, và gió đại ngàn với vô vàn thanh âm, kỳ hoa dị thảo… Nhưng rồi bạn cũng sẽ thán phục trước vẻ đẹp hoang dại, đầy thách thức và đe dọa của sa mạc hay những vách đá kỳ vĩ ngàn năm chẳng cỏ cây nào sống nổi, những sông băng dường như say giấc vĩnh cửu triệu năm qua… Vì sao vậy? Vì chúng ta đã được tự nhiên chuẩn bị chu đáo những chất liệu, phụ vật để mỗi khác biệt trở nên hài hòa.
Thác nước chỉ đẹp khi quanh nó là núi rừng, vách đá thế nào; trái cây phong ba lênh đênh trên sóng biển đến vài trăm cây số, rồi văng lên một hốc đá nào đó phù hợp, sẽ thành cây; và đương nhiên không thể “cắt” một mảng sa mạc nghi ngút khí nóng đặt giữa cánh đồng lả la cánh cò. Cũng như biển giả, bãi cát và sóng giả chỉ là giải pháp tình thế cho những thỏa mãn thảm hại.
Con người luôn muốn tin và khẳng định mình là trung tâm của vũ trụ, là chủ tể của hành tinh. Vậy họ là ai ngót triệu năm hình thành và phát triển?
Sức mạnh trí tuệ ư? Sao họ bị những sinh vật bé đến mức mắt thường không nhìn thấy giết hại 30-60% dân số châu Âu thế kỷ XIV. Dịch hạch - “cái chết đen”, cứ ngỡ chỉ là ký ức khủng khiếp khi con người đã có thành tựu khoa học vũ bão, bỗng nay, 7 thế kỷ sau, một thứ bé hơn và đầy biến hóa có tên Corona mới, khiến cả thế giới hoảng loạn, lao đao. Những phận “con sâu cái kiến” kiểu châu chấu châu Phi, Trung Đông đang gieo những “đám mây” đói kém, chết chóc cho cả những quốc gia có thành tựu nguyên tử.
Con người làm ra những máy bay, động cơ, chất đốt tên lửa phi thường để khám phá tầng không xa xăm ư? Họ sẽ còn tự hào không, khi mới đây phát hiện loài thần ưng Andes vùng Patagonia bay qua quãng đường 160km mà không cần đập cánh. Nó đã tận dụng những cơn gió, những luồng không khí ấm đẩy lên khi gặp núi cản, nôm na là cách tận dụng luồng khí trong không gian tưởng chỉ là bầu trời trống rỗng để tiết kiệm năng lượng tuyệt vời.
Con người xây dựng những công trình kiến trúc như những kỳ quan cổ đại, hiện đại, những kim tự tháp Ai Cập, vườn treo Babilon, Vạn lý trường thành Trung Quốc, tháp Eiffel Pháp, cầu treo San Francisco Mỹ, tháp Buji Khalifa Dubai cao nhất thế giới… ư? Thế những “căn phòng” tăm tắp lục giác của tổ ong; tổ chim dồng dộc tuyệt đẹp với duy nhất công cụ thực hiện là cái mỏ chim đan những cọng cỏ; và những sợi tơ kỳ diệu của vô vàn loại tổ- nhà của nhện thì sao?
Từ lâu tôi có ý nghĩ khá riết róng: “Trừ những gì do con người tạo ra, những thứ thuộc về tự nhiên đều tuyệt diệu!”
2. Vừa rồi, trong chuyến đi thực tế sáng tác ở Lào Cai, Hà Giang do Hội Văn học nghệ thuật Bình Định tổ chức, tận mắt thấy ruộng bậc thang, con đường và cao nguyên đá Đồng Văn, đèo Mã pí lèng, cáp treo Fansipan…, tôi rút lại ý nghĩ cực đoan của mình. Vấn đề là, ý nghĩ thái quá của tôi bắt nguồn từ việc số đông con người tách mình ra khỏi tự nhiên, thậm chí với ý thức đối lập kiểu “chinh phục thiên nhiên” và tận hưởng sự chinh phục này với niềm kiêu hãnh, ngạo mạn: một cảm xúc bắt nguồn từ chuỗi dài ngàn vạn năm con người bé nhỏ, hoảng sợ trước bí ẩn tự nhiên. Nhưng thôi, đó là chuyện khác.
Phải, con người là một bộ phận của tự nhiên chứ không phải “trung tâm”, hay “chủ thể”!
Không bàn chuyện bòn bóc thiên nhiên kiệt quệ, những cánh rừng biến mất, những dòng sông khô khát, khí thải và lỗ thủng tầng ozon, trái đất nóng lên, bão lũ khô hạn bất thường, mực nước biển tăng dần và sẽ nhấn chìm những vùng đất…, những hoạt động phá vỡ sự hài hòa, quy luật sinh tồn kể trên, kiểu tước đoạt thiên nhiên, cũng là tận diệt mình của con người.
Tôi đã nói cánh lúa đồng đẹp mà quên rằng đây là sản phẩm của con người. Nếu việc thay lau lách, rừng ngập mặn hoang sơ bằng đồng lúa, vừa nuôi sống con người vừa thân thiện với tự nhiên, một không gian bằng phẳng tít tắp chuyển biến bao sắc màu từ công sức và trí tuệ con người, bức tranh tuyệt đẹp tạo ra một hài hòa mới; thì ruộng bậc thang Lao Chải (Lào Cai), Hoàng Su Phì (Hà Giang) hay Mù Cang Chải (Yên Bái)… là bức tranh còn kỳ vĩ và sinh động hơn. Không gian trập trùng đồi núi, cả núi độ dốc lớn, chỉ cần có đất màu, các cư dân Dao, Mông, Nùng, La Chí… bao đời đã làm nên hệ thống ruộng bậc thang như những kiệt tác thiên nhiên, và nuôi sống con người. Nuôi sống đúng nghĩa cộng đồng lớn vì diện tích ruộng bậc thang đến cả ngàn ha. Một sự cộng sinh kỳ diệu. Chúng ta biết rằng để có những tuyệt phẩm ruộng bậc thang hài hòa lợi ích con người với thiên nhiên này, chuyện công sức, trí tuệ từ vạc đất thăng bằng trên các độ dốc, khúc quanh đến dẫn nước ở núi cao hơn về cho cây lúa…, trải nhiều thế hệ mới hoàn thiện. Và đó là chỉnh thể hình thành để tôn tạo nhau qua thời gian, tức một tự nhiên mới. Nhưng nếu ruộng bậc thang làm cho đồi núi sinh động bội phần thì cung đường vắt qua Cao nguyên đá Đồng Văn hơn 170 km, ở độ cao từ 1000- 1600 mét với mực nước biển, một kiệt tác khác, hài hòa thế nào? 11 tháng trời cho đoạn đèo Mã Pí Lèng, một trong “tứ đại đỉnh đèo” vùng núi phía Bắc Việt Nam là những lời nhắn gửi cho tương lai… Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua. Con đường mang tên quốc lộ 4C là một hiện hữu: nó cuốn chúng ta vào những thán phục, ngưỡng mộ khác. Đó là hành trình vào miền cổ xưa đến hàng trăm triệu năm những kiến tạo vỏ trái đất: Cao nguyên đá Đồng Văn, di sản “Công viên địa chất toàn cầu”. Ngoài các dữ liệu phong phú về địa chất khoáng sản, về tài nguyên môi trường, cao nguyên đá Đồng văn được UNESCO đặc biệt đánh giá rất cao về bản sắc văn hóa các cư dân bản địa. Đó là văn hóa các tộc người Mông, Dao, Tày, Nùng… và các dân tộc duy nhất sinh sống tại đây: La Chí, Pu Péo, Pà Thẻn, Lô Lô.
Con đường quanh co bền bỉ vắt qua các sườn núi bằng những gấp khúc kiên trì vượt qua độ cao, sườn dốc gần như dựng đứng; núi cao và vực sâu, loáng thoáng ruộng bậc thang vùng đồi thung lũng; miên man đá và ngô, đá trong ngô, ngô trong đá… Cây ngô sống trên đá. Con người sống trên đá. Hàng trăm hay đã hàng ngàn năm rồi, người và ngô, cuộc sinh tồn vĩ đại này trên núi đá cao nguyên Đồng Văn?
Bản sắc văn hóa, liệu có dòng nào ghi kỳ tích của sự tồn tại này?
Mã Pí Lèng hiểm trở ngoạn mục và dòng sông Nho Quế trứ danh như sợi chỉ thăm thẳm dưới kia đã là di tích danh thắng cuốn hút bao người. Nếu không có con người, không có con đường, những núi và sông này chỉ là thiên nhiên hoang dã, sơ khai mông muội. Không có con người không có “danh sơn đại xuyên” trên hành tinh chúng ta. Ở khía cạnh này, con người không chỉ tạo tác ra con đường dẫn tới sự tôn vinh một di sản thế giới mà còn tạo cơ hội cho tự nhiên và con người tiếp cận nhau để con người sững sờ thán phục, biết trân quý và khởi sinh tình yêu thiên nhiên, bài học đầu tiên làm người trưởng thành.
Con đường, do đó, là một kết nối thân thiện, hài hòa. Một thiên nhiên mới do con người tạo ra. Nó xứng đáng được vinh danh dù hình ảnh chàng trai người Mông say rượu ngô vắt trên mình ngựa được cô gái dắt về nhà vượt qua bao đèo dốc sau phiên chợ, vắng dần. Cũng như chợ tình Khau Vai đã muôn hồng ngàn tía du lịch, tiếng kèn lá tỏ tình sau bờ rào đá cũng thưa vắng khi cư dân bản địa có sẵn trên tay các ứng dụng smartfone. Và, những đứa bé vùng cao mặc trang phục thổ cẩm đẹp, sau lưng là gùi hoa rừng nhiều sắc màu chờ sẵn ở dốc Thẩm Mã, ở khu du lịch “Nhà của Pao”, Lũng Cẩm, làm “mẫu nhí” chào mời du khách chụp ảnh để kiếm tiển, các cháu- những “món hàng” tứa mồ hôi mưu sinh. Rồi món thắng cố, một “quốc hồn quốc túy” vùng cao Tây Bắc giờ thành thứ vong bản trong các nhà hàng chứ không dậy mùi hương đặc trưng trong phiên chợ lạnh giá mờ sương sớm…
Khó níu giữ nguyên vẹn một “bản sắc” theo thời gian khi “vật đổi sao dời” cũng là quy luật. Những hệ lụy này tất yếu ở mọi nơi. Thời gian sẽ làm cái việc cần thiết hình thành một sắc thái văn hóa mới. Vấn đề là con người, khi biết đặt mình ở vị trí một phần của tự nhiên, sẽ có những hành xử phù hợp cho sự cộng sinh bền vững của mình.
3. Ai đó từng viết: “Con người là muối của đất”, rồi: “Con người là hoa của đất”. Đều ngợi ca lao động, sáng tạo và thụ hưởng chân chính của con người về vật chất, tinh thần. Chắc rằng, là “muối” hay là “hoa” đều bắt nguồn từ xuất phát điểm nhận thức, thái độ phù hợp của con người với “đất”, với tự nhiên.
Xem ra, đến thời điểm hiện đại “siêu tốc” này, bài học về cách hành xử với thiên nhiên cũng là bài học lớn để tồn sinh, ví dụ, đập Tam Hiệp - Trung Quốc vô đối thế giới mọi số liệu, với di huấn “chinh phục thiên nhiên” của một lãnh tụ, đang phấp phỏng trong cơn cuồng nộ của tự nhiên!