Liên hoan phim (LHP) Việt Nam - Oscar điện ảnh của Việt Nam sau 21 kỳ tổ chức đang có dấu hiệu hụt hơi, ngày càng thiếu sức hút đối với người làm nghề và với cả công chúng. Nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra như: sự thiếu chuyên nghiệp trong tổ chức, thiếu kinh phí, thiếu các hoạt động quảng bá… Song, điều được cho là cốt lõi là Liên hoan phim (LHP) Việt Nam - Oscar điện ảnh của Việt Nam sau 21 kỳ tổ chức đang có dấu hiệu hụt hơi, ngày càng thiếu sức hút đối với người làm nghề và với cả công chúng. Nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra như: sự thiếu chuyên nghiệp trong tổ chức, thiếu kinh phí, thiếu các hoạt động quảng bá… Song, điều được cho là cốt lõi là thiếu những tác phẩm điện ảnh có chất lượng tốt, đi vào lòng công chúng.
Chất lượng là yếu tố then chốt
Giám đốc Trung tâm Chiếu phim quốc gia Nguyễn Danh Dương góp ý: Để LHP Việt Nam có thương hiệu, uy tín thì phải có nền điện ảnh mạnh, nhiều tác phẩm mang giá trị cao về nội dung, tư tưởng nghệ thuật, có sức lay động tới khán giả. Đây là một trong những vấn đề then chốt. Nhà nước cần có cơ chế chính sách tác động, tạo điều kiện phát triển nền điện ảnh.
“Chỉ có người Việt Nam mới mang đầy đủ hơi thở cuộc sống Việt giới thiệu với bạn bè quốc tế. Chỉ có những tác phẩm tốt, hay mới có sức lay động khán giả, tác động tới mọi người và có sức quảng bá rộng rãi. Thế nên tôi cho rằng, điều kiện tiên quyết đó chính là phải xây dựng được nền điện ảnh đa dạng”, ông Nguyễn Danh Dương nhận định.
Từng làm việc và tham dự LHP quốc tế, đạo diễn, nhà sản xuất Lương Đình Dũng chia sẻ: Có những kỳ LHP Việt Nam không có phim để trao giải cao nhất, đồng nghĩa với việc lượng phim tham gia thiếu phong phú, mất ổn định, cho thấy chúng ta không có nhiều phim hay, phim tốt. Mà sau cùng, chất lượng phim mới chính là cốt lõi của một LHP. Khi phim hay được trao giải, công chúng trong nước quan tâm, các LHP quốc tế, nhà phát hành nước ngoài đánh giá tốt, sẽ khẳng định chất lượng của LHP Việt Nam.
Cũng theo đạo diễn Lương Đình Dũng, trong thời kỳ nền kinh tế hình ảnh được chú trọng như hiện nay, ngoài việc quảng bá hình ảnh văn hóa, con người quốc gia, điện ảnh còn có thể mang lại lợi nhuận rất lớn. Dẫn chứng về doanh thu “khủng” của phim Ký sinh trùng của Hàn Quốc, đạo diễn Lương Đình Dũng cho rằng, chúng ta nên đặt mục tiêu xuất khẩu phim Việt Nam ra nước ngoài.
Nhiều điểm thắt vẫn cần gỡ
Tiếp cận dưới con mắt của người trẻ, đạo diễn Đinh Tuấn Vũ chỉ ra điểm hạn chế của các LHP Việt Nam chính là thiếu sự quảng bá. Công tác truyền thông thường chỉ được bắt đầu trước lúc LHP diễn ra vài tháng. Đó là khoảng thời gian quá ngắn để công chúng có thể biết, tiếp nhận, chứ chưa nói đến tò mò và háo hức về sự kiện.
Hơn nữa, đây là LHP do Bộ VH-TT-DL tổ chức, nên mặc định của khán giả là chủ yếu dành cho những phim do Nhà nước đặt hàng, mặc dù sự thật hoàn toàn ngược lại. Ví dụ sống động là phim Em chưa 18 hay Song lang đoạt giải Bông sen vàng ở 2 kỳ LHP gần đây đều của các nhà sản xuất tư nhân...
“Chúng ta đang ở thời kỳ 4.0, nhưng công tác truyền thông của LHP vẫn không khác nhiều so với cách đây vài thập kỷ. Mà ở thời điểm đó, sự kiện này lại không bị che lấp bởi hàng chục, hàng trăm sự kiện khác được quảng bá rầm rộ như ở thời điểm hiện nay”, đạo diễn Đinh Tuấn Vũ nói.
Bên cạnh câu chuyện về tính “du mục” của LHP Việt Nam, một số ý kiến cũng cho rằng, LHP cần phải có ban giám đốc cố định, hoạt động chuyên nghiệp và liên tục chuẩn bị, chào mời, giới thiệu, quảng bá. Địa điểm tổ chức cũng cố định tại một hoặc vài tỉnh, thành phố để bảo đảm cơ sở vật chất và khán giả đều chuyên nghiệp, góp phần đem đến chất lượng cho LHP.
Điều quan trọng nữa là có ban giám khảo tốt, gồm các nhà làm phim nổi tiếng, có uy tín quốc tế, tham gia chấm giải cùng các nhà làm phim Việt Nam... để chọn lựa được các tác phẩm mang đậm bản sắc Việt Nam, nhưng cũng hội nhập được với nghệ thuật điện ảnh quốc tế.
Dẫn chứng cụ thể về việc này bà Thanh Hường, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, cho biết, các LHP nổi tiếng hay gắn với thành phố, địa danh cụ thể. 18 thành phố của 16 quốc gia nộp đơn lên UNESCO được công nhận là thành phố điện ảnh như Sydney (Australia), Busan (Hàn Quốc), Mumbai (Ấn Độ)... có nhiều thuận lợi. Chính phủ cam kết hỗ trợ, thành phố có nhiều dự án huy động nguồn vốn cho phát triển điện ảnh giữa các kỳ LHP. Ở Việt Nam nên tạo ra từ 3 đến 5 thành phố điện ảnh sẽ góp phần định vị thương hiệu cho điện ảnh Việt Nam.
Với mong muốn vận hành LHP Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết, để có được những cam kết của các thành phố tổ chức LHP trong việc xây dựng một hoạt động chuyên nghiệp, lâu dài là hơi khó, bởi lẽ tư duy nhiệm kỳ vẫn đang hiện hữu; quỹ hỗ trợ điện ảnh vẫn chỉ là niềm mơ ước của người làm nghề…
Song lãnh đạo Cục Điện ảnh khẳng định, sẽ có những điều chỉnh cần thiết, đặc biệt là đổi mới về công tác quảng bá, tuyên truyền. Đội ngũ ban giám khảo cũng sẽ được đổi mới, trẻ hóa về cả quan điểm và tư duy nghệ thuật để dần từng bước khẳng định thương hiệu LHP Việt Nam.