Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn: Dự kiến đỉnh dịch trong 10 ngày tới

Thứ năm - 06/08/2020 15:29

Nhìn vào số ca nhiễm tăng hằng ngày, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng dư luận có thể lo lắng, nhưng tất cả đã nằm trong dự liệu và kịch bản của cơ quan phòng chống dịch.

111
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn kiểm tra công tác chuẩn bị tại Bệnh viện C17 Quân khu 5 - Ảnh: B.D.
"Chúng ta đã có những chỉ đạo quyết liệt để xử lý, việc còn lại góp phần quyết định hiệu quả chống dịch là ý thức tuân thủ những quy định về phòng chống dịch từ người dân. Nếu chấp hành tốt mới hy vọng chiến thắng được và ngược lại."
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn
 
"Dù số bệnh nhân hằng ngày đang gia tăng nhưng đánh giá toàn diện thì đỉnh dịch vẫn phải dự trù trong vòng 10 ngày tới. Vì thế ít ngày tới đây số ca dương tính có thể sẽ tăng lên nên tuyệt đối chúng ta không quá hoang mang, không chủ quan" - Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói với Tuổi Trẻ tại Đà Nẵng sáng 5-8.

Hơn 100 nhân viên y tế đã được chi viện

* Có thể hình dung cuộc chiến chống dịch ở Đà Nẵng đang tới giai đoạn nào, thưa ông?

- Hiện nay việc khoanh vùng dập dịch, truy vết và xét nghiệm đang được làm quyết liệt. Qua phân tích sự lây nhiễm của Covid-19, ngành y tế khuyến cáo trong vòng 10 ngày tới phải hết sức cẩn thận.

Từ truy vết, xét nghiệm, điều trị đến giám sát người dân thực hiện nghiêm chỉ thị 16 phải được làm quyết liệt. Trong thời gian đó, ý thức cũng như vai trò của người dân sẽ quyết định chúng ta có chiến thắng được đợt dịch này hay không.
* Bộ Y tế đã tập trung nhân lực, vật lực như thế nào cho vùng dịch?

- Bộ Y tế đã phản ứng rất sớm với dịch COVID-19 ở Đà Nẵng. Ngay khi nhận thấy bệnh viện là nơi phát hiện ca bệnh đầu tiên, bộ đã cử ngay 6 đội thuộc các cục, vụ, viện của bộ tức tốc vào Đà Nẵng. Đến ngày 30-7 đã có bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Đà Nẵng với nhiệm vụ gọi là "toàn quyền y tế" tại khu vực miền Trung về tất cả các vấn đề trang thiết bị, nhân lực, vật lực...

Đến bây giờ đã huy động hơn 100 nhân viên từ khắp các bệnh viện trên cả nước về đây truy vết, hỗ trợ tăng năng lực xét nghiệm kháng thể và kháng nguyên PCR đối với virus. Ngoài ra còn có một đội mới là đội truyền thông, khác biệt so với giai đoạn 1 vì chúng tôi muốn mang đến những thông tin chính thống, trung thực và nhanh chóng để người dân hiểu, an tâm rằng ngành y tế đã vào cuộc.

Mỗi giai đoạn có 1 kịch bản

* Ông đánh giá thế nào về việc kiểm soát dịch ở miền Trung hiện nay?

- Hiện giờ chúng ta đã thực hiện thành công những nội dung triển khai. Tuy nhiên vẫn không thể chủ quan, mà phải làm tốt hơn nữa. Ví dụ như năng lực xét nghiệm chúng ta phải mở rộng.

Ngoài ra, chúng ta phải tăng cường năng lực của đội truy vết. Chúng tôi đã điều không chỉ những chuyên gia dịch tễ học hỗ trợ Đà Nẵng mà còn hỗ trợ Quảng Nam phân tích số liệu, truy vết để dập dịch. Chúng ta còn phải cố gắng hơn trong việc chăm sóc, điều trị vì đã có những bệnh nhân tiên lượng khó đoán.

* Nếu dịch ở Đà Nẵng, Quảng Nam không thể kiềm chế mà lan ra ở mức độ nghiêm trọng hơn thì sẽ thế nào, thưa ông?

- Chúng ta đã dự trù về nguồn lực, dự kiến cho những tình huống xấu nhất. Đối với mỗi giai đoạn chúng ta lại có những kịch bản khác nhau. Chúng ta hoàn toàn chủ động trong việc này. Hãy nhìn xem có những khu hồi sức tích cực, bệnh viện dã chiến làm ngày làm đêm trong vòng 4 ngày.

Ngành y tế chúng tôi xác định sẽ phải khổ cực thêm một khoảng thời gian nữa để người dân, xã hội chống được dịch COVID-19.

Truy vết F0 đã không còn quá quan trọng

* Việc làm sạch các bệnh viện được xác định là "ổ dịch" đã cơ bản hoàn thành, tại sao Đà Nẵng lại cần có sự chi viện nhiều từ các địa phương khác?

- Đối với đợt dịch này, việc phát hiện những ca dương tính rất đặc biệt vì có nhiều bệnh nhân nặng. Việc truy vết trong cộng đồng cũng cần có sự tham gia của nhiều chuyên gia. Vì vậy bên cạnh nhân lực tại chỗ thì cần sự chi viện tổng lực từ bộ và các bệnh viện khác đến để tham gia hỗ trợ điều trị, xây dựng những cơ sở để tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Phổi, Bệnh viện dã chiến Hòa Vang và Bệnh viện dã chiến.

Ngoài ra, Bộ Y tế đã cử một đội từ Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cùng các chuyên gia đến để hỗ trợ xây dựng kế hoạch, phân khu cách ly tại khu dân cư, truy vết những trường hợp nghi ngờ nhiễm COVID-19 trên địa bàn.

* Đã hơn 10 ngày truy vết nhưng nguồn lây từ ổ dịch tại Đà Nẵng, Quảng Nam vẫn chưa tìm ra. Việc truy vết có còn tiếp tục nữa không?

- Việc truy vết F0 đầu tiên tại Đà Nẵng hiện không còn là mục tiêu chủ yếu nữa. Mục tiêu của chúng ta bây giờ là sử dụng xét nghiệm kháng thể phát hiện những ca dương tính trong cộng đồng. Những trường hợp dương tính kháng thể có nghĩa là những trường hợp đã nhiễm lâu rồi và chúng ta sẽ phải truy vết xung quanh trường hợp đó (bằng xét nghiệm RT-PCR) để tìm xem có những trường hợp nào bị lây nhiễm trong thời gian gần đây hay không.

Tôi hi vọng hết 14 ngày, chúng ta có thể kiểm soát được và thành phố Đà Nẵng sẽ có những bước chuyển có thể từ chỉ thị 16 "cách ly xã hội" qua chỉ thị 19 của Chính phủ trong tình thế hiện nay...

Chuyên gia tâm lý rất cần thiết
* Ngoài lực lượng khám chữa bệnh, đang có mặt tại Đà Nẵng, Quảng Nam những ngày này còn có các chuyên gia tâm lý. Vì sao lại có sự điều động này?
- Đối với việc tham gia của các chuyên gia tâm lý trong các thảm họa như dịch, tình huống khẩn cấp là rất cần thiết. Việc ổn định tâm lý sẽ giảm bớt ảnh hưởng có hại cho xã hội. Bên cạnh việc truyền thông, ổn định tâm lý người dân còn bằng các hành động của chúng ta.
Qua thực tế những ngày vừa rồi cho thấy nhiều gia đình có người nhiễm hoàn cảnh rất thương tâm, sự lây lan nhanh và tấn công mạnh đã làm các ca tử vong xảy ra trong thời gian ngắn. Nhiều gia đình có nhiều người cùng mắc. Rơi vào trường hợp này, nếu không vững lòng sẽ dễ dẫn tới hoảng loạn. Đây là những lúc mà công tác tham vấn, trấn an tâm lý rất cần thiết.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây