Hiệp định RCEP: Nỗi lo hàng Trung Quốc chất lượng thấp tràn ngập thị trường Việt Nam

Thứ tư - 20/01/2021 15:09
So với các Hiệp định khác, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được coi là ‘dễ dãi’ nhất về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa. Tại một hội thảo sáng nay (20/1) tổ chức tại Hà Nội, một số đại biểu tỏ ý lo ngại về điều này.
111
Viện trưởng CIEM: Thông tin về tiến triển đối với RCEP hầu như rất hạn chế trong suốt 3 quý đầu năm 2020. Ảnh: Mạnh Cường

So với các Hiệp định khác, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được coi là ‘dễ dãi’ nhất về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa. Mới đây, Việt Nam đã ký kết Hiệp định này ngày 15/11/2020 và trong bối cảnh cần hoàn thiện thể chế chính sách cho phù hợp, nỗi lo về nhập khẩu hàng hóa chất lượng thấp từ nước ngoài sẽ tràn ngập thị trường Việt Nam lại dấy lên.

Để thực hiện hoàn thiện thể chế chính sách cho RCEP, sáng nay, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương đã tổ chức hội thảo xin ý kiến của các chuyên gia kinh tế đầu ngành về vấn đề này.

Mở đầu hội thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Trần Thị Hồng Minh cho biết: Thông tin về tiến triển đối với RCEP hầu như rất hạn chế trong suốt 3 quý đầu năm 2020, và chỉ được đề cập nhiều hơn gần thời điểm ký kết Hiệp định này. Mặc dù vậy, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương vẫn theo dõi sát những diễn biến của Hiệp định.

“Ngay đầu năm 2020, tôi cũng đã chỉ đạo thực hiện nghiên cứu về thực hiện RCEP hiệu quả gắn với cải thiện tính tự chủ của nền kinh tế Việt Nam”TS. Hồng nói.

Nền kinh tế Việt Nam cũng đang phải chịu khó khăn và hệ lụy tiêu cực do đại dịch COVID-19. Trong đó, những cụm từ như “gián đoạn” hay “đứt gãy” chuỗi cung ứng được nhắc đến thường xuyên, và thực tế đã có những thời điểm gây ra nhiều quan ngại cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Đặt trong bối cảnh ấy, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định xuất khẩu vẫn là một cấu phần quan trọng trong “cỗ xe tam mã” để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo đó, Việt Nam đã có những kết quả quan trọng về hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có việc phê chuẩn và thực hiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), và mới nhất là ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vào ngày 15/11/2020.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương có bài tham luận tại Hội thảo đã chỉ rõ những thách thức đan xen khi ký kết RCEP.

Đối với đầu tư nước ngoài, RCEP cũng có cả cơ hội và thách thức đan xen nhau. Việt Nam có thêm cơ hội thu hút FDI từ sự dịch chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc do tác động của chiến tranh thương mại, công nghệ Mỹ - Trung Quốc, cũng như những xu hướng cân nhắc mới trong và sau đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, thách thức cũng không nhỏ, bởi: nhìn nhận và xử lý hiệu quả nhập siêu gắn với đầu tư nước ngoài ở thị trường RCEP là một thách thức lớn, thậm chí trở nên phức tạp hơn; sàng lọc chất lượng của dự án FDI là chủ trương đúng, nhưng thực hiện không dễ sau khi RCEP đi vào thực thi; kiểm soát dòng vốn đầu tư nước ngoài từ RCEP và hệ lụy đối với kinh tế vĩ mô vẫn là một vấn đề phức tạp; khó khăn trong cân đối giữa thu hút, bảo vệ nhà đầu tư và quyền xây dựng chính sách của Việt Nam.

111
Quang cảnh buổi hội thảo, Ảnh: Mạnh Cường

Chính vì vậy, khác với CPTPP và EVFTA, RCEP nhận được nhiều ý kiến trái chiều hơn. Có ý kiến cho rằng RCEP vẫn có lợi ích ròng về kinh tế, có ý kiến cho rằng RCEP làm tăng rủi ro nhập siêu trong khi không có nhiều tác động về thể chế đối với Việt Nam. Trong khi đó, chúng ta lại chứng kiến những đề xuất mới mang dáng dấp “cạnh tranh” với RCEP, chẳng hạn như chuỗi cung ứng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Đa phần các chuyên gia kinh tế đều bày tỏ nỗi lo về hàng Trung Quốc chất lượng thấp sẽ tràn ngập thị trường Việt Nam.

Mang đến Hội thảo với bài phát biểu của mình, Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WHO và Hội nhập, VCCI đưa ra cảnh báo về Hiệp định RCEP có tiêu chuẩn chất lượng thấp hơn so với các hiệp định CPTPP và EVFTA, sẽ làm tăng nhập khẩu hàng hóa chất lượng thấp từ Trung Quốc và các nước Asean.

“RCEP là một hiệp định khó khăn nhất với chúng tôi vì có tiêu chuẩn hàng hóa thấp”, TS. Nguyễn Thị Thu Trang phát biểu và nhấn mạnh thêm: “Nguy cơ nhập khẩu hàng Trung Quốc chất lượng thấp bùng phát tràn ngập thị trường là khó tránh khỏi. Điều này không đem lại nhiều lợi ích mà còn gây ảnh hưởng xấu các ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam”.

“Việc nhập khẩu dễ dàng hàng hóa từ một nước sẽ làm tăng gian lận thương mại và thặng dư thương mại. Như ở Mỹ, dưới thời tổng thống Trump, đã trừng phạt 10 quốc gia có thặng dư thương mại với Mỹ”, bà Trang nói và thêm rằng: “Đây chỉ là một trong số các hiệp định, chúng ta có nhiều sự lựa chọn tương tự khác, và cần nghiên cứu về ‘tương lai của RCEP’ trong bối cảnh các chính sách Trung Quốc ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu và RCEP nói riêng”.

Cùng quan điểm với bà Trang, chuyên gia kinh tế, Phó GS-TS Lê Xuân Bá cho rằng mỗi Hiệp định đều có những lợi ích và thách thức khác nhau. Việc tham gia cần được nghiên cứu kỹ lưỡng: “Chúng ta cần tính toán cẩn thận, nếu lợi nhiều thì làm, lợi ít mà tác hại nhiều thì không làm. Tiềm năng xuất khẩu chưa thấy đâu nhưng nguy cơ hàng rẻ chất lượng thấp tràn ngập thị trường thì phải tính đến”.

“Nếu chúng ta làm cái dễ quen rồi thì sẽ mất đi động lực nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa. RCEP là Hiệp định có tiêu chí chất lượng thấp hơn, như vậy về lâu dài sẽ không có lợi cho sự phát triển về chất lượng của nền kinh tế Việt Nam”, TS. Lê Xuân Bá nói.  

Kết thúc Hội thảo TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng phát biểu: Việt Nam và các nước ASEAN có vai trò trung tâm trong việc hình thành ý tưởng và quá trình đàm phán Hiệp định này, thì phần thực thi cũng phải giữ được vai trò trung tâm. Theo đó, các nước ASEAN phải gia tăng hợp tác hiệu quả, thay vì cạnh tranh với nhau theo hướng “đua xuống đáy”.

"Các lĩnh vực cần lưu tâm chính là những lĩnh vực cải cách liên quan đến thương mại và đầu tư (như môi trường đầu tư, kết nối trong chuỗi giá trị, v.v.) và những nội dung khác cần tiếp tục thỏa thuận và hoàn thiện sau khi RCEP đi vào thực thi. Đây cũng chính là tiền đề quan trọng để các nước đối tác tôn trọng và cùng phát huy vai trò trung tâm của ASEAN", bà Minh nói.

Những thách thức này ít nhiều đều ảnh hưởng đến mức độ tự chủ của nền kinh tế Việt Nam, song vẫn có thể xử lý được. Việt Nam cần tiếp tục ủng hộ chủ nghĩa đa phương. RCEP không phải là FTA duy nhất hay là FTA cuối cùng mà Việt Nam có với các đối tác. Vì vậy, việc thực hiện RCEP cần đặt trong một cân nhắc tổng thể và toàn diện hơn về việc tham gia và đóng góp vào chủ nghĩa đa phương trong bối cảnh mới.

 

Theo Mạnh Cường /NB&CL

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây