Đầu độc người tiêu dùng gián tiếp hay trực tiếp đều là tội ác. Nhưng vì miếng cơm manh áo, vì lợi trước mắt mà huỷ hoại sức khoẻ người khác là việc làm quá thất đức trong kinh doanh.
Đồng nghiệp hò nhau đi ăn ốc, tôi giật mình khi bị đập vào mắt những dòng thông tin Công an TP.HCM vừa phát hiện 2 tấn ốc “ngậm” hoá chất công nghiệp ở một cơ sở chế biến ốc lớn ngay cạnh chợ đầu mối nông sản Bình Điền.
Tại cơ sở này, công an phát hiện công nhân pha chế hoá chất với nước rồi ngâm ốc trong vòng 7 tiếng. Sau khi ốc ngậm hoá chất căng bóng và nhìn sạch sẽ được giao cho các quán ốc và người bán lẻ tại các chợ trên địa bàn thành phố.
Lúc này, tôi nghĩ đến những xe bán ốc dọc một số con đường, từ trưa đến chiều, giữa thời tiết 38 độ C mà ốc vẫn không bốc mùi hỏng. Ngược lại, mùi hoá chất bốc lên nồng nặc tại các quán ốc. Ở đó, khách hàng vẫn xì xụp ăn nhậu và hàng tấn thực phẩm ngậm hoá chất được bơm vào dạ dày, vô tư xâm nhập khắp cơ thể con người, tích tụ dần dần thành bệnh.
Theo chuyên gia y tế, các hoá chất bảo quản, ngâm tẩy thực phẩm có thể gây rối loạn tiêu hoá, viêm loét dạ dày, tổn thương mao mạch. Về lâu dài, người dùng thường xuyên có thể suy gan, suy thận, ung thư…
“Hoá chất, chất bảo quản được dùng tràn lan, vô tội vạ trong bảo quản và chế biến thực phẩm là vấn đề không mới, nhưng nói mãi vẫn không có tác dụng gì đến những người kinh doanh vô lương”. Một bạn đọc bình luận dưới bài viết liên quan “ốc ngậm hóa chất” nói trên. Lời cảm thán của bạn đọc thể hiện sự bất lực trước một thực trạng nhức nhối từ lâu.
Điều đáng nói, hàng năm số liệu của Tổng cục Thống kê về các vụ ngộ độc thực phẩm năm sau vẫn cao hơn năm trước. Số liệu của Bộ Y tế về các bệnh liên quan đến đường ruột, bệnh ung thư đều ở mức báo động. Thế nhưng, hàng nghìn tấn thực phẩm bẩn vẫn có thể lưu thông và tiêu thụ trên thị trường mỗi ngày.
Câu hỏi đặt ra, cơ quan chức năng không kiểm soát được hay chế tài xử lý đối tượng kinh doanh thực phẩm bẩn, chưa đủ mạnh, khiến nhiều người vẫn bị lợi nhuận ám mất lương tâm?
Dẫn chứng cho sự “nhẹ tay” này, chính là cho đến nay, chỉ có một vài trường hợp kinh doanh thực phẩm bẩn bị xử lý hình sự. Cho dù hành vi cố ý gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm, gây nguy hiểm cho xã hội và sức khoẻ người tiêu dùng, được quy định rõ trong Bộ luật Hình sự.
Mấu chốt ngăn chặn vấn nạn này là các cơ quan quản lý cần mạnh tay đối với những cơ sở kinh doanh mặt hàng ăn uống, thực phẩm không đảm bảo. Đặc biệt, nói không với việc nhận hối lộ, xử lý vấn đề theo kiểu “mắt nhắm mắt mở”, cho qua. Cần tăng cường mức độ xử phạt, thậm chí xử lý hình sự đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn; Đầu tư xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng thực phẩm từ khâu chăn nuôi, trồng trọt, đến các chợ đầu mối, siêu thị, và các hộ kinh doanh.
Đầu độc người tiêu dùng gián tiếp hay trực tiếp đều là tội ác. Nhưng vì miếng cơm manh áo, vì lợi trước mắt mà huỷ hoại sức khoẻ người khác là việc làm quá thất đức trong kinh doanh.
Theo Ngọc Lâm/Tiền phong
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên