Trong thời phong kiến, sự đam mê quyền lực của các hôn quân được coi như sử dụng quyền lực theo lợi ích vị kỷ. Cũng đam mê lực như vậy, nhưng các bậc minh quân lại sử dụng quyền lực để mang lại lợi ích cho toàn dân.
Ngày nay, trong thể chế dân chủ, quyền lực khái quát là của dân nhưng rồi dân cũng phải lựa chọn người đại diện cho mình để thực thi quyền lực. Trong một nhiệm kỳ vài năm mà quyền lực được sử dụng một cách tiêu cực thì tai hại cũng đáng kể lắm, có khi vài nhiệm kỳ sau cũng chưa khắc phục được. Vì vậy mà làm gì để quyền lực luôn được người có thẩm quyền sử dụng một cách tích cực là một câu hỏi lớn được đặt ra tự cổ chí kim.
Quyền lực luôn gắn với lợi ích
Quyền lực được thể hiện bằng các quyết định do người nắm quyền lực ban hành. Quyết định đó tác động đến lợi ích của nhiều người khác trong phạm vi ảnh hưởng, có nhóm người được lợi và có nhóm người chịu thiệt. Ví dụ như một quyết định thu hồi đất để giao hoặc cho thuê đất đó cho một nhà đầu tư, nhà đầu tư được lợi vì có đất, những người đang sử dụng đất bị thiệt vì mất đất.
Tương tự, một quyết định giao chi ngân sách nhà nước cho một tổ chức nào đó, tổ chức đó được lợi và toàn dân chịu thiệt. Nếu nhóm được lợi mà làm ra lợi nhiều hơn để bù cho nhóm chịu thiệt thì quyền lực quyết định là có hiệu quả. Ngược lại, khi ngân sách hay đất đai được giao không làm ra lợi ích nhiều hơn, thậm chí biến thành của riêng thì quyền lực đó trở thành suy đồi.
Quyền lực luôn gắn với lợi ích, vì vậy mà trở thành ham muốn của nhiều người, có người muốn có quyền lực để làm điều tốt cho dân, có người muốn chỉ để cho mình. Ở Việt Nam hiện nay, nhìn từ các vụ án tham nhũng lớn, lợi ích riêng từ các quyết định quản lý thường chỉ gắn với đất đai, tài nguyên khoáng sản và chi ngân sách nhà nước. Nhiều quan chức cấp cao ở trung ương, địa phương đã lâm vào vòng lao lý cũng chỉ vì các lợi ích riêng này từ lạm dụng thẩm quyền.
Ranh giới giữa tích cực và tiêu cực trong sử dụng quyền lực khá mỏng manh. Người nắm giữ quyền lực luôn có cách thức tinh khôn để che đậy ý đồ riêng, tạo được một hệ thống quyền lực thứ cấp thành một nhóm lợi ích riêng khó bị phát hiện. Trong đời sống xã hội, dân gian vẫn khúc khích tán dương về một quy định mẫu “Điều 1: Thủ trưởng là đúng; Điều 2: Trong trường hợp thủ trưởng sai thì áp dụng điều 1”.
Trên thực tế, quyền lực thực sự rất khó kiểm soát, thông thường thì mọi người đều phải chờ đợi kết thúc nhiệm kỳ với hy vọng vào lãnh đạo mới trong nhiệm kỳ mới.
3 nguyên tắc cơ bản để có hệ thống quản trị tốt
Trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng khóa 12, vấn đề kiểm soát quyền lực được đặt ra như một trọng tâm trong xây dựng Đảng và đổi mới thể chế quản lý hướng tới cương quyết phòng, chống tham nhũng hiệu quả. Việc đẩy mạnh đấu tranh tự phê bình và phê bình trong Đảng đã nâng cao hiệu quả, loại bỏ những lệch lạc trong thực thi quyền lực, tạo khối thống nhất toàn Đảng, toàn dân như một vũ khí kiểm soát quyền lực.
Nhìn tổng thể, trong cơ chế thị trường đầy cám dỗ từ lợi ích, việc kiểm soát quyền lực cần tới những giải pháp mang tính thể chế để đạt hiệu quả cao hơn. Kể từ khi chế độ phong kiến sụp đổ, nhân loại đã có nhiều nghiên cứu về xây dựng thể chế nhằm kiểm soát quyền lực.
Trong thời hiện đại, một lý thuyết về kiểm soát quyền lực mang tên “quản trị” đã được hoàn thiện trong khoảng hơn 20 năm nay và được áp dụng rộng rãi ở mọi quốc gia mong muốn phát triển.
“Quản trị” đặt vấn đề rất giản dị. Quản lý truyền thống dựa trên thẩm quyền quản lý của cán bộ nhà nước trong ban hành các quyết định quản lý luôn biểu hiện theo chiều trên xuống. Cán bộ có thẩm quyền luôn ở thế chủ động hình thành nội dung các quyết định, người dân luôn ở thế bị động phải thực hiện các quyết định, kể cả trường hợp mình chịu thiệt hại vô lý.
Vậy vấn đề được đặt ra là bằng cơ chế nào để các quyết định quản lý phải bảo đảm hiệu suất cao trong mục tiêu công, không gây xung đột lợi ích giữa các bên có lợi ích liên quan.
Điều kiện này có nghĩa là quyết định quản lý phải bảo đảm hiệu suất cao và công bằng về lợi ích. Kết quả thu được: Một hệ thống quản trị tốt cần dựa trên 3 nguyên tắc cơ bản: một là người dân tham gia vào quản lý và giám sát việc thực thi pháp luật; hai là công khai, minh bạch thông tin quản lý để người dân có thể tham gia; và ba là cơ quan quản lý phải chịu trách nhiệm giải trình trước các ý kiến tham gia của dân. Như vậy, lý thuyết quản trị đã tạo chiều tham gia dưới lên để kiểm soát quyền lực quản lý.
Tại Việt Nam, điều 28 của Hiến pháp 2013 đã thể hiện nguyên tắc cơ bản về quyền tham gia quản lý của dân và cơ quan nhà nước có trách nhiệm tạo điều kiện cho dân tham gia. Các luật của nước ta cũng tiếp cận quản trị công không nhất quán với Hiến pháp, mức độ và cách hiểu cũng khác nhau.
Nhìn lại toàn bộ, chỉ có luật Đất đai 2013 có quy định khá đầy đủ về quản trị đất đai tại điều 199 (quyền giám sát trực tiếp của dân) và điều 200 (vận hành hệ thống giám sát và đánh giá về quản trị đất đai).
Việc hình thành 2 điều này là do nỗ lực vận động của Chương trình hậu WTO và hoạt động trợ giúp của Ngân hàng Thế giới. Rất tiếc là 2 điều nói trên vẫn nằm nguyên trên giấy, không hề được thực thi trên thực tế.
Trong hầu hết các luật khác, người dân tham gia giám sát phải thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, mà Mặt trận lại không tổ chức được nơi nhận ý kiến tham gia của dân và chuyển tới các cơ quan nhà nước thực hiện trách nhiệm giải trình. Cơ chế kiểm soát quyền lực quản lý bằng thể chế quản trị vẫn cần một thời gian nữa để đưa vào cuộc sống thực.
Đứng trước Đại hội Đảng khoá 13, hy vọng rằng thể chế quản trị tốt sẽ được thực thi rộng khắp nhằm kiểm soát được quyền lực từ khi hình thành các quyết định quản lý với sự tham gia của dân. Tham nhũng sẽ bị đẩy lùi, nước ta có thể sảng khoái bước dài tới mục tiêu một nước phát triển.
GS.TSKH Đặng Hùng Võ /VietNamnet
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên