Trước thềm Đại hội Đảng lần thứ XIII, Dân Việt xin đăng tải 2 bài viết của đại tá Nguyễn Quang Vinh - nguyên Phó Giám đốc Truyền hình ANTV, nói lên trăn trở, suy tư của ông về những vấn đề xung quanh mấy chữ "Công bộc của dân".
Nói về mấy chữ "Công bộc của dân", trong thư gửi UBND các kỳ, tỉnh, huyện và làng năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta".
Từ “phục vụ” thành “ban ơn”
Câu cửa miệng khi bạn bè lâu ngày gặp nhau thường là: "Làm gì, có khá không?" trước khi hỏi về gia đình, người thân - đó cũng là lẽ thường tình khi cuộc sống người Việt vốn nhiều khó khăn, vất vả và mỗi người luôn bươn chải để xây dựng tổ ấm của mình. Thế nhưng khi hỏi "Chức vụ gì, có khá không" thì đã khác rồi.
Chức cao thì lộc nhiều, càng ở vị trí quan trọng (tức là công việc càng thiết thân với nhu cầu của người dân) thì càng "có giá", và đã "có giá" thì con người ta chấp nhận "cái giá" đưa trước để đánh đổi lấy chỗ ngồi đó một cách tương xứng.
Từ hơn chục năm trước, nhân dịp 30 năm trở về trường cũ, tôi nghe ông bạn kể chuyện phải bỏ ra một khoản tiền tương đương căn hộ chung cư cao cấp chỉ để hoán vị cái chức Phó Trưởng phòng của sở sang Phó Trưởng huyện… "Ô hay, cái phòng của ông luôn có vị trí quan trọng bậc nhất, chuyển sang ngang (nếu chưa nói là về cơ sở) mà ông điên hay sao lại mất thêm cả chục năm lương như thế?" - ông bạn bật cười với câu hỏi "nai tơ" của tôi.
Chả là "về quê" thì Phó Trưởng huyện là "đầu gà", còn ở thành phố thì cái chức Phó Trưởng phòng chỉ là "đuôi ngan" mà thôi, mà đã là đuôi thì không bao giờ có bổng lộc. Bỏ ra mấy tỷ đồng coi như "đầu tư" trong vòng hai đến ba năm là "thu hồi vốn" và từ đó cho đến cuối sự nghiệp công tác chỉ có "mùa thu".
Chính vì câu chuyện "mùa thu" mà có những "công bộc của dân" đã nghĩ trăm mưu nghìn kế để biến một cái việc cỏn con, đương nhiên thành rối rắm, phức tạp, vòng vo… khiến cho người dân phải nhờ vả, năn nỉ, biếu xén, cám ơn… và thế là "Công bộc của dân" được đón nhiều "mùa thu", hoàn lại cái vốn ban đầu đã bỏ ra.
Không chỉ thế, khi được nhờ vả, biếu xén để giải quyết một việc thuộc về chức năng phải làm của mình, các "công bộc của dân" lại cố ý "hiểu nhầm" nghĩa của từ "phục vụ" thành "ban ơn", biến nhiệm vụ phục vụ nhân dân thành việc kiếm tiền của dân, muốn từ công bộc trở thành "ông chủ" của nhân dân.
Ngay từ năm 1945, Bác Hồ đã cảnh báo: "Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là Công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân chứ không phải để đè đầu dân".
Cách đây vài năm báo chí đã đăng tải câu chuyện ông Phó Chủ tịch xã thuộc tỉnh Hải Dương, thay vì "xác thực nhân thân" để người ta đi xin việc thì ông đã phê vào bản lý lịch "bản thân và gia đình chưa chấp hành và thực hiện tốt quy định của địa phương" chỉ bởi vì một năm trước gia đình khó khăn nên không có 2 triệu đồng để đóng góp làm đường liên xã.
Về câu chuyện tưởng như rất nhỏ này, Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - cho rằng có hai vấn đề trong một bộ phận cán bộ công chức hiện nay,
Một là, ngộ nhận về quyền lực của mình: Họ tưởng rằng họ có quyền ban ơn cho người khác nên nhân một cơ hội nào đó, họ đã gây khó dễ cho dân hoặc để "kích hoạt cơ chế xin cho" với những dịch vụ mà đáng ra họ phải làm để phục vụ người dân.
Hai là, yếu kém về nhận thức: Cán bộ được người dân bầu ra, dân đóng góp kinh phí để họ phục vụ người dân chứ không phải để cai trị. Khi họ nghĩ rằng mình đang cai trị thì đã trở thành câu chuyện rất lớn rồi.
Những câu chuyện về việc cán bộ xã ăn chặn tiền cứu trợ bão lụt, tiền hỗ trợ Tết cho người nghèo; cán bộ đưa gia đình và họ hàng của mình vào danh sách hộ nghèo để nhận tiền cứu trợ của Chính phủ hay những vụ việc lên danh sách "ma" trong chia đất công để hưởng lợi… bị phát giác trong thời gian qua là nỗi đau về đạo đức, nhân cách của cán bộ cấp cơ sở.
Tôi không đồng ý với khái niệm "tham nhũng vặt" khi chỉ những hành vi kiếm tiền kiểu này bởi họ không chỉ làm tổn hại uy tín của những cán bộ, đảng viên chân chính mà còn làm mất lòng tin của nhân dân với Nhà nước, với chế độ. Một chính quyền "của dân, do dân và vì dân" không thể chấp nhận việc tồn tại những "công bộc" vi phạm kỷ cương phép nước. Xử lý nghiêm, không nương nhẹ, không châm chước đối với những cán bộ này mới làm yên dân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng tuyên bố xây dựng một Chính phủ kiến tạo, phục vụ nhân dân. Nếu cán bộ, công chức không phải là người phục vụ nhân dân thì nhân dân quyết không cần đến họ...
Không thể để tồn tại những ông "quan cách mạng"
Trước ngày Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập (6/1/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự Lễ ra mắt các ứng cử viên trước toàn thể nhân dân Thủ đô. Tại đây, Người đã căn dặn: "Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu". Theo Người, một Nhà nước mới "của dân, do dân và vì dân" là Nhà nước do nhân dân xây dựng để phục vụ lợi ích của dân tộc và nhân dân chứ không phải để cai trị dân.
Và cũng xin được nhắc lại thái độ kiên quyết của Bác Hồ trong tác phẩm "Sửa đổi lề lối làm việc" viết năm 1947: "Phải lôi cổ những ông quan cách mạng này xuống".
Những lời cảnh báo của Người đối với những cán bộ không làm tròn trách nhiệm nhân dân giao phó, không thực sự là công bộc của dân, lợi dụng chức quyền để vơ vét cá nhân… vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay.
Trước thềm Đại hội XIII của Đảng, có rất nhiều thông tin nhiễu loạn về các nhân sự quan trọng, trong quy hoạch các cấp. Hãy gạt sang một bên những thông tin hỏa mù mang động cơ bôi nhọ cá nhân trước thềm Đại hội Đảng tại địa phương hay T.Ư - thế nhưng rất nhiều thông tin được "phát lộ" thời điểm này về đạo đức tư cách; về bằng cấp, đào tạo; về bổ nhiệm thần tốc không theo một quy trình nào… của một vài trường hợp cán bộ đang nằm trong diện "quy hoạch" chính là phản ứng rất có trách nhiệm của quần chúng, không thể để những người không đủ đạo đức và tư cách lọt vào hàng ngũ lãnh đạo.
Tại một hội nghị về công tác dân vận, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng vạch ra vài nét phác hoạ thực tế chân dung ông "quan cách mạng" thời nay, rằng: "Một số người có chức, có quyền còn tác phong quan cách, gia trưởng, phụ trách ở địa phương nào, đơn vị nào thì như ông vua con, thậm chí có những cá nhân, tập thể bị trù dập, ức hiếp. Trong khi ở nhiều nơi, đời sống nhân dân còn khó khăn, nhiều nhu cầu thiết yếu của quần chúng chưa được đảm bảo thì lại có những cán bộ đảng viên chỉ lo vun vén cá nhân, xoay xở làm giàu, ăn uống chè chén bê tha, thậm chí có người vô trách nhiệm với dân, vô cảm trước những khó khăn, đau khổ của quần chúng".
Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà trước kỳ Đại hội các Đảng bộ vừa qua tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có 3 bài viết quan trọng về công tác chuẩn bị, tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, nhất là về chuẩn bị văn kiện và nhân sự.
Bộ Chính trị đã phân công các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư dự, theo dõi và chỉ đạo 67/67 đại hội Đảng bộ trực thuộc Trung ương, trong đó nhân sự là công tác được quan tâm hàng đầu nhằm chọn lựa đúng người có năng lực xuất sắc, đạo đức trong sáng... để đào tạo họ trở thành công bộ thực sự của dân, luôn đặt lợi ích của nhân dân, đất nước lên trên hết.
(Còn nữa)
Theo Nguyễn Quang Vinh/Dân Việt
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên