Theo nghiên cứu của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ công bố ngày 25/10, tỷ lệ tử vong ở lứa tuổi từ 0-19 là 0,003%, từ 20-49 là 0,02%, từ 50-69 là 0,5% và từ 70 tuổi trở lên là 5,4%.
Ngoài ra, dữ liệu gần đây từ một nghiên cứu của Hoa Kỳ có tên là COVID-NET (Mạng lưới giám sát nhập viện liên quan đến Covid) được thực hiện tại 99 quận ở 14 tiểu bang từ tháng 3/2020 - 8/2021 chỉ ra rằng biến thể Delta không gây ra tình trạng nghiêm trọng hơn ở những trẻ em nhập viện so với các biến thể trước đó.
Dữ liệu cho thấy, các trường tiểu học và trung học không phải là một trong những nguồn chính lây truyền virus. Tuy nhiên, dựa vào quan niệm vì sự an toàn và sức khỏe cho trẻ em, nhiều quốc gia vẫn áp dụng việc dạy và học từ xa.
Một khảo sát của Tổ chức lao động thế giới (ILO); Tổ chức Giáo dục, Khoa học, Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) và Ngân hàng Thế giới (WB), được thực hiện vào tháng 4/2020, cho thấy: 94% học sinh trên thế giới (tương đương 1,6 tỷ trẻ em) không đến trường sau khi trường học đóng cửa.
Tính đến tháng 4, vẫn còn khoảng 700 triệu trẻ em đang học tại nhà. Hiện nay, các trường tiểu học và trung học vẫn bị đóng cửa ở 19 quốc gia, khiến hơn 156 triệu học sinh không đến trường.
Ảnh hưởng sức khỏe thể chất, tâm lý
Đã có nhiều tổ chức, cá nhân tiến hành nghiên cứu hệ quả của việc học online đối với học sinh, sinh viên như nhóm nghiên cứu đa ngành ADEL (Đại học Quebec, Canada); nhóm Công nghệ giáo dục của tổ chức Giáo dục thực hành toàn cầu (WB); nhà tâm lý Mael Virat (Trường quốc gia Bảo vệ tư pháp cho thanh niên Pháp); nhà tâm lý học thần kinh, TS Tania Tremblay (Đại học Montreal, Canada).
Những kết quả nghiên cứu cho thấy việc học từ xa đã để lại những hệ quả liên quan đến các vấn đề sức khỏe thể chất và tâm lý.
Đầu tiên là việc tiếp xúc nhiều với màn hình vốn được xem là một trong những yếu tố gây ra hậu quả tiêu cực đối với sức khỏe thể chất và tinh thần.
Với những bài học trực tuyến, thời gian ngồi trước màn hình đã tăng lên đột biến.
Học sinh dành trung bình gần 6 tiếng trước màn hình mỗi ngày để học bài hoặc làm bài tập về nhà. Thêm vào đó là thời gian dành cho giải trí trên màn hình, trung bình 5 tiếng/ngày. Vì vậy, gần 70% thời gian trong ngày của học sinh được dành cho những hình thức tiếp xúc với màn hình.
Tác hại của ánh sáng xanh, đặc biệt đối với mắt, làm tăng nguy cơ cận thị cũng như đối với giấc ngủ (ảnh hưởng đến số giờ và chất lượng giấc ngủ) khi tiếp xúc với ánh sáng xanh vào buổi tối. Thời gian ngồi trước màn hình làm trầm trọng thêm lối sống ít vận động của những người trẻ tuổi, vốn đã ít vận động hơn kể từ khi đại dịch bắt đầu.
Lối sống ít vận động này cũng liên quan đến một số vấn đề về thể chất (bệnh tim mạch, tiểu đường, tăng huyết áp) và tâm lý. Việc học online dẫn đến sự sụt giảm về kết quả học tập, về khả năng đọc và viết. Kết quả của nghiên cứu ADEL cho thấy phần lớn giáo viên nhận thấy rằng học sinh của họ có kỹ năng đọc yếu hơn (78%) và viết yếu hơn (71%) so với học sinh các năm trước.
Sự giảm sút của mức độ cảm nhận hạnh phúc của trẻ em và thanh thiếu niên cũng là vấn đề. Các kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra: 40% học sinh cho rằng mức độ lo lắng tâm lý tăng lên, cùng với sự gia tăng các triệu chứng trầm cảm dẫn đến một số học sinh có suy nghĩ tiêu cực. Việc hạn chế giao tiếp và học tại nhà cũng dẫn đến gia tăng bạo lực gia đình đối với trẻ em hoặc bạo lực gia đình có sự chứng kiến của trẻ em.
Học từ xa cũng làm giảm động lực học tập, có tới 68% số sinh viên và học sinh được khảo sát thừa nhận như vậy trong các nghiên cứu. Cùng với đó là 84% người học trực tuyến ít tập trung hơn trong các giờ học, 54% cho rằng dễ bị xao nhãng. Người học cũng tỏ ra dễ mệt mỏi hơn, hiện tượng này còn được gọi là "mệt mỏi zoom".
Không chỉ trẻ em, người chăm sóc cũng phải trả một cái giá khá đắt. Việc ở nhà trông trẻ buộc các bậc phụ huynh trên khắp thế giới phải nghỉ việc, đặc biệt là ở những quốc gia có rất ít hoặc không có văn hóa nghỉ việc vì lý do gia đình.
Những gì trẻ em và thanh thiếu niên đã mất do không được đi học có thể không bao giờ được bù đắp trọn vẹn. Dù đó là mất khả năng học tập, khó khăn về tâm lý, tiếp xúc với bạo lực và lạm dụng, thiếu vắc xin cho học sinh, hay hạn chế trong việc tiếp thu các kỹ năng xã hội, tất cả những hậu quả này sẽ ảnh hưởng đến lượng kiến thức thu được của trẻ em, sự tham gia của trẻ em vào xã hội, cũng như sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ.
Những người bị ảnh hưởng nhiều nhất thường là trẻ em sống trong những môi trường kinh tế xã hội bấp bênh, không được tiếp cận với các công cụ đào tạo từ xa, cũng như trẻ em ở những độ tuổi nhỏ, đang trong những giai đoạn phát triển quan trọng nhất của đời người.
Không có lý gì khi quán ăn, quán bar, phòng tập thể thao… được mở cửa ở các quốc gia đã tiêm vắc xin trong khi trường học thì vẫn đóng. UNICEF và UNESCO cũng kêu gọi các nhà hoạch định chính sách và chính phủ các nước ưu tiên mở lại trường học để tránh những hậu quả có thể dự báo trước cho một thế hệ.
BS Anne-Sophie Renault Tran
(Chuyên gia Pháp về rối loạn và phát triển thần kinh)
Nguồn VietNamnet
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên