Thực tế phòng chống Covid-19 trong gần 2 năm qua cho thấy, trong cái khó đã ló không ít cái khôn. Vì lý do giãn cách xã hội, để đảm bảo an toàn cho dân, chúng ta có thể thiết lập một nếp sống mới, mà trước đây nhiều khi hô hào, vận động mãi vẫn không chuyển biến…
Tiết kiệm ngân sách
Nhiều cuộc hội nghị, hội thảo, mít tinh đã gọn gàng hơn. Người tham dự không nhất thiết phải đi xa mà vẫn hiệu quả cao.
Chuyện có lẽ đáng nhớ nhất với tôi, đó là việc Quốc hội khoá 15, kỳ họp thứ nhất được khai mạc lúc dịch bắt đầu bùng phát đợt dịch thứ 4. Để chủ động, chúng ta đã quyết định rất sáng suốt rút ngắn kỳ họp.
Ngoài ra, Quốc hội cũng đã tách việc họp theo lối trực tuyến là chính (chuyện chưa hề có trong lịch sử nghị trường) và chỉ tập trung đại biểu về Thủ đô khi thật cần thiết. Ví dụ như khi phải dự để bỏ lá phiếu bầu ra bộ máy chính trị mới của Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ...
Cái lợi của cách họp này, ngoài việc tránh hết sức tập trung đông người để hạn chế lây lan dịch bệnh, còn là để các đại biểu có điều kiện gần "đại bản doanh”, bám sát tình hình địa phương mình để phòng chống dịch sao cho hiệu quả nhất có thể.
Rồi thì các hội nghị, hội thảo quốc tế trên thế giới cũng đã diễn ra mà không thể án binh bất động mãi được. Song cả thế giới, nhờ công nghệ số hiện đại, đã rất sáng tạo khi tổ chức các cuộc họp, hội thảo quốc tế trực tuyến. Hiệu quả của các hội nghị vẫn cao, đồng thời giúp tiết kiệm được khá nhiều cho ngân sách của mỗi quốc gia, nhất là trong bối cảnh hầu hết đều tăng trưởng âm.
Từ thực tiễn quý giá này, sau khi dịch giã kết thúc, liệu có thể tham khảo một loạt cung cách tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học thông qua hình thức trực tuyến được không? Nếu giảm bớt được các kỳ cuộc đại loại như vậy, tôi nghĩ ngân sách nhà nước sẽ đỡ được rất nhiều kinh phí phải chi.
Chúng ta nên nhớ, trong các khoản chi từ ngân sách cho các đoàn, các cán bộ đi công tác nước ngoài (trừ việc đi nghiên cứu, tham quan, học tập nước bạn có thể không tránh được) thì khoản chi cho việc đi dự hội nghị, hội thảo cũng không hề nhỏ.
Tiếp đó, trong việc cho sinh viên học trực tuyến, có lẽ nên nghiên cứu, khi nào cần lên lớp, khi nào có thể học trực tuyến, bởi công nghệ thông tin đang ngày một đột phá, văn minh hơn. Nếu làm được theo hướng này sẽ tiết giảm được một số lượng lớn người đổ ra đường giờ cao điểm, đâu cần phải hạn chế xe cơ giới vào nội thành như đang đề xuất. Chính lực lượng sinh viên này nếu hạn chế ra đường cũng sẽ giảm ách tắc giao thông và tiết kiệm xăng xe cho sinh viên khá nhiều xét về góc độ tài chính…
Cũng từ đó, các công sở, giới công chức, viên chức, đặc biệt là giới nghiên cứu… có thể làm việc trực tuyến nếu không cần có mặt tất cả các ngày tại cơ quan. Trong thực tế mấy tháng giãn cách vì dịch, nhiều người thừa nhận với tôi rằng, hiệu quả công tác của họ đem lại vẫn rất ổn. Nếu đúng như vậy thì rồi đây, các văn phòng cũng đâu cần phải thuê rộng, nhờ thế mà tiết kiệm không nhỏ cho các đơn vị, dù là công hay tư. Từ đó có thể tăng lương cho nhân viên chỉ do việc nhỏ là thuê nhà làm văn phòng không cần quá nhiều diện tích…
Phong cách tổ chức cưới mới
Còn một lĩnh vực khác cũng rất đáng suy nghĩ. Đó là trong xã hội chúng ta, nhiều chục năm qua phấn đấu xây dựng đời sống văn hoá mới, trong đó có việc tổ chức lễ cưới sao cho văn minh, tiết kiệm. Nói thì dễ đấy nhưng cũng thật khó khăn. Người ta đã nói mãi, chỉ thị mãi, thậm chí có người còn bị kỷ luật vì tổ chức cưới hỏi linh đình, tốn kém, ảnh hưởng xấu cho xã hội. Tất cả đều vẫn tồn tại gần như y nguyên, không hề có chuyển biến tích cực bao nhiêu.
Gần 2 năm qua, do đất nước phải thực hiện giãn cách, chúng ta đã chứng kiến biết bao bạn trẻ phải hủy lễ thành hôn. Nhiều người chờ lâu quá mà đành hủy luôn vì đã sinh con. Nhiều người thì cố chờ dịch kết thúc sẽ làm lễ cưới mà rồi không thành vì sau đó bị mất việc làm, tiền nong lo cho đám cưới cũng dần cạn kiệt nên đành hủy cưới bất đắc dĩ. Nhiều đám cưới thậm chí đặt tiệc rồi mà phải hủy hoặc mời nhưng người đến dự ngại dịch mà cáo lỗi không đến khiến đám cưới thưa thớt, ảm đạm và vô cùng phí phạm.
Lâu nay, không chỉ thành phố mới tổ chức các đám cưới đông người, tốn kém với cả ngàn người được mời dự mà cả các vùng nông thôn cũng thế. Nó trở thành gánh nặng cho các cặp vợ chồng trẻ không hề khá giả và không phải là con quan chức, doanh nhân. Tại nông thôn, nhiều chục năm qua, đâu chỉ ngả cỗ cưới ăn một ngày mà ăn đến vài ba ngày. Mời dự thì mời cả làng. Vì thế sau đám cưới cũng là gánh nợ è cổ bởi tiền mừng chỉ là tượng trưng.
Tất cả những ví dụ này cho thấy các quy định về thực hiện tổ chức cưới hỏi theo đời sống mới đã ban hành đều tỏ ra bất lực. Họ lách quy định rất dễ dàng khi tổ chức tại nhiều nơi khác nhau và nhiều khi cha mẹ nghĩ cách mời khách riêng, con cái mời khách riêng. Như vậy, nếu nhìn vào thì vẫn không hề vi phạm mỗi đám cưới chỉ được phép làm bao nhiêu mâm/người (tuỳ theo quy định của mỗi địa phương về cách gọi).
Vừa qua, do dịch bệnh kéo dài, các địa phương có những quy định tổ chức tiệc cưới được mời tối đa bao nhiêu người. Như Hà Nội hôm mới đây có quy định việc mời cưới mỗi đợt vào nhà hàng dự không quá 30 người. Với các tỉnh thì mỗi nơi một khác. Có nơi lại không quá 50 người…
Giá như sau đại dịch này kết thúc, từ thực tiễn đang diễn ra, các bạn trẻ và gia đình họ cũng nên dự liệu tổ chức lễ thành hôn kiểu như nhiều nước trên thế giới vẫn làm mà vẫn trang trọng, ấm cúng. Tức là chỉ mời những người vô cùng thân thiết đến dự chứ không nên mời đến dăm bảy trăm, thậm chí cả ngàn người nữa.
Biết đâu, nhờ có dịch mà sau đó, một nếp sống mới, một phong cách tổ chức cưới mới, rất đẹp, sẽ hình thành.
Nghĩ đi nghĩ lại thì tất cả những câu chuyện mà tôi nêu ở trên, tại sao lại không như vậy được nhỉ!
Theo Quốc Phong/VietNamnet
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về Người làm báo Hưng Yên.
Người làm báo Hưng Yên