Chủ tịch Quốc hội: Giám sát phải đúng và trúng, chỉ rõ địa điểm, trách nhiệm giải trình

Thứ năm - 04/11/2021 14:49

Chủ tịch Quốc hội cho biết điều này tại Hội nghị triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022.

Để triển khai có hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Chương trình giám sát năm 2022, sáng nay (4/11), tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì Hội nghị triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022.

Hội nghị được tổ chức trực tuyến từ điểm cầu Nhà Quốc hội với sự tham gia của các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Cùng dự Hội nghị có: Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; đại diện Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các ban, các bộ, ngành, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao, các tổ chức chính trị - xã hội.

Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trong cả nước với sự tham dự của 25 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh/Thành ủy và đại diện Thường trực Tỉnh/Thành ủy, HĐND, UBND, Đoàn đại biểu Quốc hội, các sở, ban, ngành...

111
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị.

Giám sát là một trong chức năng cơ bản của Quốc hội được quy định trong Hiến pháp, trong chương trình hành động của Đảng, đoàn Quốc hội để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Trong phát biểu nhậm chức của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã khẳng định, đổi mới nâng cao chất lượng công tác giám sát là một nội dung trọng tâm của đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội trong khóa XV.

Chính vì lẽ đó bắt đầu từ năm 2021, để chuẩn bị cho chương trình giám sát Quốc hội trong năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghiên cứu và lựa chọn các chuyên đề giám sát sát với thực tế nhất, đáp ứng được yêu cầu của cử tri trong giai đoạn hiện nay. 

Trong năm 2022, Quốc hội sẽ tiến hành 4 cuộc giám sát chuyên đề, trong đó có 2 cuộc giám sát tối cao của Quốc hội, chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của giai đoạn 2016-2021. Ngoài ra, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã có quyết định 2 chuyên đề giám sát, đó là việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thời gian từ tháng 7/2016 đến tháng 7/2021 và chuyên đề việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021.

Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung công sức, dành nhiều thời gian, nguồn lực, cho việc chuẩn bị công tác giám sát. Trong cả 4 cuộc giám sát này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có kế hoạch huy động các cơ quan của Quốc hội, đồng thời giao nhiệm vụ cho 63 đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 63 HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham gia; huy động tổng lực các cơ quan chức năng, các lực lượng tham gia. Bên cạnh đó, HĐND các cấp, các đoàn ĐBQH, các đoàn giám sát chuyên ngành, các cấp giám sát thực hiện một cách độc lập.

"Để phục vụ cho các chuyến đi giám sát, chúng ta phải làm đến nơi, đến chốn, có những nhận xét, đánh giá sát đúng với tình hình thực tiễn của từng lĩnh vực, đưa ra những kiến nghị, đề xuất sắc sảo. Đồng thời theo dõi việc tổ chức thực hiện các kiến nghị giám sát. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như Quốc hội yêu cầu xác định được trách nhiệm giải trình của các tổ chức các cấp, các ngành, các tổ chức, các đơn vị, các cá nhân có liên quan, nhất là trách nhiệm người đứng đầu đối với từng lĩnh vực được giám sát. Sau kết luận giám sát mới có thể hy vọng tạo ra những chuyển biến căn bản trong từng lĩnh vực giám sát, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân và cử tri cả nước, trước yêu cầu của Đảng và Nhà nước ta trong từng giai đoạn" - Chủ tịch Quốc hội cho biết.

111
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị

Cho rằng, thất thoát, lãng phí không kém tham nhũng, thậm chí còn lớn hơn tham nhũng rất nhiều, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt câu hỏi, trong các cuộc giám sát chuyên đề về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, sau khi có kết quả giám sát, có tạo được chuyển biến căn bản về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong việc sử dụng và quản lý ngân sách nhà nước, trong phân bổ các nguồn lực, trong sử dụng có hiệu quả các nguồn lực hay không? Đặc biệt trong cả các nguồn lực phòng, chống dịch bệnh Covid-19.  

Hay trong việc sử dụng đất đai, ở đâu đó còn để tình trạng hoang hóa đất nông nghiệp, vi phạm trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp. Vấn đề sắp xếp đất đai trong nông lâm trường đang được tiến hành ra sao, hay vẫn để lãng phí, trong khi người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số đang thiếu đất ở, thiếu đất sản xuất. Chủ tịch Quốc hội kỳ vọng, nếu thực hiện nghiêm công tác giám sát sẽ tạo nguồn lực rất lớn để đưa vào phát triển kinh tế, nhất là trong giai đoạn đất nước đang phải đối phó với đại dịch Covid rất phức tạp. Bởi, một đồng chắt chiu cũng rất quý.

Do đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, mục đích của Hội nghị này nhằm tạo sự thống nhất và chủ động của các cơ quan trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết về chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2022. Góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội nói chung; làm cơ sở để theo dõi, đôn đốc, đánh giá việc thực hiện các yêu cầu trong hoạt động giám sát; góp phần  tiếp tục đổi mới nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát và hoạt động hậu giám sát.

"Giám sát phải đúng và trúng, chỉ rõ địa điểm, ghi rõ trách nhiệm giải trình của các tổ chức, cá nhân và kiến nghị, đề xuất sửa đổi chính sách pháp luật trong hệ thống pháp luật, chính sách của Nhà nước. Lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu nếu phát hiện những dấu hiệu sai phạm đối với tất cả các lĩnh vực thì sẽ chuyển hồ sơ cho các cơ quan chức năng, để nâng cao năng lực giám sát của Quốc hội, chứ không phải chỉ đưa ra ý kiến như vậy, ai thực hiện thì thực hiện, không thực hiện thì thôi. Phải cụ thể hóa được trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân. Do đó, phương pháp giám sát cũng phải hết sức khoa học, tổ chức giám sát chặt chẽ, cán bộ tham gia giám sát phải có bản lĩnh và cũng sẽ có cách để giám sát lại những người đi giám sát. Chúng ta phải làm đến nơi đến chốn" - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, trong quá trình tổ chức cũng cần phải bám sát chủ trương của Đảng, chương trình hành động của Đảng Đoàn Quốc hội, yêu cầu nhiệm vụ của Quốc hội trong tình hình mới hiện nay. Tập trung các nguồn lực, chủ động xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, phối hợp chặt chẽ, bảo đảm chất lượng, tiến độ; quá trình triển khai cần cương quyết giảm thiểu các thủ tục hành chính, cá thể hóa trách nhiệm, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm hiệu quả tiết kiệm, tránh lãng phí  không làm ảnh hưởng, phiền hà đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức các đối tượng được giám sát./.

 

Theo Lê Tuyết/VOV

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây