Khi xâm phạm sự cân bằng của tự nhiên

Thứ bảy - 24/10/2020 10:49
Việc cảnh báo con người không được phá hoại môi trường sinh thái trong quá trình phát triển đã được các cơ quan, các vị lãnh đạo nói đến nhiều lần, trên nhiều diễn đàn. Trên báo Lao động ngày 13/10/2020, trong bài viết về thiệt hại do lũ lụt ở miền Trung gần đây, để trả lời cho câu hỏi: “Tại sao hậu quả lại thảm khốc tới như vậy?”, tác giả Đào Tuấn phân tích: “Đã đành là mưa lũ vượt mốc kỷ lục lịch sử năm 1983. Nhưng thật ra, còn có một nguyên nhân khác. Đó là sự biến mất của không ít diện tích rừng tự nhiên…”. Chính vì vậy, tác giả nhắc lại: “Hãy nhớ, một trong những quyết định đầu tiên ngay sau khi nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra lệnh đóng cửa rừng…”

Thế nhưng, rừng vẫn tiếp tục bị phá và rất nhiều tai họa từ việc phá vỡ môi trường sinh thái tự nhiên vẫn diễn ra khắp nơi, mà vụ rừng núi đổ sập làm chết nhiều người tại khu vực các nhà máy thủy điện Rào Trăng (Phong Điền - Thừa Thiên Huế) những ngày vừa qua có lẽ là vụ đau đớn đến mức kinh hoàng; và mới đây là vụ sạt lở tương tự ở Hướng Hóa – Quảng Trị với những tổn thất về người cũng không kém phần nghiêm trọng!111

Những mất mát đối với mấy chục gia đình có người thân qua đời trong các tai nạn nói trên là không thể bù đắp được, mặc dù Nhà nước, các đoàn thể xã hội và đồng bào từ nhiều địa phương trong cả nước đã thực hiện các chính sách và giúp đỡ các gia đình có người thân hy sinh và tử nạn, song việc khắc phục hậu quả từ những vụ tai nạn thảm khốc này sẽ còn lâu dài và gặp rất nhiều khó khăn. Và một điều không thể xem nhẹ, không thể lảng tránh là phải kịp thời rút ra những bài học kinh nghiệm, phải thực sự “thức tỉnh”.

Rào Trăng - con Sông Trăng tuyệt đẹp uốn mình giữa khu rừng Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền! (nhiều địa phương miền Trung gọi các con sông nhỏ là “rào” – Từ đây, tôi dùng Sông Trăng thay cho Rào Trăng như là một biểu tượng của vẻ đẹp thiên nhiên và hàm ý không chỉ nói về một công trình cụ thể). Câu chuyện nóng bỏng hiện tại là sau “cú ngã” quá đau xót ở Sông Trăng, liệu có giúp cho chúng ta tỉnh ngộ, để “bớt dại” không?

Về chủ đề này, có nhiều khía cạnh cần bàn tới. Với hiểu biết của một người từng công tác 15 năm trong một ngành chuyên môn gần với thủy lợi, từng lăn lộn bảo đảm giao thông trên các trọng điểm bị sụt lở khủng khiếp vì mưa lũ và bom “tọa độ” ở Trường Sơn hơn nửa thế kỷ trước, với cả những điều học hỏi từ bạn bè và các nhà khoa học trên báo chí và mạng xã hội, xin được góp vài ý kiến như sau:

 1- Bài học đầu tiên có tính “vĩ mô” mà từ thượng cổ ông cha ta đã biết là “Ăn của rừng, rưng rưng nước mắt”; còn ngày nay chúng ta cũng đã nhắc nhau cả ngàn lần là hậu quả của phá rừng sẽ gây lũ lụt. Vậy tại sao vẫn tái phạm?

Thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), chỉ trong hơn 5 năm từ năm 2012-2017, diện tích rừng tự nhiên đã bị mất do chặt phá rừng trái pháp luật chiếm 11%, 89% còn lại do chuyển mục đích sử dụng rừng tại những dự án được duyệt.

Thế đấy! Rừng tự nhiên bị mất gần 90% là do “những dự án được duyệt” và thủy điện chiếm phần không nhỏ…” (nhà báo Trần Bá Đại Dương)

Trong bài đã dẫn trên báo Lao Động, tác giả Đào Tuấn cũng nêu vấn đề tương tự bằng dẫn chứng cụ thể ở Lâm Đồng “có 31/53 dự án được đồng ý cho chuyển từ rừng tự nhiên sang trồng cao su. Đến tháng 5/2020…. hầu hết rừng tự nhiên được cấp phép tận thu gỗ đã bị khai thác hết...

Như vậy, quyết định đóng cửa rừng của Thủ tướng cần phải được thực thi nghiêm ngặt, kể cả việc không được phép lợi dụng việc “chuyển mục đích sử dụng” rừng tự nhiên để làm các dự án.

2 - Vấn đề nữa cũng ở tầm “vĩ mô” là phải xem lại toàn bộ các dự án thủy điện trên cả nước. Chúng ta đã một thời “say mê” làm thủy điện vì không thải khí độc như nhiệt điện và giá thành rẻ. Điều đó là đúng, nhưng chưa ai tính được thiệt hại lâu dài do hậu quả phá rừng và ngăn dòng chảy tự nhiên của sông suối. Làm thủy điện đã thành “phong trào”, tỉnh, huyện và đơn vị xây dựng nhỏ bé, trình độ kỹ thuật non yếu cũng đua nhau làm! Chi phí không quá cao, thời gian thu lời gần như là vô tận… Thế nhưng qua vụ Sông Trăng sụp đổ, chúng ta mới “ngộ” ra thế giới hôm nay đã có cách nhìn khác về thủy điện. Tôi xin được dẫn ý kiến từ rất nhiều nguồn để thấy vấn đề hiện được rất nhiều giới quan tâm, không chỉ vì vụ Sông Trăng gây ra thiệt hại to lớn về người và tốn kém khó tính hết trong quá trình khắc phục hậu quả. Báo điện tử Vietnamnet từng đưa ý kiến “Các nước đã phá bỏ nhiều thủy điện!”… Không chỉ Vietnamnet nêu vấn đề này. Báo Đà Nẵng cuối tuần tháng 3/2018, trong bài Phá đập thủy điện vì môi trường cũng có đoạn viết: “Trên toàn nước Mỹ trong năm 2017 đã đập bỏ tổng cộng 86 đập thủy điện. Đây là năm có thành tích tốt nhất vì phá “kỷ lục” 78 đập bị phá bỏ trong năm 2014. Tổ chức America Rivers thống kê đã có 1.492 đập bị phá bỏ kể từ năm 1912 nhưng trong vòng 30 năm qua mới là giai đoạn tích cực nhất trong việc đập bỏ thủy điện với con số 1.275 đập. Kristie Fach, giám đốc phục hồi sinh thái của Wildlands, cho biết phá bỏ thủy điện giúp mở rộng lãnh thổ cho các loại động vật nước ngọt, cải thiện chất lượng nước thông qua việc oxy hóa tốt hơn và làm cho giao thông đường thủy an toàn hơn. Đập thủy điện còn gây xói mòn bờ sông vì áp lực nước… Các nước châu Âu bắt đầu tập trung khôi phục các con sông, phá hủy đập nhiều hơn là xây dựng đập…

Cũng trong ngày 15/10, trên FB của nhà văn Phạm Ngọc Tiến công bố bài của ông Trần Quốc Thành, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Nghệ An, với tiêu đề Thảm họa của thủy điện “cóc” xây dựng ở miền trung có đoạn: “Thủy điện cóc là dạng dự án thủy điện có công suất nhỏ. Dạng dự án này các doanh nghiệp rất ham và kéo theo một số lãnh đạo có quyền rất mê!...

Dẫn ý kiến trong nước, ngoài nước như thế chưa hẳn đã đủ căn cứ để kết luận. Vẫn còn có người cho rằng nhờ làm thủy điện mà giảm lũ cho hạ lưu… Cũng nên biết, phát triển điện mặt trời, điện gió đang là xu thế tích cực hiện nay. Liệu đến lúc nào cấp có thẩm quyền, có đủ căn cứ và can đảm ra quyết định đình chỉ toàn bộ các dự án thủy điện chưa và sắp triển khai? Tất nhiên, quyết định đó phải trên cơ sở ý kiến của một Hội đồng khoa học - xin nhấn mạnh: Hội đồng cần công khai tên các thành viên, để chịu trách nhiệm trước nhân dân về kết luận của mình. Cũng là tất nhiên, với cỡ công trình quan hệ đến an ninh năng lượng quốc gia (như nhà máy thủy điện Sông Đà…) thì phải có một quy chuẩn riêng khắt khe về nhiều mặt, xin không bàn đến ở đây.

3 - Cần coi trọng ý kiến của các chuyên gia khi buộc phải phá vỡ sự cân bằng tự nhiên, đồng thời cần phổ biến rộng rãi những hiểu biết về kỹ thuật khi xây dựng công trình. Một vùng núi rừng với sườn dốc thích hợp, có cây cỏ che phủ bình yên cả ngàn năm, nếu tùy tiện “chém sả” xuống bằng một mái ta-luy dựng đứng (vì thiếu hiểu biết hay vì hám lợi, giảm khối lượng đất đào), bất kể cấu tạo địa chất, lại không đầu tư bê tông, sắt thép đủ sức chống đỡ, tạo nên sự “cân bằng mới” thì lũ về, tất phải đổ sụp, cuốn theo mọi thứ vừa xây nên. (“Sự cân bằng mới” ở đây mới chỉ nhìn từ vật chất mà con người đo đếm được - như thủy điện Sông Đà đã đạt được điều này - còn núi rừng sụp đổ thì còn có thể do những lực “siêu nhân”, hay nói theo ngôn ngữ vật lý lượng tử là “năng lượng tối” mà nhân loại chưa nắm bắt được… Không phải bỗng nhiên mà dân gian thường nói “Rừng thiêng”…)

Đây là vấn đề cụ thể nhưng lại là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai họa. Vấn đề cũng không mới, đã có quy định các dự án phải có báo cáo tác hại môi trường kèm theo; nhưng báo cáo đó có thật sự có giá trị khoa học không, hay chỉ làm “lấy lệ” và để... lấy tiền, lại là khía cạnh rất cần phải cảnh giác. Nhiều công trình trước đây (không chỉ với các nhà máy thủy điện) khi vận hành đã gây ra hậu quả xấu về môi trường. Vụ sụp đổ ở Sông Trăng là một bằng chứng nóng hổi, nhất là khi báo Giao thông vận tải ngày 15/10/2020 đăng bài Khu vực thủy điện Rào Trăng 3 đã được các chuyên gia nghiên cứu, cảnh báo nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất từ tháng 6/2020. Bài viết có đoạn:

… TS Trịnh Xuân Hòa, Phó Viện Trưởng Viện Khoa học Địa chất và khoáng sản, cho biết: Năm 2019, đơn vị đã tiến hành điều tra với tỷ lệ 1:50.000 và đã có cảnh báo về hiện trạng trượt lở tại đây. “Tháng 6/2020, chúng tôi đã chuyển giao Đề án này cho Ban chỉ huy PCTT của tỉnh Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, họ đã sử dụng như thế nào thì chúng tôi không rõ”, ông Hòa cho hay…

Vấn đề đặt ra là: 4 thủy điện trên Sông Trăng được phê duyệt từ năm 2018, tại sao năm 2019 Viện khoa học địa chất và khoáng sản mới vào cuộc điều tra, và mãi tháng 6/2020 mới gửi báo cáo cho địa phương? Vậy khi tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt dự án 4 nhà máy thủy điện trên Sông Trăng, có xét đến báo cáo điều tra về địa chất và tác động môi trường không?

Trước đó, từ tháng 4/2018, báo Tài nguyên & Môi trường cũng đã đăng bài có tính cảnh báo: Thừa Thiên Huế: Gian nan công tác bảo vệ rừng tại Phong Điền. Bài viết dẫn lời ông Đặng Vũ Trụ- Giám đốc Khu BTTN Phong Điền:

… cả 4 nhà máy thủy điện trên thuộc vùng lõi và khu vực phục hồi sinh thái. “Hơn 100 ha rừng nghèo phải chuyển đổi mục đích để thi công các dự án thủy điện. Ngoài ra, một số diện tích khác cũng phải chuyển đổi để thi công đường 71 và đường dây điện nối vào hệ thống điện lưới quốc gia...”... Cũng từ đây, nạn chặt phá rừng phát sinh nhiều hơn, quy mô cũng lớn hơn...

Việc gì phải đến đã đến. Tai nạn đau lòng đã xảy ra, nhiều thứ không thể hàn gắn và bù đắp được. Giải trình nhiều câu hỏi quanh vụ tai nạn này thuộc trách nhiệm các cơ quan hữu quan. Điều cấp thiết là phải rút ra bài học cho các công trình dang dở hay sắp triển khai ở nhiều địa phương trên cả nước. Bài học không chỉ ở khía cạnh nhất thiết phải tôn trọng việc điều tra tác động môi trường một cách khách quan, trung thực; mà còn là bài học về thông tin. Nếu báo cáo của Viện Khoa học địa chất và khoáng sản về hệ thống đứt gãy và khả năng liên kết kém của đất đá tại Phong Điền được công khai sớm trên báo chí, thì trong đoàn 21 tướng, tá, cán bộ vượt núi trong đêm để cứu hộ cứu nạn, chắc chắn có người lên tiếng cảnh báo phải dừng lại, hoặc ít ra cũng có những động thái để tránh được tai nạn đau xót! Nhưng như đã nói ở trên, báo cáo này không được công khai thông tin vì thuộc loại “thông tin không tích cực” với chủ đầu tư, với các công trình đã lỡ triển khai! Bài học thông tin quan trọng chính là ở đây - cuộc sống luôn có nhiều mặt, phải coi trọng sự phản biện khoa học, mới tránh được sai lầm khi ra quyết định cuối cùng. 

Bảo đảm hài hòa giữa mục tiêu phát triển kinh tế và gìn giữ môi trường sinh thái là một bài toán rất khó khăn, nhất là khi còn bị lôi kéo vì các “nhóm lợi ích”. Cho dù vậy, nếu thật cẩn trọng khi công trình phá vỡ sự cân bằng tạo hóa đã thiết lập từ bao đời, và đặt lợi ích của đại cục lên trên, thì sẽ có cách chọn lựa tối ưu, ít ra thì cũng không tiếp tục gây ra những vụ sụp đổ đau đớn như đã biến Sông Trăng đẹp đẽ thành một địa danh khiến hàng triệu con tim thắt lại vì chỉ nghĩ đến sự chết chóc thảm thương!

Tác giả: Nguyễn Khắc Phê
Nguồn Văn nghệ số 43/2020  

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây